Bâng khuâng trước một tượng đài

06:31, 30/04/2021

Một ngày đầu Tháng Tư, tôi nhận được tin nhắn của Phó tổng biên tập Báo Thái Nguyên Đào Ngọc Anh: Tháng Tư đã lại về, nhà báo viết bài cho số báo đặc biệt chủ đề về chiến thắng 30-4? Tôi nhắn lại: Nhiều đề tài cần viết và nên viết, song tôi muốn nói về một sự kiện thời chúng ta chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa, đó là: Những trận bom Mỹ đánh cầu Gia Bẩy sáng 17/10/1965. Cho dù đã ngót 60 năm, nhưng vẫn có góc khuất chưa mấy được nhắc nhớ…

Anh Trương Văn Phụng, nguyên Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, sinh ra và lớn lên nơi này gợi ý: Lúc đó anh mới 7 tuổi, bố mẹ cho đi sơ tán trên Hà Thượng (Đại Từ), biết việc nơi anh ở bị ném bom, chết, hy sinh nhiều nhưng không được chứng kiến, nhà báo nên một lần viết lại sự kiện bi tráng này để nhắc nhớ…

 Thấy tôi thơ thẩn tìm về, chị Nguyễn Thị Hoà, Nguyễn Thị Minh, lúc ấy đều là những thiếu nhi, học lớp ba, lớp bốn, là cư dân tại đây không chỉ kể lại những gì được biết mà còn giới thiệu cho tôi tìm đến gặp các anh chị lúc đó lớn tuổi hơn như chị Nguyễn Thị Lẫm, Hạ Thị Bình, Nguyễn Thị Tần, Nguyễn Thị Chính… Rồi từ đó tôi biết đến Chị Trần Kim Dung, một thành viên trong đội tự vệ, bị mảnh bom lấy đi một cánh tay… tôi bắt đầu lần lần ra câu chuyện…

Ở phía hữu ngạn sông Cầu, ngay đầu cầu Gia Bẩy có một tượng đài nhỏ hình cờ Tổ quốc, phía dưới là tấm bia Danh sách các chiến sĩ Trung đội tự vệ tiểu khu Hoàng Văn Thụ anh dũng hy sinh tại trận địa bảo vệ cầu Gia Bẩy ngày 7/10/1965 và 15 liệt sĩ tự vệ, có trận địa phòng không trên đồi Két Nước liền đó đã chiến đấu bảo vệ cầu Gia Bẩy một cách ngoan cường rồi trúng bom hy sinh. Đó là các liệt sĩ: Phan Văn Giao, Vũ Xuân Trượng, Trần Văn Đương, Vũ Ngọc Thiếp, Hoàng Đình Đương, Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Vũ Thị Lập, Đặng Đình Giống, Nông Quốc Khánh, Vũ Quang Bổng, Vũ Thị Bích Hợi, Lê Xuân Tảo, Bùi Thị Bích Vân, Phạm Việt Hùng, Đỗ Duy Hiển…

Cầu Gia Bẩy hôm nay. Ảnh: Lăng Khoa

Các nhân chứng và cả tài liệu lịch sử ghi lại đều có chung một chi tiết: Cầu bị dội bom ít nhất 2 lần trong khoảng hơn 9-10 giờ 30 phút sáng Chủ nhật, chợ phiên ngày 17/10/1965, ngoài tự vệ còn hơn trăm đồng bào chết và bị thương, nhưng cầu chỉ bị sạt lan can, hầu hết bom rơi xuống sông và ra ngoài khu vực cầu. Có nghĩa là mạch máu giao thông không đứt, có nghĩa là tự vệ và súng phòng không đã không cho Mỹ thực hiện mưu đồ đánh sập cầu Gia Bẩy…

Chắp lại tất cả các câu chuyện, các tư liệu có được, xin bạn đọc cùng người làm báo chúng tôi ngược dòng lịch sử:

 … 1/7/1965, tỉnh Thái Nguyên sáp nhập với tỉnh Bắc Cạn thành tỉnh Bắc Thái, dân số chưa đến 50 vạn, còn T.P Thái Nguyên thành lập từ 19/10/1962, dân số cũng chỉ có 140 nghìn người. Ngoài vị trí là số một của công nghiệp nặng cả nước, Quân khu Việt Bắc ở đây, các đầu mối giao thông sắt, bộ ở đây…

Cho nên, đây là vị trí quan trọng mà máy bay Mỹ tập trung triệt phá. Ngày 5/8/1964, Mỹ phát động chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân thì trong năm đó, Mỹ cho 24 lần trinh sát, do thám; 9 tháng đầu năm 1965 con số đã là 221 lần trinh sát Thái Nguyên…

Tác giả bên Bia tưởng niệm 15 chiến sĩ hy sinh trong trận chiến đấu với máy bay Mỹ ngày 17/10/1965.

