Ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài viết đăng trên Báo Nhân Dân với tựa đề “Tết trồng cây”. Người phân tích ý nghĩa to lớn và lợi ích thiết thực của việc trồng cây, gây rừng đối với đất nước, gia đình và người dân. Cuối năm Kỷ Hợi 1959, Người kêu gọi toàn dân hưởng ứng một tháng trồng cây, gọi là “Tết trồng cây”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người kể từ đó đến nay, Tết trồng cây theo lời dạy của Bác đã thật sự mang lại lợi ích to lớn cho đất nước và trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của nhân dân khởi đầu cho mỗi mùa xuân đất nước ...
Vì một Việt Nam xanh
Phát huy truyền thống dân tộc, tiếp tục hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg tổ chức phong trào Tết trồng cây và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng, đề ra mục tiêu trồng mới một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 trên toàn quốc.
Mùa xuân Tân Sửu này, sáng 17-2, trong không gian linh thiêng của Hoàng thành Thăng Long, trong không khí mừng Đảng, mừng Xuân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương, thành phố Hà Nội tiến hành lễ dâng hương tưởng nhớ đức Thái tổ triều Lý - người đã định đô ở Thăng Long vào năm 1010. Sau lễ dâng hương là chương trình trồng cây đầu xuân, tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Người phát động Tết trồng cây. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng Đoàn đại biểu đã trồng cây đa ở trước Đoan Môn.
Trong bối cảnh, cộng đồng quốc tế bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, kêu gọi tăng cường hành động nhằm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, tăng cường nguồn lực hỗ trợ các nước chịu tác động của biến đổi khí hậu và tăng cường hợp tác đa phương trong nỗ lực này. Trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề. Trong tháng 2-2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu tại phiên Thảo luận mở cấp cao trực tuyến của HÐBA LHQ với chủ đề "Giải quyết các nguy cơ đối với hòa bình và an ninh quốc tế liên quan khí hậu".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định mạnh mẽ chủ trương và quyết tâm chính trị cao của Việt Nam trong việc chủ động thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; đề cao nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu; khẳng định ủng hộ mọi nỗ lực giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu tại HÐBA và các diễn đàn đa phương khác, luôn hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ ASEAN và tích cực ủng hộ hợp tác ASEAN - LHQ trong lĩnh vực này.
Thủ tướng đề nghị chính thức chọn thông điệp cho cho chương trình trồng một tỷ cây xanh là “Vì một Việt Nam xanh”.
Ngày 20-2, tại tỉnh Phú Yên, Thủ tướng đã dự Lễ phát động Tết trồng cây xuân Tân Sửu năm 2021, hưởng ứng chương trình cả nước trồng mới một tỷ cây xanh. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hưởng ứng Tết trồng cây là chương trình vô cùng có ý nghĩa như Bác Hồ của chúng ta đã từng chỉ rõ: “việc này ít tốn kém mà lợi ích nhiều, góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống nhân dân”. Tham gia tết trồng cây, Thủ tướng cũng yêu cầu cán bộ lãnh đạo địa phương và nhân dân tổ chức tốt phong trào với những giải pháp cụ thể.
Trước đó, sáng 2-1, UBND tỉnh Bến Tre phối hợp Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức lễ phát động trồng 10 triệu cây xanh với kinh phí 50 tỉ đồng. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình thay mặt Chính phủ hoan nghênh tỉnh Bến Tre và Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp tổ chức sự kiện ý nghĩa này, đưa Bến Tre trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước phát động chương trình hưởng ứng, góp phần hiện thực hóa sáng kiến trồng một tỉ cây xanh trong 5 năm.
Sáng 22-2, Bộ Công an đã tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây xuân Tân Sửu 2021 tại trụ sở Học viện Chính trị CAND, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Được biết, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an cũng đã ban hành Kế hoạch thống nhất tổ chức Tết trồng cây trong toàn lực lượng. Tại Lễ phát động, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an đề nghị, toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong CAND hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng, với phương châm trồng cây nào tốt cây đó. Có kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Tân Sửu 2021, với chỉ tiêu trồng cây xanh cao hơn 1,5 lần và từ năm 2022 đến năm 2025, cao gấp hai lần…
Ngày 24-2, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận T.Ư đã dự Lễ phát động Tết trồng cây tại xóm Làng Luông, xã Bình Thành, huyện Định Hóa (Thái Nguyên). Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh đây là hoạt động hết sức ý nghĩa, diễn ra đúng nơi khởi nguồn của sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong kháng chiến là Di tích lịch sử quốc gia địa điểm Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, ở xóm Làng Luông, xã Bình Thành, huyện Định Hóa.
Ra quân đầu Xuân trong tháng 2 này, hàng loạt cơ quan, đơn vị, địa phương cả nước đã phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ; hưởng ứng mạnh mẽ sáng kiến trồng mới một tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ.
