Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (giai đoạn 1965-1975), Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp trên địa bàn Thái Nguyên đã góp phần không nhỏ cùng các cấp bộ đảng, chính quyền, đoàn thể, nhân dân và các lực lượng vũ trang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vừa sản xuất, xây dựng hậu phương vững chắc, vừa phục vụ, trực tiếp chiến đấu, bảo vệ quê hương. Với những vị cán bộ, lãnh đạo MTTQ tỉnh, giai đoạn kháng chiến chống Mỹ là kỷ niệm một thời “hoa lửa” không thể nào quên.
Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của MTTQ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ là động viên nhân dân phát triển sản xuất, xây dựng hậu phương vững chắc. Ông Nguyễn Văn Nhỡ, Chủ tịch MTTQ tỉnh Bắc Thái giai đoạn 1981-1984, chia sẻ: Tôi nhớ nhất thời điểm năm 1972, khi đang phụ trách hoạt động Công đoàn của tỉnh. Thời điểm đó, Mỹ huy động máy bay ném bom, thực hiện cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân đối với Thái Nguyên.
Cuộc chiến tranh diễn ra ngày càng ác liệt, nhất là từ sau khi T.P Thái Nguyên trở thành “cảng nổi”, làm nhiệm vụ tiếp nhận và trung chuyển hàng viện trợ của các nước anh em do các bến cảng, cửa sông miền Bắc bị đế quốc Mỹ rải mìn phong tỏa. Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo của các cấp bộ đảng trong tỉnh, MTTQ và các đoàn thể quần chúng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân triệt để thực hiện phòng không sơ tán, bảo đảm sản xuất và sẵn sàng chiến đấu.
Thời điểm năm 1972, công đoàn trong các nhà máy, xí nghiệp làm tốt công tác vận động cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức triển khai chuyển hướng sản xuất tương đối nhanh gọn. Cán bộ, đoàn viên, thanh niên, công nhân, viên chức Công ty Gang thép Thái Nguyên và các nhà máy: Điện Thái Nguyên, Giấy Hoàng Văn Thụ, các mỏ than Quán Triều, Khánh Hòa, Phấn Mễ... vừa tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Ba mũi tiến công”, “Luyện tay nghề”, “Thi thợ giỏi”, giữ vững sản xuất, vừa tháo dỡ hàng nghìn tấn vật tư, thiết bị đưa đi sơ tán.
Sau hơn 90 năm xây dựng và phát triển, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí, tầm quan trọng của mình. Trong ảnh: Ban công tác mặt trận xóm Suối Cạn, xã Phú Thượng (Võ Nhai) trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới tại xóm.
Ông Nhỡ bảo: Thời mới đôi mươi, tôi trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tháo dỡ, di chuyển hàng chục tấn máy móc thiết bị từ Hà Nội lên an toàn khu kháng chiến. Thời điểm năm 1972, tôi lại cùng anh em công nhân, đoàn viên công đoàn trên địa bàn Thái Nguyên di chuyển hàng trăm tấn máy móc đến nơi an toàn, tránh cho Mỹ ném bom tàn phá.
Sau ngày Hiệp định Pari được ký kết (27/1/1973) và có hiệu lực thi hành, nhân dân miền Bắc nói chung, Thái Nguyên nói riêng có điều kiện hòa bình để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ đã để lại hậu quả rất nặng nề. Hầu hết các nhà ga xe lửa, bến xe ô tô, trục đường giao thông, cầu, nhà máy, bệnh viện đều bị tàn phá.
Thời kỳ này, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh đã tập trung vận động các ngành, các giới và các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Thái Nguyên trở thành hậu phương ngày càng vững mạnh, chi viện cho chiến trường đánh thắng đế quốc Mỹ. Đối với Tiến sĩ Đặng Phúc Lường, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Thái giai đoạn 1987-1989, những năm 1973 đến 1975, ông không trực tiếp làm công tác Mặt trận nhưng rất quan tâm tới phong trào chung của tỉnh. Ông chia sẻ: Những năm 1973-1975, một phần từ phát động của MTTQ, phong trào thi đua phát triển sản xuất diễn ra sôi động trên địa bàn Thái Nguyên.
