Trong những năm đổi mới, báo chí Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng. Báo chí luôn là lực lượng tiên phong, cổ vũ, nhân rộng các điển hình tiên tiến, phản ánh thực tiễn sinh động, phát hiện đề xuất những vấn đề có ý nghĩa xã hội để Đảng, Nhà nước kịp thời điều chỉnh, bổ sung đường lối, chủ trương, chính sách... Có thể thấy trong những kết quả đạt được của hơn 30 năm đổi mới có sự đóng góp quan trọng của báo chí.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó, báo chí cũng có những hạn chế cần được khắc phục. Trong những năm qua, quản lý Nhà nước về báo chí chưa đạt được hiệu quả như mong muốn do: Các quy hoạch, kế hoạch phát triển báo chí chậm được ban hành khiến báo chí phát triển chưa theo quy hoạch; hành lang pháp lý chưa đồng bộ, tính răn đe không cao, có những cơ quan báo chí hoạt động chưa đúng với tinh thần “thượng tôn pháp luật”; năng lực, trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ còn hạn chế, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ hoạt động quản lý còn lạc hậu làm hạn chế sự phát triển của báo chí…
Việt Nam có lực lượng hoạt động báo chí hùng hậu với hơn 18.000 nhà báo được cấp thẻ đang làm việc tại gần 900 cơ quan báo chí thuộc các loại hình: Báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử. Tuy nhiên, đội ngũ những người làm báo vẫn còn những thiếu sót, hạn chế như: Một số cơ quan báo chí, nhà báo thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng tư tưởng - văn hóa, chưa thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; chậm đổi mới, nội dung tuyên truyền chưa hấp dẫn, chưa hướng dẫn được dư luận xã hội; một số nhà báo chưa làm chủ được công nghệ mới; chưa có chế tài đủ mạnh để khắc phục triệt để những sai phạm trong hoạt động báo chí…
Các biên tập viên, kỹ thuật viên của Báo Thái Nguyên thực hiện chương trình tuyên truyền trực tuyến về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (ngày 23/5/2021). Ảnh: T.L
Trước những thách thức của xã hội hiện đại, một bộ phận người làm báo đã vi phạm chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, tha hóa với nhiều biểu hiện, mức độ khác nhau. Đó là hiện tượng nhà báo thiếu trách nhiệm, không kiểm tra, giám sát dẫn đến thông tin sai sự thật, thổi phồng hoặc bóp méo sự thật, đưa tin, bài giật gân, câu khách. Đã có những nhà báo lạm quyền, lợi dụng vị trí công việc của mình để mưu lợi cá nhân… Có sai phạm là do vô tình, năng lực tác nghiệp non kém, nhưng cũng có trường hợp cố ý vi phạm đạo đức nghề nghiệp, làm mai một hình ảnh của người làm báo, đánh mất niềm tin của nhân dân vào báo chí.
Chỉ thị số 42/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác định hướng hoạt động báo chí, truyền thông và tăng cường công tác tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc chỉ rõ: “Kết hợp chặt chẽ giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại trên báo chí và các phương tiện truyền thông phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân; bảo đảm lượng thông tin tốt, tích cực về đời sống xã hội. Phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các địa phương trong việc chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan báo chí và các phương tiện truyền thông bằng nhiều hình thức, phát huy thế mạnh của báo chí, truyền thông để bảo đảm phục vụ tốt công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí trong việc thực hiện định hướng thông tin, quản lý phóng viên, cộng tác viên của cơ quan báo chí...”. Để đạt được những mục tiêu này, đồng thời đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới, phát huy được Di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí, cần quan tâm thực hiện một số giải pháp:
Một là, giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện hoạt động báo chí theo quan điểm phát triển phải đi đôi với quản lý và quản lý phải theo kịp sự phát triển, từ đó nâng cao chất lượng và hiệu quả của báo chí với xã hội.
Hai là, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm báo, trong đó đặc biệt coi trọng vấn đề phẩm chất, đạo đức. Tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế, vận dụng có chọn lọc kinh nghiệm từ nước ngoài, nhất là những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động báo chí. Kết nối các khâu đào tạo - bồi dưỡng - sử dụng - rèn luyện nhà báo thành một chỉnh thể.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh thực chất việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam, nhất là những yêu cầu với người làm báo của Người, gắn với việc thực hiện nghiêm Luật Báo chí năm 2016 và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu lực của Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề báo.
Tuân thủ những nguyên tắc cơ bản, những giá trị phổ quát, trong đó đặc biệt là giá trị đạo đức nghề nghiệp và luật pháp là nhiệm vụ thường nhật của người làm báo. Có như vậy, những người làm báo Việt Nam mới thực hiện được những chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo chí”; “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, người làm báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, “cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”...
Năm tháng đã trôi qua, nhưng tư tưởng của Người về báo chí vẫn vẹn nguyên giá trị. Phát huy sáng tạo di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí, báo chí cách mạng Việt Nam luôn xứng đáng là một lực lượng nòng cốt trong giữ vững anh ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước, dân tộc.