Thực hiện hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Báo Thái Nguyên điện tử trích đăng nội dung “Tài liệu tuyên truyền 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam” do Ban Tuyên giáo Trung ương và Văn phòng Quốc hội biên soạn.
Quốc dân Đại hội Tân Trào - tiền thân của Quốc hội Việt Nam
Trong quá trình chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, tháng 10-1944, trước chuyển biến nhanh chóng của tình hình thế giới có lợi cho cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho quốc dân đồng bào thông báo chủ trương triệu tập Đại hội đại biểu quốc dân để thành lập một cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân ta, tạo nên sức mạnh dân tộc bên trong và tranh thủ ngoại viện của quốc tế nhằm chớp thời cơ thuận lợi thực hiện cho được mục tiêu giành độc lập, tự do. Vì vậy, giữa tháng 8-1945, khi chủ nghĩa phát xít tuyên bố đầu hàng các nước Đồng minh không điều kiện và lực lượng cách mạng Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong cả nước, Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) từ ngày 13 đến 15/8/1945 để quyết định phát động Tổng khởi nghĩa.
Ngày 16/8/1945, tại đình Tân Trào (Tuyên Quang), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh (Việt Nam độc lập Đồng minh hội) đã khai mạc Đại hội đại biểu Quốc dân (còn gọi là Quốc dân Đại hội Tân Trào). Tham dự Đại hội có hơn 60 đại biểu đại diện cho cả ba miền Bắc - Trung - Nam, đại diện cho các ngành, các giới, các dân tộc, các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc cùng một số Việt kiều ở Thái Lan và Lào để bàn kế hoạch Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Đại hội đại biểu quốc dân đã thông qua ba quyết định lớn:
Thứ nhất, nhất trí tán thành chủ trương phát động Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương và Tổng bộ Việt Minh;
Thứ hai, thông qua 10 chính sách của Việt Minh và hiệu triệu đồng bào tích cực phấn đấu thực hiện, trong đó điểm mấu chốt đầu tiên là giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập;
Thứ ba, thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Đại hội đã quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng năm cánh ở giữa, Quốc ca là bài “Tiến quân ca”. Ngày 17/8/1945, Đại hội bế mạc trong không khí sôi nổi của Tổng khởi nghĩa.
Quốc dân Đại hội Tân Trào là mốc son trong lịch sử vẻ vang của cách mạng Việt Nam, là tiền thân của Quốc hội Việt Nam, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Việt Nam quốc dân đại biểu Đại hội cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam để lãnh đạo toàn quốc nhân dân kiên quyết đấu tranh kỳ cho nước được độc lập. Đó là một tiến bộ rất lớn trong lịch sử tranh đấu giải phóng của dân tộc ta từ ngót một thế kỷ nay. Đó là một điều khiến cho đồng bào ta phấn khởi và riêng tôi hết sức vui mừng”.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và những quyết định đi đến ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam
Thực hiện Nghị quyết Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, nhân dân Việt Nam đã nhất tề nổi dậy. Cuộc Tổng khởi nghĩa đã nhanh chóng giành được thắng lợi, tiêu biểu là khởi nghĩa ở Hà Nội (ngày 19/8/1945), Huế (ngày 23/8/1945), Sài Gòn (ngày 25/8/1945). Chính quyền trong cả nước đã thuộc về nhân dân. Vua Bảo Đại xin thoái vị để “được làm dân tự do của một nước độc lập”.
Ngày 25/8/1945, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc giải phóng do Quốc dân Đại hội Tân Trào cử ra được cải tổ thành Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), trước hàng chục vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngày 3/9/1945, Chính phủ lâm thời tổ chức phiên họp đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống…”.
Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 14-SL quy định mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội.
Để tổ chức Tổng tuyển cử, các ban bầu cử đã được thành lập tới tận làng xã do UBND các cấp trực tiếp đảm nhiệm. Ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội, trong đó có đoạn: “Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”.
Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bằng ý chí sắt đá của một dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được, toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, già trẻ đã dành trọn ngày lịch sử - ngày 6/1/1946: Toàn dân đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội.
Một số kết quả và ý nghĩa của cuộc Tổng tuyển cử
Ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trên cả nước, kể cả các vùng đang có chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tổng số cử tri đi bỏ phiếu đạt tỷ lệ 89%, trừ một số nơi phải bầu bổ sung còn tuyệt đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần. Cuộc Tổng tuyển cử đã bầu được 333 đại biểu Quốc hội, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% số đại biểu không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số. Trong thành phần của Quốc hội có đại biểu đại diện cho cả ba miền Bắc - Trung - Nam, các giới từ những nhà cách mạng lão thành, thương gia, nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động văn hóa đến đại biểu các thành phần tôn giáo, những người không đảng phái và các đảng phái chính trị.
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam năm 1946 được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất (đó là: Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín) đã hoàn toàn thắng lợi. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Thắng lợi đó là một mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới của đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Cuộc bầu cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ - Nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến, kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế…