Cách đây 80 năm, sau khi Mặt trận Việt Minh được thành lập, tại xã Tràng Xá (Võ Nhai), đồng chí Hoàng Quốc Việt đã trực tiếp phổ biến về Chương trình và Điều lệ Việt Minh cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ Cứu Quốc quân và tự vệ, du kích Võ Nhai. Sự ra đời của Mặt trận Việt Minh thời điểm đó đã thúc đẩy phong trào cách mạng giải phóng dân tộc phát triển tại địa phương, đồng thời có ý nghĩa quan trọng phát huy vai trò của tổ chức Mặt trận sau này.
Giữa tháng 5, lên huyện vùng cao Võ Nhai, chúng tôi được nghe những câu chuyện về một thời kháng chiến, về vai trò to lớn của Mặt trận Việt Minh trong phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Ngày 28/1/1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc về nước sau hơn 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài. Tháng 5-1941, Người triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ VIII (khóa I) của Đảng ở Khuổi Nậm, Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Ngày 19/5/1941, theo đề nghị của Người, Hội nghị Trung ương lần thứ VIII (khóa I) của Đảng đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng Minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh) nhằm tập hợp và đoàn kết rộng rãi các giai cấp, các dân tộc, tôn giáo, các giới… vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng.
Sau khi Mặt trận Việt Minh được thành lập, ngày 25/8/1941, tại thôn Bán Bàng (nay là xóm Làng Tràng), xã Tràng Xá, đồng chí Hoàng Quốc Việt trực tiếp phổ biến nội dung Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ VIII, Chương trình và Điều lệ Việt Minh cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ Cứu quốc quân và tự vệ, du kích Võ Nhai. Sau đó, Cứu quốc quân chia thành từng nhóm nhỏ xuống các cơ sở tuyên truyền, vận động nhân dân tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn do cuộc tấn công, càn quét của địch gây ra, hướng dẫn và chuẩn bị tư tưởng cho quần chúng sẵn sàng bước vào cuộc đấu tranh mới quyết liệt hơn.
Nhắc lại thời kỳ lịch sử hào hùng đó, ông Nguyễn Văn Vững (sinh năm 1933), xóm Làng Tràng, xã Tràng Xá, xúc động nói: Năm 1941, tôi mới hơn 8 tuổi nhưng đã cùng cả gia đình và nhân dân địa phương hỗ trợ chiến sĩ Cứu Quốc quân và tự vệ, du kích địa phương. Tôi còn nhớ cả gia đình được tuyên truyền, giác ngộ tư tưởng, đều hiểu mình là một phần của Mặt trận Việt Minh, cần đóng góp công sức cho cách mạng. Ngày đó, thực dân Pháp đàn áp, khủng bố rất tàn bạo nhưng không uy hiếp được tinh thần của đảng viên và quần chúng nhân dân.
Đại hội toàn quốc thống nhất Mặt trận Việt Minh - Liên Việt thành Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam, tại Tuyên Quang, ngày 3/3/1951. Ảnh TL
Cùng với Cứu Quốc quân, nhân dân các dân tộc Võ Nhai vừa đấu tranh chống địch khủng bố, vừa bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng. Những năm tiếp theo, lực lượng Việt Minh ngày càng phát triển mạnh, mở rộng khắp các địa phương. Ngày 7/5/1944, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị về sửa soạn khởi nghĩa, phong trào cách mạng tại Võ Nhai càng sục sôi.
Ông Dương Quốc Toàn, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Võ Nhai cho biết: Sau khi nhận được Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (ngày 12/3/1945), lực lượng cách mạng Võ Nhai khẩn trương bàn kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền. Cứu Quốc quân và tự vệ được giao trọng trách đánh chiếm các vị trí đóng quân của giặc, tước vũ khí của chúng để trang bị cho ta. Đến trung tuần tháng 4-1945, trong toàn châu Võ Nhai, chính quyền ở các xã đều thuộc về nhân dân. Thắng lợi này là kết quả của một quá trình đấu tranh bền bỉ và anh dũng của nhân dân các dân tộc Võ Nhai, trong đó Mặt trận Việt Minh đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Sau Cách mạng Tháng Tám, chuyển sang thời kỳ phát triển mới của cách mạng, chính quyền nhân dân được thành lập, Mặt trận Việt Minh không còn làm chức năng chính quyền như trước nữa. Hoạt động của Việt Minh nhằm củng cố và phát triển tổ chức của Mặt trận, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, làm chỗ dựa cho chính quyền và động viên quần chúng tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước. Ông Hoàng Văn Chấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) huyện Võ Nhai cho biết: Kế thừa truyền thống của Mặt trận Việt Minh, MTTQ các cấp trên địa bàn huyện Võ Nhai tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động MTTQ, góp phần xây dựng huyện phát triển bền vững.
Những năm gần đây, MTTQ các cấp trên địa bàn huyện đã tập hợp, đóng góp hàng trăm ý kiến của nhân dân vào xây dựng các luật, bộ luật; hằng năm tổ chức tiếp xúc, gửi gần 1.000 ý kiến, kiến nghị của cử tri tới cơ quan chức năng. Mặt trận cũng đóng vai trò quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội góp phần nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân, đồng thời đóng góp vào hoạt động xây dựng hương ước tại địa phương, giúp đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi phong tục, tập quán lạc hậu. Đến nay, 100% xóm trên địa bàn huyện đã có điện lưới phục vụ sinh hoạt và sản xuất; 100% xóm có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống đã có nhà văn hóa...
Thời gian tới, MTTQ các cấp trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, tập hợp các tầng lớp nhân dân, củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; vận động nhân dân thi đua lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện; phát huy dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng vững mạnh.