Trong hoàn cảnh ấy, Thái Nguyên vừa đẩy mạnh xây dựng, phát triển kinh tế, vă hoá - xã hội, vừa tích cực công tác phòng không nhân dân, sẵn sàng đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ. Đầu tháng 8 năm 1965, các cơ quan hành chính tại trung tâm sơ tán gần nhất là 8km, 80% dân trung tâm thành phố phải đi sơ tán. Toàn tỉnh xây dựng 146 trận địa phòng không, 200 nghìn hầm hào trú ẩn, 1.570 tự vệ luân phiên trực chiến…

Chúng ta cũng biết cầu Gia Bẩy, điểm đầu Quốc lộ 1B đi Đồng Đăng (Lạng Sơn), mỗi ngày trên 1.000 lần ô tô vận tải chở hàng quân sự qua đây sẽ là mục tiêu đánh phá của Mỹ…Vì thế, trận đầu đánh phá đã đến, đó là: Từ 9 giờ 55 phút đến 10 giờ 30 phút ngày 17/10/1965, Mỹ đã huy động 29 lần chiếc máy bay, ném 116 quả bom, phóng nhiều rốc két xuống khu vực cầu Gia Bẩy và trận địa pháo cao xạ của Lữ đoàn Phòng không 210.

Bộ đội chủ lực, dân quân tự vệ Thái Nguyên không bất ngờ trong trận đầu này, chiến đấu ngoan cường, bắn rơi 1 máy bay Mỹ. Trận địa phòng không đồi Két Nước (Trong những năm 80, Thành phố san đồi này làm khu phố, khu dân cư đối diện Khách sạn Sông Cầu bây giờ) gồm 32 cán bộ, chiến sĩ Đại đội tự vệ Tiểu khu Hoàng Văn Thụ đã chiến đấu ngoan cường, 15 đồng chí hy sinh, 17 chiến sĩ bị thương… Còn trận địa phòng không của Trung đội Tự vệ Hợp tác xã cơ khí Bắc Nam trên đồi Cô Kê hôm đó cũng không ngừng nhả đạn góp phần làm cho máy bay Mỹ không thể hạ thấp độ cao, ném bom trúng cầu…

Trận chiến này Thái Nguyên có 80 người về đất mẹ, 67 người bị thương, 45 ngôi nhà bị phá huỷ, song chúng ta đã bảo vệ được cầu, chúng ta đã có được bài học và kinh nghiệm cho những trận chiến mà mãi tận cuối tháng 12-1972 mới kết thúc. Bấy lâu nay chúng ta mới quan tâm đến Khúc tráng ca Lưu Xá và câu chuyện 60 Thanh niên xung phong hy sinh vì bom Mỹ khi đang giải toả hàng quân sự tại Ga Lưu Xá tối 24/12/1972…Còn khúc tráng ca này nữa?...

Tôi bâng khuâng tìm về đầu cầu Gia Bẩy, nơi có tấm bia ghi dấu… Anh Phụng, chị Lẫm, chị Chính ạ, cây Phượng cổ thụ nơi có bà Rế bán ốc luộc ngay loạt bom đầu hôm ấy cây phượng đã bị phạt đứt ngọn và bà Rế cũng bị mạnh bom chém ngang cổ, nay đâu rồi (!!!). Bên kia cầu, nơi buôn bán tre nứa đông vui và thanh bình ngày đó, ngày mà những người dân lương thiện phải vĩnh viễn ra đi vì bom Mỹ ấy nay đâu?

Trân quý lịch sử, quá khứ, bảo tồn, gìn giữ cho đời sau cũng là việc nên làm của các thế hệ sau, có phải vậy không?