Hồ Chí Minh và sự lựa chọn lịch sử

14:23, 02/09/2021

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, khẳng định với thế giới về một quốc gia độc lập. Tuy nhiên, thực dân Pháp đã bội ước, mở rộng cuộc chiến trên phạm vi cả nước. Trước tình cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và có chủ trương chuẩn bị lực lượng đấu tranh lâu dài. Tháng 3-1947, Hồ Chủ tịch quyết định cùng Trung ương Đảng, Chính phủ rời Thủ đô Hà Nội chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc, rút vào hoạt động bí mật.

Nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao Bác Hồ và Trung ương Đảng lại chọn Việt Bắc làm căn cứ địa, trong đó chọn Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn làm An toàn khu, căn cứ tuyệt mật? Phải chăng Bác đoán biết được tình hình, có dự định và sớm đã có sự chuẩn bị? Điều đó là hoàn toàn đúng.

Giở lại lịch sử, từ khi Bác còn chưa về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng, tháng 8-1940, Người đã cùng với một số cán bộ của ta ở Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) chuẩn bị các điều kiện và chờ cơ hội để về Tổ quốc. Nhận định rõ tình hình thế giới và trong nước, nhất là xét về tương quan lực lượng giữa ta và Pháp, tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định phải xây dựng căn cứ cách mạng chuẩn bị trước cho những diễn biến sau này.

Và với tầm nhìn chiến lược, suy xét lâu dài, Người đã thống nhất chọn căn cứ Cao Bằng (giáp với biên giới Trung Quốc) để hoạt động với mục đích “mở ra triển vọng cho cách mạng nước ta”. Trong đó, Người yêu cầu: “Từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối được phong trào với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”.

Qua đây cho thấy, Thái Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng đối với quá trình đấu tranh chống thực dân Pháp của dân tộc. Theo phân tích của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, nhân dân Việt Bắc nói chung và đồng bào Thái Nguyên nói riêng có truyền thống cách mạng, lại là vùng đất trọng yếu “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” rất hợp cho hoạt động bí mật.

Khi về nước, ở Cao Bằng, Người đã chỉ đạo tổ chức các con đường liên lạc quần chúng về các tỉnh miền xuôi (gọi là Nam tiến và Bắc tiến). Một số cán bộ được phân công kết nối tuyến đường từ Đông Khê (Cao Bằng) về Đình Cả, Võ Nhai (Thái Nguyên), một nhóm khác xây dựng đường từ Nguyên Bình qua Ngân Sơn, Chợ Rã (Bắc Kạn) về Định Hóa, Đại Từ (Thái Nguyên).

 Tất cả đều được kết nối với nhau tạo thành một dải liên hoàn vững chắc có thể tiến đánh về miền xuôi một cách nhanh chóng, nhưng cũng có thể rút vào hoạt động bí mật khiến kẻ thù bất khả xâm phạm. Bằng chứng là thực dân Pháp đã hoàn toàn thất bại trong chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947 khi huy động lực lượng nhằm “đánh nhanh, thắng nhanh” để tiêu diệt cơ quan đầu não của Việt Minh ở các căn cứ địa tại Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn…

Trong thời gian 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ chủ yếu ở và làm việc tại An toàn khu Định Hóa (Thái Nguyên) và Sơn Dương (Tuyên Quang). Tại Định Hóa, Người ở và làm việc trong ngôi nhà sàn đơn sơ trên đồi Khau Tý, thôn Điềm Mặc (nay là xã Điềm Mặc).

 Cũng tại đây, nhiều văn kiện, thư từ, quyết sách mang tính quyết định đến thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu đánh đuổi thực dân Pháp đã được ban hành. Đó là thư kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi quân, dân cả nước và nhân dân Pháp nhằm vạch trần âm mưu của thực dân Pháp, kêu gọi toàn thể đồng bào ra sức kháng chiến, giúp đỡ bộ đội đánh giặc.

Đó là tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” - cẩm nang giáo huấn, rèn luyện cán bộ của Bác với bút danh X.Y.Z. Đó là quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam và Đông Dương, chấm dứt hơn 400 năm tồn tại của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới…

Thời gian ở căn cứ địa Việt Bắc, Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ và các cơ quan cách mạng của ta đã được đồng bào chở che, đùm bọc, hăng hái và ra sức ủng hộ, bảo vệ. Trong cuốn sách “Con rồng cháu tiên”, Bác viết: “Đồng bào Việt Bắc gồm có Kinh, Thổ, Nùng, Thái…, phong tục tập quán tuy có khác nhau ít nhiều, nhưng lòng nồng nàn yêu nước, lòng căm hờn thực dân thì muôn người như một.

 Lòng yêu nước của đồng bào nhập với hình thế hiểm trở của núi sông thành một lực lượng vô địch, nó đã đánh tan cuộc tấn công của thực dân trong trận vừa rồi. Nếu muốn chép lại hết cả những hy sinh và oanh liệt của nhân dân thì phải mấy quyển sách mới đủ”. Cuối cùng, Người nhấn mạnh: “Tất cả các giới đồng bào, toàn dân nhất trí đều hăng hái tham gia công cuộc bảo vệ Việt Bắc…”

Việc sớm lựa chọn Việt Bắc làm căn cứ địa cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là một quyết định lịch sử có tầm chiến lược, làm nền tảng vững chắc cho những thắng lợi của cách mạng Việt Nam sau này.

Hiện nay, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Định Hóa đã được hoàn thành, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế  - xã hội của địa phương phát triển.

 Ngày nay, phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc vùng Việt Bắc nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng đang ra sức thi đua, nỗ lực vượt qua khó khăn, đồng lòng, chung sức xây dựng quê hương, đất nước, xứng đáng với lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển địa phương ngày càng giàu mạnh, phồn vinh.