Riêng năm 1973, MTTQ các huyện Đồng Hỷ, Phổ Yên, T.P Thái Nguyên phối hợp với các đoàn thể vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân đào, đắp trên 3 vạn mét khối đất, san lấp trên 300 hố bom, sửa chữa, khôi phục hệ thống đê, kè sông Cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp trên địa bàn.
Với mục tiêu đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, MTTQ huyện Đại Từ đã phát động phong trào phụ lão diên hồng và thi đua 3 giỏi. MTTQ các huyện Phú Bình, Đồng Hỷ, Phổ Yên, T.P Thái Nguyên phát động các phong trào “Cắm thẻ nhận ruộng để chăm sóc”, “Phất cao cờ hồng tháng Tám” thu hút hàng nghìn phụ lão xung phong nhận hàng nghìn thửa ruộng để chăm sóc, bón phân, làm cỏ, diệt trừ sâu bệnh. Một phần nhờ các phong trào thi đua, tổng sản lượng thóc trên địa bàn Thái Nguyên đạt gần 119 nghìn tấn, bằng 82% tổng sản lượng thóc toàn tỉnh Bắc Thái.
Không chỉ vận động nhân dân đảm bảo sản xuất, giữ vững hậu phương, MTTQ các cấp trên địa bàn Thái Nguyên còn phối hợp với các cấp bộ đảng, chính quyền, đoàn thể trên địa bàn làm tốt công tác vận động các tầng lớp nhân dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyển quân. Năm 1972, thông qua 4 chiến dịch động viên tuyển quân chi viện chiến trường, Thái Nguyên giao vượt chỉ tiêu quân số 2,43%, đảm bảo chất lượng tốt, đúng chính sách, tiêu chuẩn. Riêng 4 tháng đầu năm 1975, qua 3 chiến dịch động viên tuyển quân, các huyện, thành phố trên địa bàn Thái Nguyên đã huy động được trên 4.100 người lên đường nhập ngũ (vượt 1,8% so với chỉ tiêu quân số giao).
Ngoài ra, MTTQ và các đoàn thể còn tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên làm tốt công tác phục vụ, trực tiếp chiến đấu. Trong hai ngày (22 và 23/12/1972), MTTQ và các đoàn thể T.P Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ đã vận động hơn 1.000 người phối hợp với bộ đội đào đắp, củng cố trận địa pháo cao xạ Túc Duyên và sửa chữa đường để Trung đoàn 256 đưa pháo cao xạ 100mm vào trận địa bắn máy bay B52.
Cũng trong năm 1972, Công đoàn Mỏ than Khánh Hòa vận động công nhân lái xe ô tô vận tải kéo 6 khẩu pháo cao xạ 100mm từ trận địa Cam Giá lên trận địa Túc Duyên, góp phần giúp các lực lượng vũ trang trên địa bàn Thái Nguyên bắn rơi 2 siêu pháo đài bay B52 của đế quốc Mỹ...
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cùng với cả nước, MTTQ các cấp ở Thái Nguyên đã góp phần không nhỏ vào cuộc kháng chiến, đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược. Và, những người làm công tác mặt trận trên địa bàn tỉnh luôn vinh dự, tự hào về một thời “hoa lửa” hào hùng./.
Giai đoạn 1965-1975, MTTQ các cấp ở Thái Nguyên đã sát cánh cùng các cấp, ngành, đoàn thể tích cực vận động hơn 43.800 người vào bộ đội đánh Mỹ. Bình quân mỗi năm, nhân dân các dân tộc Thái Nguyên đóng góp cho Nhà nước được gần 20 nghìn tấn lương thực và hàng nghìn tấn thực phẩm, đảm bảo “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.