Nhiều đổi mới trong hoạt động

19:53, 19/03/2021

Chỉ còn 2 tháng nữa, nhiệm kỳ 2016-2021 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIII sẽ khép lại. Đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong hoạt động của HĐND tỉnh 5 năm qua, nhưng bên cạnh đó cũng còn có cả những hạn chế, tồn tại cần được khắc phục trong nhiệm kỳ mới. Để hiểu rõ hơn nội dung này, chúng tôi có cuộc phỏng vấn đồng chí Đỗ Đức Công, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí đã dành thời gian trả lời phỏng vấn Báo Thái Nguyên. Trước hết, đồng chí có thể cho biết ý nghĩa của Kỳ họp lần này?

Đồng chí Đỗ Đức Công: Đây là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng, để HĐND tỉnh đánh giá toàn diện kết quả đạt được, biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích đóng góp trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh. Đồng thời, cũng sẽ chỉ ra các vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong hoạt động của HĐND, UBND, các Ban của HĐND tỉnh và Ủy ban MTTQ tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Đoàn Hội thẩm Tòa án nhân dân tỉnh. Từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm trong hoạt động của từng cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở này, HĐND tỉnh sẽ đề ra các giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương trong nhiệm kỳ mới.

Ngoài ra, tại Kỳ họp, HĐND tỉnh cũng xem xét, thảo luận đối với 29 báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo Nghị quyết mang tính chiến lược nhằm phát triển KT-XH năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, góp phần thể chế chủ trương, định hướng phát triển đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, đồng thời đưa ra một số nội dung của chương trình hành động để Nghị quyết đi vào cuộc sống.

P.V: Nhiệm kỳ này, hoạt động của HĐND tỉnh tiếp tục đánh dấu nhiều đổi mới và đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Đồng chí có thể cho biết rõ hơn nội dung này?

Đồng chí Đỗ Đức Công: Có thể khẳng định, HĐND tỉnh đã thực hiện tốt hai chức năng, đó là: Quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương và giám sát. Trong nhiệm kỳ, đã có 259 nghị quyết được thông qua, ban hành nhiều cơ chế, chính sách mang tính đột phá, tạo động lực thúc đẩy phát triển mọi mặt của đời sống xã hội. Đối với hoạt động giám sát, với việc đổi mới về phương thức và thực hiện linh hoạt nhiều hình thức giám sát, HĐND tỉnh và các cơ quan HĐND tỉnh đã thực hiện được 39 cuộc giám sát chuyên đề trên các lĩnh vực. Đây cũng là nhiệm kỳ đầu tiên, HĐND tỉnh tổ chức giám sát chuyên đề, qua đó đã ban hành 9 nghị quyết, trong đó có 8 nghị quyết giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Hay như hoạt động giải trình, chất vấn, không chỉ tổ chức tại các Kỳ họp, mà còn được thực hiện trong các phiên họp thường kỳ của Thường trực HĐND tỉnh; việc thực hiện tái giám sát, tái chất vấn về các kiến nghị sau giám sát, sau chất vấn cũng được quan tâm, nhằm giúp các kiến nghị được thực hiện nghiêm túc, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Ngoài ra, HĐND tỉnh cũng đã ban hành Quy chế Tiếp công dân, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, quy định cụ thể về trách nhiệm, hình thức, phương thức tiếp công dân của Đại biểu HĐND tỉnh, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

P.V: Còn những vấn đề cần rút kinh nghiệm cho nhiệm kỳ mới là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Đỗ Đức Công: Trước hết là trong hoạt động giám sát. Chủ yếu vẫn do Thường trực HĐND tỉnh và các Ban HĐND tỉnh thực hiện. Còn giám sát của đại biểu HĐND tỉnh (do hoạt động kiêm nhiệm) và các Tổ đại biểu HĐND tỉnh chưa thực hiện nhiều. Việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghị quyết và các kiến nghị sau giám sát cũng chưa thường xuyên. Vẫn còn đại biểu kiêm nhiệm chưa dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, nên việc tham gia phát biểu trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến tại kỳ họp còn hạn chế. Hoạt động tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, tại nơi cư trú, nơi công tác chưa được thực hiện đều. Kỹ năng hoạt động tiếp xúc cử tri của một số đại biểu kiêm nhiệm chưa cao.

P.V: Một trong những vấn đề được cử tri và nhân dân hết sức quan tâm đó là chất lượng đại biểu. Đồng chí đánh giá về vấn đề này như thế nào trong nhiệm kỳ 2016-2021 của HĐND tỉnh?

Đồng chí Đỗ Đức Công: Trên thực tế, kết quả hoạt động của HĐND phụ thuộc chủ yếu và được quyết định bởi chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND. Nhìn chung, các đại biểu HĐND tỉnh, nhất là đại biểu chuyên trách đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới phương pháp làm việc, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để thực sự xứng đáng là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của cử tri và nhân dân.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, đó là: Hoạt động chưa đồng đều, còn có đại biểu ít tham gia phát biểu tại kỳ họp, các buổi thảo luận; việc thực hiện quyền chất vấn chưa được phát huy cao, thường tập trung vào một số ít đại biểu.

Trong thực hiện quyền giám sát, nhiều đại biểu kiêm nhiệm vừa là chủ thể thực hiện giám sát, vừa là đối tượng chịu sự giám sát nên chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm của mình do ngại va chạm, còn né tránh. Ngoài ra, số lượng đại biểu tham gia làm thành viên các Ban của HĐND tỉnh còn khiêm tốn so với chức năng, nhiệm vụ của mỗi Ban nên chưa bao trùm hết các lĩnh vực được giao, dẫn đến chất lượng thẩm tra, giám sát và hiệu quả hoạt động của Ban đôi khi còn hạn chế.

P.V: Hiện, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đang được tỉnh tích cực triển khai. Với vai trò là Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh, đồng chí cho biết thêm công tác này đang được thực hiện như thế nào?

Đồng chí Đỗ Đức Công: Để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức cuộc bầu cử, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành Chỉ thị số 02-CT/TU ngày 19/1/2021 và thành lập Ban Chỉ đạo; Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 22/01/2021 và thành lập Ủy ban bầu cử tỉnh. Ủy ban bầu cử tỉnh sau khi được thành lập đã ban hành Kế hoạch chi tiết về các nội dung cụ thể để triển khai cuộc bầu cử.

Thực hiện lãnh đạo của Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh đã thống nhất với UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh đã ban hành Đề án dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV nhiệm kỳ 2021-2026 để làm căn cứ cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh thực hiện hiệp thương, đảm bảo đúng định hướng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, gắn cơ cấu hợp lý với nâng cao chất lượng đại biểu, giảm người giới thiệu ứng cử công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước, tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách, đại biểu tái cử, đại biểu nữ…

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!