Nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng

07:15, 30/06/2021

Phòng, chống tham nhũng (PCTN) là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và được thực hiện thường xuyên, liên tục. Thời gian qua, cùng với hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật tại các cơ quan, đơn vị, địa phương thì công tác điều tra, xử lý các vụ án, đối tượng có hành vi tham nhũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn đồng chí Phạm Văn Thọ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy.

P.V: Trước hết, xin đồng chí cho biết quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy đối với công tác PCTN?

Đ/c Phạm Văn Thọ: Những năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy và chính quyền các cấp của tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác PCTN, tiêu cực; gắn nội dung này với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung nêu cao vai trò, trách nhiệm của bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác PCTN, nhất là trực tiếp chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, chủ động tự phát hiện, xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; xử lý cán bộ lãnh đạo để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình quản lý. Tổ chức bộ máy được sắp xếp, kiện toàn ngày càng tinh gọn, rõ trách nhiệm, tránh chồng chéo; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín. Công tác cải cách hành chính được quan tâm thực hiện và đạt kết quả tích cực, nhất là cải cách thủ tục hành chính.

Thái Nguyên là địa phương sớm thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập lần đầu đối cán bộ, công chức - giải pháp quan trọng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng. Trong ảnh: Cán bộ Thanh tra tỉnh tiếp nhận, rà soát các bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị.

P.V: Theo đánh giá, những kết quả nổi bật trong công tác PCTN mà tỉnh Thái Nguyên đạt được thời gian qua như thế nào, thưa đồng chí?

Đ/c Phạm Văn Thọ: Có thể khẳng định, thời gian qua, các giải pháp PCTN, tiêu cực đã được thực hiện đồng bộ và đạt kết quả khá toàn diện, góp phần tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh trong sạch, vững mạnh. Các vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố và xử lý nghiêm minh đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của cán bộ, đảng viên và củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. 

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, cơ quan điều tra đã phát hiện, giải quyết 22 vụ/47 bị can; truy tố 17 vụ/30 bị can; xét xử 19 vụ/31 bị cáo. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong quá trình điều tra đạt 62,8%. Riêng từ đầu năm 2021 đến nay, cơ quan điều tra đã phát hiện, khởi tố mới 4 vụ/6 bị can; truy tố 3vụ/6 bị can; xét xử 3 vụ/6 bị cáo. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt 81,2%; phát hiện và chỉ đạo xử lý 6 vụ việc “tham nhũng vặt”… 

P.V: Bên cạnh kết quả tích cực, trong công tác PCTN còn những mặt hạn chế, tồn tại gì cần khắc phục, thưa đồng chí?

Đ/c Phạm Văn Thọ: Thẳng thắn đánh giá về hạn chế, tồn tại thì một số cấp ủy, người đứng đầu các địa phương, đơn vị chưa thật sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc PCTN; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, hiệu quả chưa cao. Vẫn còn dư luận trong xã hội về cán bộ, công chức, viên chức nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp. Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế. Các vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện chủ yếu là quy mô nhỏ và ở cơ sở.

P.V: Để khắc phục những vấn đề nêu trên, trong thời gian tới, Ban Nội chính Tỉnh ủy sẽ tham mưu đối với công tác này như thế nào, thưa đồng chí?

Đ/c Phạm Văn Thọ: Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp; đặc biệt là Đề án số 01-ĐA/TU ngày 23/3/2021 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, giai đoạn 2021-2025”. 

Nội dung Đề án đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về PCTN là: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy và đề cao vai trò của người đứng đầu của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về PCTN. Thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế về kinh tế - xã hội và PCTN, khắc phục những sơ hở trong quản lý kinh tế - xã hội, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực. Tăng cường phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng qua công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; ngăn chặn có hiệu quả tệ “tham nhũng vặt”, tiêu cực. Chú trọng thanh tra, kiểm tra chế độ công vụ để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh trường hợp vi phạm; kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật; định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với những vị trí nhạy cảm, phức tạp theo đúng quy định. Cùng với đó là phát huy hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND các cấp, MTTQ và các tổ chức, đoàn thể và nhân dân trong phát hiện hành vi tham nhũng... 

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!