Với ý chí, hoài bão lớn lao và tư duy mới, ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, tức lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, đã rời đất nước ra nước ngoài (phương Tây) đi tìm con đường cứu nước phù hợp, đúng đắn “xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”.
Người đi tìm một con đường đúng đắn chứ không đi cầu ngoại viện. Điều đó đã thể hiện ý chí tự lực, tự cường và một khát vọng lớn, tầm nhìn thời đại. Sau khi đi qua nhiều nước, tại Pa-ri, đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành gia nhập Đảng Xã hội Pháp (thành viên của Quốc tế II), tìm hiểu về cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga. Ngày 18/6/1919, thay mặt những người Việt Nam yêu nước, với tên gọi mới Nguyễn Ái Quốc gửi bản yêu sách 8 điểm tới Hội nghị Versailles (Vécxây) đòi những quyền dân tộc tự quyết. Sự kiện đó như phát pháo hiệu trên bầu trời đen tối của Việt Nam và Đông Dương, thức tỉnh cả dân tộc về quyền sống của mình. Ý chí tự lực, tự cường và khát vọng về quyền sống chân chính của dân tộc mình được bồi đắp trong tư tưởng và sự nghiệp đấu tranh của Nguyễn Ái Quốc và lan tỏa trong mọi người Việt Nam yêu nước.
Tháng 7/1920, trên báo L’Humanité (Nhân Đạo), Nguyễn Ái Quốc đọc được toàn văn tác phẩm của V.I.Lênin: Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa và nhận thấy tác phẩm “là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước đã đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tìm thấy ở lý luận cách mạng và khoa học đó con đường cứu nước đúng đắn, gắn liền sự nghiệp giải phóng dân tộc với sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng con người của chủ nghĩa cộng sản. Điểm nổi bật trong tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là giành độc lập cho dân tộc gắn liền tất yếu với thực hiện quyền tự do, dân chủ, hạnh phúc của đồng bào. Ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm đấu tranh vì nền độc lập và phát triển đất nước của Nguyễn Ái Quốc là rất rõ ràng, không thế lực cường quyền nào có thể đe dọa và dập tắt.
Một điểm rất quan trọng nữa trong tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc về ý chí tự lực, tự cường là không phụ thuộc vào người khác, vào lực lượng bên ngoài, có quan điểm độc lập về những vấn đề quan hệ quốc tế. Người cho rằng, với ý chí đấu tranh và khát vọng độc lập, tự do, cách mạng ở các nước thuộc địa (trong đó có Việt Nam) hoàn toàn có thể chủ động giành thắng lợi, không phụ thuộc vào cách mạng ở chính quốc có thắng lợi hay không. Chẳng những cách mạng ở thuộc địa có thể thắng lợi mà còn giúp đỡ giai cấp vô sản ở chính quốc trong sự nghiệp đấu tranh.
Dựa trên tư duy khoa học và sự phân tích thực tiễn lịch sử, Nguyễn Ái Quốc càng nuôi dưỡng ý chí đấu tranh và phát triển đất nước theo con đường mới - con đường xã hội chủ nghĩa. Nguyễn Ái Quốc thấy rõ mối quan hệ mật thiết, tác động và ảnh hưởng lẫn nhau giữa cách mạng vô sản ở các nước tư bản và cách mạng giải phóng của các dân tộc thuộc địa. Người coi hai cuộc cách mạng đó như hai cánh của con chim. Cách mạng giải phóng các dân tộc thuộc địa cần thiết do một Đảng cách mạng chân chính - Đảng Cộng sản lãnh đạo theo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin hoàn toàn có thể chuyển hóa, phát triển theo con đường cách mạng vô sản. Điều đó bảo đảm cho sự nghiệp giải phóng dân tộc hoàn toàn và triệt để, đồng thời đi tới giải phóng xã hội, giải phóng con người. Tư tưởng đó là nhất quán trong Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và mang giá trị biện chứng trong sự vận động xã hội của thời kỳ mới.
