Chiều 7-6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Hạ Viện Australia Tony Smith nhằm thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia nói chung và quan hệ Nghị viện hai nước nói riêng trong thời gian tới.
Tham dự buổi hội đàm trực tuyến còn có các quan chức cấp cao của Quốc hội Việt Nam, Hạ viện Autralia và Đại sứ của hai quốc gia.
Tại hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Hạ viện Australia Tony Smith đều khẳng định quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia phát triển ngày càng tin cậy, thiết thực và đi vào chiều sâu.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến nguy hiểm từ năm ngoái tới nay, hai bên vẫn duy trì các trao đổi, tiếp xúc thường xuyên mà mới đây là cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Scott Morrison; ký kết Chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược giai đoạn 2020- 2023; kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 8,3 tỷ USD vào năm 2020, tăng gần 5% so với năm 2019, đồng thời Australia vẫn duy trì hỗ trợ Việt Nam trong năm tài khóa 2021-2022, tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, hạ tầng, giáo dục và qua cơ chế hợp tác giữa thành phố Hồ Chí Minh và bang Victoria (Australia).
Thời gian qua, quan hệ giữa Nghị viện hai nước cũng phát triển tốt đẹp trên cơ sở Thỏa thuận hợp tác giai đoạn mới giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội liên bang Australia (gồm Thượng viện và Hạ viện) từ tháng 5-2013 trên cả hợp tác song phương và các diễn đàn nghị viện đa phương.
Đánh giá Australia là một cường quốc ngày càng có vai trò quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị hai bên tiếp tục duy trì trao đổi, tiếp xúc ở các cấp bằng các hình thức phù hợp; tăng cường hợp tác kinh tế thương mại, phấn đấu nhanh chóng nâng gấp đôi kim ngạch thương mại hai chiều so với hiện nay; tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, quân y, an ninh mạng, khoa học công nghệ,…; tiếp tục gia hạn thời gian lưu trú và miễn giảm chi phí visa cho công dân Việt Nam, tạo điều kiện hơn nữa cho lưu học sinh Việt Nam quay trở lại Australia học tập; ủng hộ việc tiếp cận vaccine công bằng và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng Covid-19 cho các quốc gia khó khăn, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, nhằm phát huy truyền thống quan hệ nghị viện vốn có, hướng tới kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng mời Chủ tịch Hạ viện Tony Smith sớm sang thăm chính thức Việt Nam, tạo điều kiện cho các nhóm nghị sĩ hai bên trao đổi kinh nghiệm trong công tác giám sát các vấn đề quan trọng, phát huy vai trò lập pháp trong phát triển mối quan hệ song phương, nhất là xây dựng pháp luật, khung thể chế thích hợp với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ (cơ chế thử nghiệm sandbox, kinh tế chia sẻ); tiếp tục thực hiện các hiệp định như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); hợp tác tạo dựng khuôn khổ pháp lý để hỗ trợ cho hoạt động điều hành của các Chính phủ.
Chủ tịch Hạ viện Tony Smith bày tỏ nhất trí với các đề xuất của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhằm củng cố, phát triển mối quan hệ ngoại giao nói chung và quan hệ nghị viện nói riêng giữa hai quốc gia, đồng thời tin tưởng hai nước sẽ có tương lai tốt đẹp.
Về vaccine phòng Covid-19, Chủ tịch Hạ viện Australia cho biết tiêm chủng ở Australia được triển khai nhanh khi có Chương trình vaccine và quan điểm của Chính phủ Australia là thực hiện nhanh để phục vụ người dân và nền kinh tế. Australia đã cam kết viện trợ cho Việt Nam 40 triệu AUD để tiếp cận vaccine phòng Covid-19. Chủ tịch Hạ viện Australia bày tỏ mong muốn ngay khi mở cửa đất nước, ông sẽ trực tiếp sang thăm Việt Nam.
Tại hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Trong đó, về vấn đề Biển Đông, hai bên khẳng định quan điểm nhất quán của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).