Khơi dậy truyền thống yêu nước, phát huy giá trị lịch sử cách mạng

15:02, 28/09/2021

Những ý kiến tham luận tại Hội thảo khoa học đã góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn, sự phát triển lớn mạnh của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên 85 năm qua. Một lần nữa khẳng định sự ra đời cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh có ý nghĩa, vai trò quan trọng đối với phong trào cách mạng của Thái Nguyên cũng như đối với các tỉnh trong vùng Việt Bắc. Dưới đây là tóm lược một số ý kiến tại Hội thảo.  

 Đổi mới việc nghiên cứu, triển khai các chỉ thị, nghị quyết

 (Đồng chí Nguyễn Văn Vượng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh)

Tôi nhận thấy những nhiệm kỳ gần đây, Đảng bộ tỉnh luôn chủ động đổi mới công tác nghiên cứu, triển khai các chỉ thị, nghị quyết, gắn với xây dựng chương trình hành động cụ thể. Đội ngũ làm công tác tư tưởng được quan tâm, chỉ đạo, bồi dưỡng, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới. Báo cáo viên các cấp ủy, cộng tác viên dư luận xã hội và các nhà báo… luôn bám sát địa bàn, nắm bắt, phân tích, xử lý thông tin nhanh nhạy, chính xác…góp phần định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.

Vì vậy khi tỉnh triển khai các chương trình, dự án lớn trên địa bàn tỉnh phần lớn nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân. Bài học cho thấy, ở địa phương nào làm tốt công tác dân vận thì việc khó mấy cũng vượt qua; bởi vì “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. 

Trên địa bàn tỉnh ta trong hơn 10 năm qua, nhiều huyện đã làm tốt phong trào vận động Nhân dân hiến đất để làm đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng,…góp phần xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi thay, khởi sắc,…là những ví dụ sinh động về hiệu quả của công tác dân vận của Đảng bộ. Về công tác cán bộ có nhiều đổi mới, từ công tác quy hoạch, đào tạo đến bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ… được thực hiện có nhiều kết quả. Hiện nay hầu hết bí thư cấp ủy huyện không phải là người địa phương, đây cũng là bài học hay có trong lịch sử và hiện tại.

Từ xây dựng cơ sở Đảng đầu tiên đến thắng lợi năm 1954

(PGS, TS Nguyễn Danh Tiên,Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)      

Việc thành lập cơ sở đảng Cộng sản đầu tiên tại Thái Nguyên đã thổi bùng ngọn lửa đấu tranh trên mảnh đất Thái Nguyên và lan tỏa thành cao trào đấu tranh đòi dân sinh. Phong trào cách mạng ở huyện Đại Từ và châu Định Hóa, Võ Nhai đã liên lạc được với nhau, có sự chỉ đạo thống nhất của tổ chức đảng. Trong đấu tranh cách mạng, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên ngày càng tự giác đi theo đường lối, chủ trương giải phóng dân tộc của Đảng. 

Dù vẫn còn một số hạn chế nhưng phong trào đấu tranh của nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên trong thời kỳ vận động dân chủ (1936 - 1939) và vận động cách mạng giải phóng dân tộc 1939 – 1945, các tổ chức Cứu quốc của Mặt trận Việt Minh lần lượt ra đời và hoạt động sôi nổi khắp nơi.

Từ đó, Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm cách mạng quan trọng của cả nước, nơi ra đời và là địa bàn hoạt động chủ yếu của Trung đội Cứu quốc quân II (một trong những tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam). Nhiều cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đã nhanh chóng diễn ra, chính quyền cách mạng các xã lần lượt ra đời đã làm tan rã hoàn toàn bộ máy chính quyền địch ở Đại Từ.

Thời gian đã lùi xa, nhưng ý nghĩa và bài học kinh nghiệm của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 ở Thái Nguyên và những đóng góp của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Nguyên đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược vẫn còn giữ nguyên giá trị; trở thành hành trang để tổ chức đảng và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên phát huy truyền thống vẻ vang, xây dựng tỉnh ngày càng giàu, đẹp, văn minh.

Phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc,

(Th.s Phạm Thái Hanh, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh)

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong mỗi giai đoạn lịch sử, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh Thái Nguyên đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, luôn vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn công tác, vận động các tầng lớp Nhân dân đoàn kết thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, chính quyền; chung sức, góp phần cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta làm cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, tiến hành thắng lợi các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; từng bước thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, công nghiệp hoá - hiện đại hoá.

