Trong không khí của những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi về thăm những người cựu chiến sĩ Điện Biên đang sinh sống tại huyện Đồng Hỷ. 67 năm trôi qua, ai nấy đều chân đã chậm, mắt đã mờ, sức khỏe giảm sút, nhưng ký ức về “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non” vẫn hằn in trong tâm trí họ…
Đã 88 tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng nhưng mỗi khi nhớ lại mốc son lịch sử 67 về năm trước, đôi mắt ông Nguyễn Trọng Lễ, trú tại xóm Hưng Thái, xã Hóa Thượng, vẫn ánh lên niềm tự hào. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở tỉnh Thanh Hóa, tháng 7-1953, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc ông lên đường nhập ngũ biên chế Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312. Sau 3 tháng huấn luyện tại địa phương, cuối năm 1953, ông cùng đồng đội hành quân lên Điện Biên trong điều kiện vô cùng gian khó. Đơn vị của ông lần lượt tham gia đánh trận tại các khu vực đồi Him Lam, Độc Lập, đồi 506 và cầu Mường Thanh.
Ông Lễ kể: Lúc đó, anh em chúng tôi ai cũng hăng hái lắm, thà chết chứ không chịu khuất phục trước kẻ thù. Đánh thắng đến đâu ta giữ chốt ở đó, lui về phòng ngự, quyết không để địch chiếm lại. Để tránh quân địch phát hiện, mỗi khi có đơn vị nào đang gặp pháo bắn, ta lại nói bằng tiếng "lóng" truyền về Trung tâm chỉ huy “Mẹ đi chợ gặp trời mưa! Mẹ đi chợ gặp trời mưa, nghe rõ trả lời” hoặc truyền lệnh bằng tiếng dân tộc… để báo cho anh em biết và xử lý kịp thời.
Ngày ấy, chúng tôi vừa chiến đấu, tập trung lực lượng tiêu hao sinh lực địch, ban đêm đào hầm tiến sát các cứ điểm. Do hệ thống công sự của Pháp kiên cố, chằng chịt hàng rào thép, bãi mìn, hỏa lực, nên về đêm, khi chúng tôi đào hầm tiến vào các cứ điểm chỉ cần một tiếng động nhỏ thì hỏa lực của Pháp bắn như mưa. Có những đêm cả trăm anh em ra đào hầm nhưng đến sáng chỉ còn vài chục người... Ông lặng đi một hồi: Xót xa nhất là cảnh các anh nuôi gồng gánh đưa cơm, nước uống lên qua giao thông hào bị địch bắn ngã, anh khác tiến lên lại ngã xuống chồng lên nhau, cơm nước bắn tung tóe… Và chính ông trong một lần truy kích với địch, không may bị đạn sượt qua vai, áo ướt đẫm máu…
Cũng trú tại xóm Hưng Thái, ông Nông Văn Muội, năm nay 91 tuổi, nguyên là chiến sĩ thuộc Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 - người trực tiếp có mặt trong những trận đánh giành giật từng tấc đất ở đồi A1 nhớ lại: Để đưa được khối bộc phá nặng gần 1.000kg, chúng tôi phải hoàn thành đường hầm mất 13 ngày. Đất đồi cứng, trời lại mưa tầm tã, hàng trăm chiến sĩ thay nhau đào chỉ với cuốc chim và xẻng gấp thô sơ. Đêm 6/5/1954, đơn vị tôi được lệnh kích nổ khối bộc phá, gần một đại đội của địch bị tiêu diệt, Trung đoàn 174 đánh chiếm toàn bộ cứ điểm A1 chỉ trong vài giờ, nhưng rất nhiều người đã hy sinh, nhiều lần chính tay tôi phải chôn những đồng đội của mình. Những lúc đó, chúng tôi ôm nhau khóc rồi lại động viên nhau phải vững vàng chiến đấu.
Nhớ lại những ngày tham gia chiến trường Điện Biên, đôi mắt ông Nguyễn Văn Sực (96 tuổi, trú tại tổ 1, thị trấn Trại Cau) ánh lên niềm tự hào, ông kể: Tôi tham gia bộ đội chính quy năm 1949, đến năm 1953 được biên chế vào Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312 để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi lên đến đây, chúng tôi được nghe thư thăm hỏi, động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh khiến ai cũng phấn chấn và càng động viên nhau chịu đựng gian khổ, giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh để giành nhiều thắng lợi. Ngày 13/3/1954, Trung đoàn 141 là một trong những đơn vị đầu tiên nổ súng tấn công cứ điểm Him Lam mở màn chiến dịch.
Tôi cùng đồng đội ở Tiểu đoàn được phân công đánh cứ điểm số 2. Trước sự phản kháng của quân thù, đạn 12,7 ly bắn rát mặt, nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Tại cứ điểm này, Anh hùng Phan Đình Giót đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai, tạo điền kiện cho đồng đội xung phong tiêu diệt các hỏa điểm và tràn lên dùng lựu đạn, lưỡi lê tiêu diệt quân thù. Trong đợt tiến công lần 2, quân ta dùng chiến thuật vây lấn bằng hệ thống giao thông hào, siết chặt, đào hào cắt ngang cả sân bay, vào tận chân lo cốt cố thủ của địch. Tôi được giao nhiệm vụ phòng thủ, giữ sân bay Mường Thanh. Vui sướng nhất là nhìn thấy quân địch kéo ra đầu hàng thành từng đoàn, quân ta từ các hướng ôm chầm lấy nhau, vỗ tay, reo hò. Tại các mục tiêu, lô cốt của địch đều được quân ta cắm cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới.
Ngước nhìn dòng chữ: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc và hai câu đối: Ngàn năm ghi nhớ công ơn Đảng - Muôn thuở nào quên đức Bác Hồ treo trên tường nhà, ông Sực trầm ngâm giây lát rồi giãi bày: Tôi thấy may mắn, biết ơn và tự hào khi là người chiến sĩ cách mạng, sớm đi theo Đảng và Bác Hồ vĩ đại. Bởi vậy, tôi luôn tự nhắc nhở mình cũng như con cháu hãy luôn nhìn về lịch sử để sống một cuộc sống ý nghĩa, có trách nhiệm với quê hương, đất nước.
Với lòng yêu nước, dũng cảm, kiên cường, những người lính như ông Lễ, ông Muội, ông Sực cùng hàng vạn chiến sĩ trên khắp mọi miền Tổ quốc đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, ghi tạc vào những trang sử xanh của dân tộc, để thế hệ trẻ hôm nay được soi đường, tiếp bước. Trở về đời thường, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, các ông tích cực tham gia nhiều cương vị, công việc ở địa phương. Ở công việc nào các ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, tích cực tham gia hoạt động xã hội, phát triển kinh tế gia đình, trở thành tấm gương mẫu mực, giáo dục con cháu trở thành những người sống có ích cho xã hội.