Ý chí tự lực, tự cường trong tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc có điều đặc biệt là phải đánh giá và thấy rõ sức mạnh của tinh thần yêu nước và chủ nghĩa dân tộc chân chính của người Việt Nam. Ở một nước thuộc địa như Việt Nam, mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân, đế quốc cai trị là vô cùng gay gắt. Cần phải nhận thức đúng đắn vấn đề đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc ở các nước thuộc địa. Làm sao tạo nên sức mạnh to lớn của tinh thần dân tộc chống đế quốc, thực dân. Cần phát triển ý chí tự lực, tự cường của cả một dân tộc.
Từ người yêu nước nhiệt thành, Nguyễn Ái Quốc trở thành người cộng sản kiên trung, từ người đấu tranh cho độc lập tự do của dân tộc mình trở thành chiến sĩ quốc tế tiêu biểu. Ở Nguyễn Ái Quốc là sự hòa quyện, thống nhất giữa lập trường giai cấp với lập trường dân tộc, giữa chủ nghĩa dân tộc chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng.
Nhận thức của Nguyễn Ái Quốc về ý chí tự lực, tự cường đòi hỏi phải phát triển sức mạnh của toàn dân tộc và kết hợp với sự đoàn kết và ủng hộ quốc tế. Cách mạng Việt Nam phát triển trong xu thế phát triển chung của cách mạng thế giới, do vậy Quốc tế Cộng sản, giai cấp vô sản các nước và các dân tộc thuộc địa trên khắp thế giới sẽ hết lòng giúp cho. “Nhưng muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã” (1).
Ý chí tự lực, tự cường của Nguyễn Ái Quốc thể hiện ở tính chủ động cùng các đồng chí của mình ra sức chuẩn bị những điều kiện về mọi mặt. Điều kiện trước hết là phải có một Đảng cách mệnh “để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam” (2).
Mùa Xuân năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng đã thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và đưa ra thảo luận. Cương lĩnh ngắn gọn, rõ ràng và thể hiện rõ tinh thần độc lập, tự chủ, phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam.
Chống đế quốc giành độc lập phải là vấn đề hàng đầu. Độc lập dân tộc là cái căn bản, là tiền đề để đi tới xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Quy luật độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội được Nguyễn Ái Quốc xác định ngay từ đầu khi Đảng mới được thành lập. Trước hết phải giành cho được độc lập dân tộc. Phải giương cao ngọn cờ dân tộc để tập hợp đoàn kết không chỉ công nhân, nông dân mà lực lượng của toàn dân tộc. Đó là những quan điểm rất đúng đắn, sáng tạo của người sáng lập Đảng và các đồng chí dự hội nghị thành lập Đảng đồng tình. Quan điểm đó có giá trị lý luận và thực tiễn bền vững, chỉ đạo suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, bảo đảm đi đến thắng lợi.
Ngày 28-1-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc, cùng Trung ương Đảng lãnh đạo phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do. Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8 họp ở Cao Bằng quyết định những vấn đề lớn của cách mạng. Hoàn chỉnh đường lối, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, xử lý đúng đắn đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp, lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp, quyết tâm, giành độc lập với khẩu hiệu độc lập trên hết, Tổ quốc trên hết. Đó là đường lối cách mạng độc lập, tự chủ, sáng tạo phù hợp với đặc điểm thực tiễn của Việt Nam.
Điều lãnh tụ Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng là phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân. Khi trao đổi với đồng chí Võ Nguyên Giáp về lập căn cứ địa cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang, lãnh tụ Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải động viên lực lượng của toàn dân, dân trước, súng sau, có dân sẽ có súng, có dân là có tất cả. Quan điểm đó có giá trị lý luận, thực tiễn bền vững cho đến ngày nay.
Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Đó là thành quả của cuộc đấu tranh kiên cường của cả dân tộc Việt Nam do Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh lãnh đạo. Đó là thành quả của ý chí tự lực, tự cường, khát vọng độc lập, tự do, phát triển đất nước mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh nêu cao và được cả dân tộc nhận thức và hành động.
Trong Tuyên ngôn độc lập đọc ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ quyền con người nâng lên quyền của các dân tộc quyết định quyền sống của mình. “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” (3).
Thời kỳ 1954-1975, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cách mạng Việt Nam thực hiện đồng thời hai chiến lược cách mạng: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc; đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền nam, kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhằm giải phóng miền nam thống nhất đất nước.
Ý chí tự lực tự cường, khát vọng độc lập, thống nhất Tổ quốc được Hồ Chí Minh giáo dục sâu sắc trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong cả nước, thực hiện cho được thống nhất, độc lập hoàn toàn và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Khi miền bắc bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1954, nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước là rất lớn lao và trong điều kiện cho phép để chăm lo đời sống hạnh phúc của nhân dân. Nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội được đặt ra trực tiếp và đó là con đường phát triển tất yếu của đất nước và dân tộc đã được Hồ Chí Minh đặt ra từ năm 1930 khi thành lập Đảng.
Xây dựng chủ nghĩa xã hội như thế nào đã được Hồ Chí Minh đặt ra trên cơ sở nhận thức khoa học đúng đắn lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin phù hợp thực tiễn Việt Nam. Tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước đã thể hiện nổi bật trong tư duy và hành động của Hồ Chí Minh. Năm 1956, Hồ Chí Minh đã cho rằng hoàn cảnh đất nước Việt Nam là một nước nông nghiệp lạc hậu của chế độ phong kiến và thuộc địa kéo dài, lại trải qua chiến tranh, nên xây dựng chủ nghĩa xã hội “không thể làm mau được mà phải làm dần dần”. Hồ Chí Minh đã định nghĩa chủ nghĩa xã hội rất cô đọng từ thực tiễn, khát vọng Việt Nam: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu nước mạnh” (4).
Hồ Chí Minh luôn luôn xuất phát từ thực tiễn, từ hoàn cảnh cụ thể của nước mình, vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn để nêu ra những quan điểm, chủ trương phù hợp có tính hiện thực, không giáo điều, máy móc trong học tập kinh nghiệm của nước khác. Xây dựng, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa đòi hỏi Việt Nam phải có cách làm riêng, bước đi và giải pháp thích hợp. “Ta không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử địa lý khác… ta có thể đi con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội” (5).
Độc lập, sáng tạo trong tư duy, trong quan điểm, chủ trương và hành động là phong cách lãnh đạo nổi bật của Hồ Chí Minh. Người đặc biệt coi trọng lý luận nhưng đó là lý luận tổng kết từ thực tiễn chứ không phải học thuộc lòng những nguyên lý, kết luận có sẵn mà thiếu sự vận dụng sáng tạo.
Ngày 7/9/1957, trong Diễn văn khai mạc lớp học lý luận khóa I Trường Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “muốn đỡ bớt mò mẫm, muốn đỡ phạm sai lầm, thì chúng ta phải học tập kinh nghiệm các nước anh em và áp dụng những kinh nghiệm ấy một cách sáng tạo. Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác - Lênin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác - Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế, chúng ta mới có thể dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta” (6).
Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị chỉ đạo thực tiễn và nghiên cứu lý luận của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước theo con đường của chủ nghĩa xã hội, trở thành cơ sở rất quan trọng để Đảng đổi mới tư duy lý luận, nắm bắt thực tiễn, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan, hoạch định đường lối đổi mới tại Đại hội VI (tháng 12-1986) và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới để Việt Nam có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.
---------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội năm 2011, tập 2, tr.320.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd tập 2, tr.289.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd tập 4, tr.3.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd tập 10, tr.39.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd tập 10, tr.391.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd tập 11, tr.92.
PGS, TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC
(Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)