Những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, Thái Nguyên là mục tiêu đánh phá ác liệt của kẻ thù, mạng lưới giao thông bị tàn phá nghiêm trọng. Ngày ấy, các cán bộ ngành Giao thông -Vận tải Bắc Thái (đến năm 1997 thì tách thành 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn) luôn dầm mình dưới mưa bom để khắc phục những đoạn đường hỏng đảm bảo giao thông thông suốt, góp phần cùng quân dân cả nước làm nên đại thắng Mùa Xuân 30/4/1975.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc, toàn bộ tuyến đường huyết mạch từ Đa Phúc đến Chợ Mới (Quốc lộ 3 ngày nay) và một số tuyến đường đi đến các huyện trên địa bàn Bắc Thái bị tàn phá. Ngay sau đó, Ty Giao thông được giao nhiệm vụ phải khắc phục, mở rộng tuyến đường từ Đa Phúc đến Chợ Mới để phục vụ cho việc vận chuyển phương tiện từ Hà Nội lên Mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng).
Do vậy, các cán bộ Ty Giao thông Bắc Thái đã xắn tay và thực hiện nhiệm vụ khôi phục đường sá với quyết tâm cao. Khó khăn nhất đối với công nhân của ngành Giao thông Bắc Thái lúc báy giờ là hệ thống cầu nằm trên các tuyến đường hầu như chưa có (Đa Phúc, Giang Tiên, Huy Ngạc), phải dùng bè mảng nên mỗi khi mưa lũ là trôi mất.
Để khắc phục sửa chữa đường giao thông, cán bộ Ty Giao thông đã tận dụng nguồn vật liệu cát, sỏi tại chỗ, với đất dính để làm mặt đường. Năm 1956, cán bộ của Ty Giao thông bắt đầu triển khai nghiên cứu, sáng tạo để tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí. Trong đó, phải kể đến là phương pháp cấp phối I-van-nốp Liên Xô đã cho kết quả tốt, sáng chế phương pháp trộn bê tông sử dụng trâu keo khiến năng suất tăng lên gấp 3.
Đến cuối năm 1956, đường giao thông huyết mạch từ Thái Nguyên lên Cao Bằng đã được sửa chữa hoàn thành, các thiết bị phương tiện có trọng tải lớn đến 35 tấn được đưa Từ Hà Nội lên Mỏ Tĩnh Túc (Cao Bằng).
Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc nhằm ngăn chặn việc chi viện của miền Bắc vào Nam của quân và dân ta. Xác định Bắc Thái, nhất là khu vực T.P Thái Nguyên sẽ là một trong những mục tiêu đánh phá của giặc Mỹ. Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương, tháng 7-1965, Tỉnh ủy ra chỉ thị công tác đảm bảo giao thông vận tải thời chiến là nhiệm vụ trọng tâm đột xuất của tất cả các ngành nên Ban đảm bảo giao thông vận tải thời chiến được thành lập do đồng chí Nguyễn Thế Đạt, Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban.
Tháng 7.1965, phương án đảm bảo giao thông bước 1 đã lập xong và được tỉnh phê duyệt. Theo phương án, toàn ngành bắt tay vào việc tu sửa các bên phà, kiểm tra các đoạn đường ngầm, đường tránh, bố trí cán bộ trực, nhất là việc dự trữ đá, gỗ để sẵn sàng khắc phục những khu vực cầu cống, đường bị đánh phá. Đúng như nhận định của ta, đúng 10 giờ sáng, ngày 17/10/1965, giặc Mỹ đánh phá cầu Gia Bẩy là mặt cầu bị hư hỏng, các phương tiện giao thông không thể đi qua.
Do có được chủ động chuẩn bị các phương án, các cán bộ công nhân của Ty Giao thông thực hiện bắc cầu phao Thác Oánh, chỉ sau 2 giờ đã bắc xong để nhân dân T.P Thái Nguyên đi sơ tán. Đồng thời, cầu Gia Bẩy cũng được sửa chữa, đến tối ngày 18-10 đã hoàn thành, xe ô tô con đi qua được. Hai ngày tiếp sau, 120m ngầm Sơn Cẩm được làm xong cho mọi loại xe chạy qua. Từ ngày 19 đến 21-10, Mỹ đánh phá cầu Bắc Kạn, cầu Chợ Mới, do công tác chuẩn bị từ trước nên các đường ngầm được tu bổ dù cầu bị hỏng nhưng giao thông vẫn thông suốt…
Trong suốt những năm tháng đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, Thái Nguyên là một trong những mục tiêu đánh phá ác liệt, với 114 cầu cống bị đánh phá, 100 trận ném bom vào kho bãi. Riêng cầu Gia Bẩy đến lần thứ 8 thì hư hỏng nặng, chỉ còn trụ cầu. Tuy nhiên, khi nhận được chỉ đạo của tỉnh và Quân khu phải thực hiện sửa chữa, để xe quân sự làm nhiệm vụ chay qua.
Chính vì vậy, cán bộ công nhân ngành Giao thông đã phải lặn xuống sông đã khảo sát, đánh giá về quyết định sửa chữa làm lại dầm cầu va sửa chữa nên chỉ trong thời gian ngắn, cầu Gia Bẩy được thông. Mặc dù bị bom đạn của giặc Mỹ làm hư hỏng nhiều cầu cống, cán bộ, công nhân ngành Giao thông vận tải Thái Nguyên vẫn kiên trì bám trụ để khắc phục sự cố.
Trong số đó có 22 cán bộ, công nhân ngành Giao thông Bắc Thái đã hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ. Qua đó, hàng vạn tấn hàng hóa, vũ khí được vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam, cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc.
Cán bộ, công nhân Ty Giao thông Bắc Thái sửa chữa ngầm Bến Tượng năm 1972. Ảnh: Tư liệu.
Hòa bình lập lại, ngành Giao thông Thái Nguyên tiếp tục khắc hệ thống cầu, đường do chiến tranh tàn phá. Đặc biệt là việc xây dựng, mở rộng các tuyến đường huyết mạch đảm bảo Giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, Thái Nguyên các mạng lưới giao thông khá đã dạng, tất cả các tuyến Quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện được thảm nhựa, làm bê tông, khoảng 85% chiều dài các tuyến giao thông nông thôn đã được làm bê tông.
Thái Nguyên hiện nay, không chỉ phát triển hạ tầng giao thông nội tỉnh, đáp ứng việc đi lại của nhân dân mà còn đầu tư xây dựng những tuyến đường kết nối với các tuyến giao thông huyết mạch của Quốc gia và các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước.
Thái Nguyên hiện có gần 250km chiều dài Quốc lộ, gần 400km đường tỉnh, gần 900km đường huyện và hơn 3.200km đường thôn xóm. Những năm gần đây, tỉnh đã tiếp tục đầu tư, xây dựng nhiều tuyến đường giao thông theo hướng hiện đại. Đây là một trong những lợi thế để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua.