Anh hùng trong kháng chiến, năng động trong đổi mới xây dựng quê hương giàu mạnh, Thái Nguyên còn là vùng đất được biết đến là địa phương có nhiều nỗ lực trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Bằng những hành động cụ thể, thiết thực, các gia đình chính sách, người có công (NCC) với cách mạng trong toàn tỉnh đã được giúp đỡ để từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
Tháng Bảy, các cấp, ngành, địa phương bận rộn hơn, bởi ngoài công việc thường nhật còn có thêm nhiều hoạt động tri ân các gia đình chính sách, NCC. Ông Vũ Văn Mão, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH), người từng có mấy mươi năm gắn bó với công tác NCC suy tư: Trải qua các cuộc kháng chiến và làm nghĩa vụ quốc tế, tỉnh Thái Nguyên có hơn 10.800 liệt sĩ; gần 600 Mẹ Việt Nam Anh hùng; hơn 10.000 thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh; hơn 13.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học…
Dẫu biết NCC và thân nhân NCC không đòi hỏi sự đáp đền, nhưng một xã hội nhân văn, ai nấy tự canh cánh, mong một sự bù đắp để NCC, thân nhân NCC không bị thiệt thòi. Ông Lã Trọng Tài, 74 tuổi, thương binh nặng ở xóm Phố Dầu, xã Tiên Hội (Đại Từ) chia sẻ: Quá nửa đời sống trên xe lăn, nhưng tôi không bị lãng quên. Bởi vào các dịp lễ, Tết hằng năm, tôi đều nhận được sự quan tâm động viên của lãnh đạo các cấp ngành và bà con lối xóm.
Chuyện “Đền ơn đáp nghĩa”, ông Lô Văn Thế, thương binh, nạn nhân chất độc da cam ở xóm Làng Lớn, xã Yên Lạc (Phú Lương) phấn chấn: Được cả xã hội quan tâm, tôi tự động viên mình và người thân phải cố gắng hơn để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Còn bà Chu Thị Lan, vợ liệt sĩ, xóm Hải Minh, xã Tân Kim (Phú Bình) cho biết: Là thân nhân liệt sĩ, tôi động viên con, cháu trong nhà sống gương mẫu, không vì tư lợi mà hổ thẹn anh linh người đã hy sinh.
Trân trọng nhường nào khi được nghe những câu chuyện về nghị lực vươn lên của NCC và thân nhân NCC. Niềm vui ấy theo tôi trên suốt dọc đường về xóm Đồn, xã Bình Thành (Định Hóa) thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị May, 97 tuổi. Mẹ May có 2 người con liệt sĩ. Với một người mẹ thì có đau đớn nào lớn hơn. Nhưng mẹ vẫn vượt lên tất thảy, gương mẫu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Đoàn viên thanh niên các đơn vị tham gia xây dựng đường bê tông hỗ trợ gia đình chính sách ở xã Thịnh Đức, T.P Thái Nguyên (ngày 18/7/2021). Ảnh: H.T
Ông Bàn Phúc Quang, Trưởng phòng NCC (Sở LĐ-TBXH) bùi ngùi: Hiện trên toàn tỉnh còn 23 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống. Các mẹ đều ở tuổi “chuối chín cây”, được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng đến hết đời.
Còn ông Vũ Đức Quyết, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TBXH) nói: Thái Nguyên luôn có hành động cụ thể trong công tác chăm sóc NCC và thân nhân NCC. Thể hiện cao nhất là sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, địa phương chủ động lựa chọn, đăng ký nhận hỗ trợ 194 hộ nghèo có thành viên là NCC. Tỉnh phấn đấu đến hết năm 2021 không còn hộ có thành viên NCC thuộc diện nghèo.
Chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc NCC được triển khai rộng khắp, qua đó tạo thành phong trào lớn, đồng thời khơi dậy được tinh thần “Tương thân tương ái” của dân tộc. Đây cũng là cách làm giáo dục cho thế hệ trẻ đạo lý “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Cũng vì thế, nghĩa cử tri ân thẩm thấu sâu nặng vào nghĩ suy con người. Lớp sau học theo lớp trước biết sống đáp đền các thế hệ cha anh đã vì Tổ quốc mà đổ xương máu xây nền độc lập.
Nhờ vậy, hằng năm Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của tỉnh huy động được hàng tỷ đồng từ những tấm lòng thơm thảo của mọi tầng lớp nhân dân. Cụ thể, từ năm 2017 đến hết năm 2020, Ban Vận động Quỹ các cấp huy động được gần 27 tỷ đồng, riêng năm 2020 huy động được 6,8 tỷ đồng. Quỹ được sử dụng cho các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, như: Thăm hỏi, trợ cấp đột xuất, giúp đỡ cho gia đình NCC gặp khó khăn và hỗ trợ về nhà ở.
Để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NCC và thân nhân, từ các nguồn lực hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh và sự đóng góp của nhân dân, trong 5 năm qua (2015-2020), toàn tỉnh đã có gần 9.000 hộ NCC, thân nhân NCC được hỗ trợ về nhà ở, trong đó xây mới gần 3.500 nhà, sửa chữa gần 5.500 nhà, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 247 tỷ đồng. Bên cạnh ngân sách Nhà nước, chính quyền địa phương, nhân dân tại nơi NCC cư trú còn tham gia đóng góp hàng nghìn ngày công lao động. Cùng với đó, các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chế độ chính sách cho NCC.
Cụ thể là việc thực hiện chi trả chế độ trợ cấp hằng tháng cho gần 157.000 lượt người; chi trả trợ cấp một lần cho hơn 44.000 lượt người; gần 800 lượt người là thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh được hỗ trợ tiền ăn thêm dịp lễ, Tết Nguyên đán; hơn 32.000 lượt người được điều dưỡng phục hồi sức khỏe; gần 2.000 lượt người được cấp dụng cụ chỉnh hình; gần 109.000 lượt người được hỗ trợ thẻ BHYT; hơn 34.000 lượt người được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; gần 332.000 lượt người được hỗ trợ khám, chữa bệnh...
Nỗ lực làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” không chỉ là trách nhiệm, mà xuất phát từ nghĩ suy của mỗi người. Tất cả nghĩa cử ấy trở thành một nếp sống đạo đức, văn hóa. Và không dừng lại ở sự vỗ về an ủi, xoa dịu nỗi đau, những việc làm thiết thực trên còn tạo động lực cho NCC, thân nhân NCC không ngừng phát huy truyền thống gia đình cách mạng, vươn lên trong cuộc sống.