Xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân

08:30, 01/05/2021

Sau thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh trang trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông - Nam Á. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng nhà nước pháp quyền. Chính vì vậy, chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân đã được khẳng định trong 4 lần  xây dựng, sửa đổi Hiến pháp...

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đòi hỏi tiếp tục đổi mới quy trình lập pháp, nâng cao năng lực xây dựng pháp luật, bảo đảm có hệ thống pháp luật toàn diện, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật xuất phát từ yêu cầu thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và khắc phục những hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành. Quá trình đó đòi hỏi phải quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về nguyên tắc bảo đảm tính dân chủ, công khai trong quá trình xây dựng pháp luật.

Tổ chức lấy ý kiến nhân dân, nghiêm túc tập hợp, tiếp thu, chỉnh lý văn bản theo ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, của đối tượng tác động của văn bản, bảo đảm tính hiệu quả, khoa học và sự phù hợp của pháp luật với thực tế khách quan. Tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tư vấn, trợ giúp pháp lý để pháp luật được triển khai thực hiện trong cuộc sống.

Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận và ràng buộc trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo đảm, thúc đẩy và thực thi quyền con người, quyền và tự do của công dân. Triển khai thực hiện Hiến pháp đòi hỏi phải xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ ban hành luật của nhà nước, đặc biệt là các luật về quyền tự do lập hội, quyền biểu tình… nhà nước không thể viện dẫn lý do vì chưa có luật mà hoãn hoặc không thực thi quyền con người, quyền công dân; bảo đảm nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự “chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người”.

 Đồng thời, cần tuyên truyền, giáo dục về quyền và nghĩa vụ của công dân, nâng cao trách nhiệm công dân chấp hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc…

Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước phải bảo đảm tất cả các loại quyền lực và thực thi quyền lực nhà nước phải bị kiểm soát; không có cơ quan, tổ chức, không có chức danh nào được đặt ngoài tầm kiểm soát, nhất là kiểm soát của nhân dân; phải có cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm tiếp nhận, xử lý, trả lời các phát hiện, khiếu nại, tố cáo của nhân dân và các chủ thể khác đối với quá trình thực thi quyền lực và trong thời hạn xác định phải có kết luận rõ ràng; bảo đảm mọi vi phạm hoặc lạm dụng quyền lực để trục lợi đều có khả năng phát hiện và khi phát hiện phải có chế tài xử lý nghiêm minh mới bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước.

Đổi mới đồng bộ các nội dung, các khâu của công tác cán bộ: Xây dựng và thực hiện tốt chiến lược và quy hoạch cán bộ, chú trọng cán bộ cấp chiến lược, cán bộ quản lý, khoa học, công nghệ có trình độ cao, cán bộ nữ, cán bộ vùng dân tộc thiểu số; đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ bảo đảm nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị; rèn luyện đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; đổi mới cơ chế tuyển dụng, đánh giá cán bộ bảo đảm khách quan, dân chủ; trong tuyển dụng cán bộ, công chức cần chủ động tạo nguồn, có cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển chọn nhân tài để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra cán bộ, công chức để đánh giá và bố trí cán bộ hợp lý và áp dụng chính sách thích hợp…

Đối với tỉnh ta, thời khắc chiều ngày 20/8/1945, tại sân vận động thị xã Thái Nguyên đã đi vào lịch sử khi cuộc mít tinh lớn của đông đảo tầng lớp nhân dân chứng kiến một sự kiện trọng đại đó là đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Ban khởi nghĩa toàn quốc tuyên bố xoá bỏ chính quyền phát xít Nhật, thành lập Uỷ ban nhân dân lâm thời tỉnh Thái Nguyên do đồng chí Lê Trung Đình làm Chủ tịch.

Trải qua nhiều nhiệm kỳ tiến hành công cuộc đổi mới, chính quyền 3 cấp trong tỉnh không ngừng được kiện toàn, hoàn thiện theo chỉ đạo của Trung ương, luôn lấy tôn chỉ do nhân dân và vì nhân dân mà hoàn thành mọi nhiệm vụ. HĐND 3 cấp trong tỉnh đã nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; hoạt động giám sát của HĐND các cấp tập trung vào giải quyết những vấn đề bức thiết, quan trọng của tỉnh, được nhân dân trong tỉnh và dư luận xã hội quan tâm. Các kỳ họp của HDND các cấp trong tỉnh đã thảo luận, quyết định những vấn đề lớn có chất lượng hơn và thực chất hơn. UBND 3 cấp trong tỉnh tập trung quản lý, điều hành năng động, giải quyết những vấn đề lớn, quan trọng.

Bên cạnh đó, UBND các cấp trong tỉnh quan tâm sâu sắc, kịp thời những vấn đề, những khó khăn của nhân dân nảy sinh trong cuộc sống và quá trình lao động, sản xuất. Nhiều chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp được triển khai nghiêm túc trên địa bàn toàn tỉnh đã tạo ra những kết quả quan trọng, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và bảo vệ tốt hơn lợi ích của Nhà nước.

 “Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh” - Chủ tịch Hồ Chí Minh.