Phát huy vai trò nòng cốt trong việc xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thời gian qua MTTQ tỉnh đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Tích cực phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân, các dân tộc, tôn giáo thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại Nhân dân; vận động Nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, vận động xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ Cứu trợ, thực hiện “Tuần cao điểm Tết vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội... 

Những kết quả đạt được trong việc tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng 

(Th.s Dương Xuân Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy) 

85 năm qua, Đảng bộ Thái Nguyên luôn xác định công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng là nhiệm vụ hàng đầu và xuyên suốt. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết về công tác xây dựng Đảng để cụ thể hóa các chủ trương, quy định của Trung ương phù hợp với thực tiễn của địa phương.

 Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng bộ tỉnh tập trung vào nhận diện, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; chú trọng công tác tự phê bình, phê bình; kiểm tra, xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên, tổ chức vi phạm kịp thời, nghiêm minh; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, thực hiện nghiêm các nguyên tắc về công tác xây dựng Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ.

Coi trọng hơn nhiệm vụ xây dựng chuẩn mực đạo đức trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; quyết liệt đổi mới các khâu của công tác cán bộ: Đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển, bố trí, sử dụng, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, chặt chẽ, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nên vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trên các lĩnh vực được nâng lên, Thái Nguyên đã giành được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; giữ vững quốc phòng - an ninh; không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân.

Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao 

(Th.s Đặng Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh)

 

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy những kết quả, thành tựu đạt được của các nhiệm kỳ trước. 19/19 chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.

Trong đó, có nhiều chỉ tiêu mang tính bứt phá: Kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, bình quân giai đoạn 2015-2020 GRDP của tỉnh tăng 10,48%/năm; là tỉnh đứng đầu 14 tỉnh trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ về xây dựng nông thôn mới; đứng thứ tư toàn quốc về giá trị xuất khẩu và giá trị sản xuất công nghiệp.

Tuy nhiên, tỉnh vẫn đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như: Chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; năng suất lao động còn hạn chế. Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch còn chậm... Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song với quyết tâm cao nhất, Thái Nguyên quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ 2020-2025. 

Để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, trong thời gian tới tỉnh tập trung triển khai hiệu quả các định hướng lớn phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực phía Nam của tỉnh; chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, công nghệ cao; nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy hành chính các cấp; quan tâm phát triển nguồn nhân lực địa phương, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao… quyết tâm xây dựng Thái Nguyên “… trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta” như lời căn dặn của Bác Hồ năm xưa khi Người về thăm tỉnh Thái Nguyên.

“Đốm lửa” đã lan tỏa thành phong trào cách mạng sục sôi  

(Đồng chí Đinh Quang Ấn, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy)

Tôi rất phấn khởi được biết, từ “đốm lửa” đầu tiên ở đây, ngọn lửa đã được chính các đồng chí lão thành cách mạng ấy truyền sang đất Võ Nhai. Để rồi sức nóng lan tỏa thành phong trào cách mạng sục sôi góp lửa với khởi nghĩa Bắc Sơn và sự ra đời các Đội Cứu quốc quân - lực lượng võ trang cách mạng. Vị trí lịch sử của tổ chức cách mạng đầu tiên ở La Bằng luôn được Nhân dân nhớ tới và Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên ghi dấu đậm nét, tổ chức đảng đã nhiều thêm và ngày càng được sắp xếp khoa học, phù hợp; số đảng viên luôn phát triển và đã nhiều gần gấp đôi so với trước đây; số cơ sở đảng hoàn thành nhiệm vụ và đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh hằng năm đều đạt tỷ lệ cao.

 Sự phát triển mạnh và vững chắc của Đảng bộ là đảm bảo cho nhiệm vụ lãnh đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi những mục tiêu xây dựng kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống người dân, giữ vững trật tự, an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh những năm qua và tạo ra những bước tiến mới trong những năm gần đây. Miền đất rừng núi một thời là xa xôi, hẻo lánh, nay thật sự đã thay da đổi thịt. 