Chương trình và hành động từ cộng đồng
Đề án trồng ít nhất một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 như lời phát động của Thủ tướng tại Chỉ thị số 45, trong đó có gần 700 triệu cây xanh được trồng phân tán ở khu vực đô thị và nông thôn, hơn 300 triệu cây xanh trồng rừng tập trung. Cùng với các chương trình hành động của ngành nông nghiệp và các địa phương trong các nỗ lực bảo tồn và nâng cao tỷ lệ độ che phủ của rừng. Mục tiêu này, hướng mạnh vào thực hiện xã hội hóa trồng rừng, trồng cây xanh phân tán.
Thông tin từ UBND tỉnh Yên Bái, thực hiện kế hoạch trồng rừng sản xuất năm 2021, hưởng ứng Chương trình trồng một tỷ cây xanh, toàn tỉnh đã trồng được hơn 3.269 ha rừng, đạt hơn 21 % kế hoạch năm. Tỉnh sản xuất được một triệu 134 nghìn cây giống lâm nghiệp các loại, đủ cây giống chất lượng trồng mới trong năm 2021 trồng đạt từ 15.000 ha rừng trở lên. Hiện, Yên Bái có độ che phủ rừng đạt 63%, đứng thứ tư toàn quốc, phấn đấu đến năm 2025 đưa độ che phủ rừng đạt 65%.
Tỉnh Ðiện Biên đã chỉ đạo tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tích cực bảo vệ môi trường sống và từng bước hoàn thành mục tiêu phủ xanh đất trống đồi trọc trên địa bàn. Với mục tiêu trồng thêm cây xanh bảo vệ môi trường, trong hai năm qua, các sở, ngành, đoàn thể tỉnh Ðiện Biên đã trồng mới 31.460 cây xanh trên các tuyến phố, đường nhánh, các điểm du lịch, khuôn viên công sở, trường học…
Nhằm phát triển lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế quan trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Lê Quang Tiến cho biết: Tỉnh đã phát triển rừng sản xuất theo hướng trồng cây gỗ lớn, rừng sản xuất tập trung gắn với cơ sở chế biến mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hưởng ứng chương trình trồng mới một tỷ cây xanh, tỉnh đã xây dựng và triển khai số hóa trong quản lý cây xanh, quản lý và phát triển rừng góp phần nâng cao chất lượng trồng cây, gây rừng và giá trị của rừng trồng vào phát triển kinh tế của tỉnh.
Cùng với bức tranh tích cực trên, ở một số địa phương tình trạng đốn cây phá rừng, để cháy rừng còn diễn ra phức tạp. Để giảm thiểu, tiến tới ngăn chặn, không chỉ cần phát huy trách nhiệm của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng mà cần sự giám sát, vào cuộc tham gia phát hiện, ngăn chặn của cộng đồng dân cư.
Mặt khác, việc trồng cây chưa gắn với việc chăm sóc, bảo vệ cây cho nên ở một số nơi tỷ lệ cây trồng sống đạt thấp. Nhất là việc thực hiện trồng rừng thay thế khi chuyển đổi mục đích sử dụng khác không đạt kế hoạch. Thực tiễn Yên Bái, Thái Nguyên cho thấy quyết tâm của địa phương theo xu thế mới, ứng dụng công nghệ cao trong trồng cây, nhân rừng.
Trong trồng và bảo vệ rừng, phát triển cây xanh, trước hết cần được xác định là nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm thường xuyên của cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp. Sự nêu gương, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho tổ chức, cơ quan, đơn vị và mọi người trong công tác này.
Thực tế cho thấy, việc tổ chức "Tết trồng cây" ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị còn mang tính phô trương, hình thức, hiệu quả thấp. Lễ phát động được tổ chức rầm rộ, nhưng số lượng cây trồng ít, chất lượng không đồng đều. Việc lựa chọn cây trồng chưa phù hợp điều kiện tự nhiên, cảnh quan và dân cư từng vùng…Bệnh phong trào, hình thức, mùa vụ trong lĩnh vực này cần được khắc phục.
Để góp phần bảo vệ môi trường, nâng độ che phủ rừng, cùng với chương trình trồng và bảo vệ rừng, các địa phương, cơ quan, đơn vị cần gương mẫu thực hiện và vận động mỗi người dân, mỗi gia đình trồng ít nhất một cây xanh tạo bóng mát, cây gỗ lớn thiết thực tạo cảnh quan, tạo thành môi trường trong lành tại cộng đồng, nét đẹp văn hóa khu dân cư.
Đất nước trên hành trình sánh vai với các cường quốc năm châu, không chỉ về kinh tế, về khoa học công nghệ mà còn về môi trường xanh, sạch, đẹp là yếu tố quan trọng góp phần làm nên chất lượng cuộc sống của nhân dân cũng như mục tiêu phát triển bền vững…