Người dân nơi đây, cùng lúc có hai niềm tự hào: Tự hào về truyền thống cách mạng vẻ vang, nơi ra đời tổ chức cách mạng đầu tiên của tỉnh. Tự hào về Đảng bộ và nhân dân đã đoàn kết, phấn đấu xây dựng thành công xã đạt tiêu chí nông thôn mới, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao. Những kết quả này làm mỗi người dân vững tin rằng xây dựng Đảng bộ luôn trong sạch vững mạnh để lãnh đạo, dẫn dắt nhân dân phát triển, rèn luyện và sàng lọc đội ngũ đảng viên để luôn là người đi đầu, gương mẫu. Phát huy truyền thống cách mạng, yêu nước của cha ông để lại. Chủ động, sáng tạo, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn gian khổ, đi tới các thành công mới. Để miền quê La Bằng cùng nhiều miền quê trong tỉnh Thái Nguyên chúng ta thành nơi đáng sống và sống hạnh phúc.

Thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
(Th.s Nguyễn Thị Mai Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Tỉnh Thái Nguyên có trên 1.000 di tích được bảo vệ và phát huy giá trị theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, trong đó, có 283 di tích được xếp hạng. Bên cạnh hệ thống di tích lịch sử cách mạng kháng chiến có giá trị tiêu biểu, có nhiều di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng là đình, đền, chùa. Ngoài vai trò là chứng tích lịch sử trong giáo dục truyền thống còn như một thiết chế không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng - văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương.

Với ý nghĩa đó, từ năm 2015- 2020, bằng nguồn ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác có được tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện đầu tư tôn tạo được 46 di tích, với tổng kinh phí gần 95 tỷ đồng.

Đối với Di tích “Nơi thành lập cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh”, thời gian qua bằng nguồn kinh phí từ ngân sách cấp tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo thực hiện lập dự án phục hồi và đầu tư tôn tạo 03 hạng mục công trình gồm: Phục dựng cơ sở cách mạng nhà ông Nông Văn Ái, xây dựng 02 bia ghi dấu sự kiện tại điểm di tích Cơ sở cách mạng của gia đình ông Nông Văn Ái và Cơ sở cách mạng của gia đình ông Đường Văn Hon (Nhất Quý).

Tuy nhiên, sau 20 năm đầu tư tôn tạo hiện nay các công trình cũng đã xuống cấp. Cùng với đó, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị quần thể di tích này đã được các cấp Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Thái Nguyên quan tâm. Trong những năm qua, di tích này đã thu hút đông đảo các từng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập, nghiên cứu về sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này. Việc tôn tạo, bảo tồn Di tích “Nơi thành lập cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh” nói riêng và các di tích lịch sử nói chung nhằm thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, phát huy giá trị di tích xứng tầm giá trị lịch sử.

Động lực để Đại Từ xây dựng huyện nông thôn mới
(Th.s Phạm Duy Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đại Từ )                                                                                        

Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng anh hùng, những năm qua, Huyện Đại Từ đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất các cả lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị. Từ một huyện miền núi sản xuất nông nghiệp lạc hậu, đời sống khó khăn, cơ sở hạ tầng kém phát triển, đến nay Đại Từ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Kinh tế phát triển, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có bước phát triển quan trọng, 100% các xã, thị trấn đã có điện lưới quốc gia, có đường ô tô đến trung tâm; các tuyến đường giao thông tỉnh lộ, huyện lộ, công trình thuỷ lợi; hệ thống trường học, trạm y tế, chợ nông thô… được đầu tư xây dựng giúp cho bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện, thu hút đầu tư nhiều dự án lớn; quá trình đô thị hóa được đẩy mạnh, đến nay đã hoàn thành việc xây dựng thị trấn Hùng Sơn lên đô thị loại IV và đang tiếp tục thực hiện quy hoạch xã Cù Vân, Yên Lãng trở thành đô thị loại V.

Trong lĩnh vực văn hoá- xã hội có nhiều chuyển biến, chất lượng giáo dục- đào tạo, chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện căn bản. Đảng bộ ngày càng phát triển vững mạnh, hệ thống chính trị được củng cố vững chắc; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ được nâng lên. 

Từ những kết quả đó, huyện đã được ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý như: Cờ thi đua của chính phủ về phong trào xây dựng nông thôn mới; Huân chương lao động hạng nhì; Năm 2019, huyện được Thủ tướng Chính Phủ ra quyết định công nhận là vùng an toàn khu của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp… Những phần thưởng cao quý đó trở thành động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đại Từ quyết tâm thực hiện khát vọng “xây dựng huyện Đại Từ đạt chuẩn nông thôn mới và cơ bản đạt tiêu chuẩn thị xã vào năm 2025”.