Cần quy định mức đóng và thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện linh hoạt hơn

18:20, 27/10/2021

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 27-10, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế và thảo luận về các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT).

Về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đối với 4 tỉnh, thành nêu trên, cơ bản các đại biểu nhất trí với dự thảo và cho rằng nếu được thông qua, đây sẽ là động lực mạnh mẽ giúp các địa phương bứt phá.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét, điều chỉnh một số nội dung như: Ngân sách Trung ương chi cho các địa phương này phải đảm bảo cân đối, phù hợp, đúng nội dung và cần bổ sung quy định về nguyên tắc vay, cơ chế chịu trách nhiệm của địa phương (như: Cam kết đảm bảo trả nợ vay, hiệu quả vốn vay, dự kiến nguồn trả, tính toán mức độ cần thiết phù hợp với khả năng trả nợ của tỉnh, thành mình)… Bên cạnh đó cần xem xét áp dụng thí điểm những cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương khác đề đảm bảo tính vùng miền, bởi trong 4 địa phương trên thì ngoài Hải Phòng, 3 tỉnh còn lại đều nằm ở vùng Bắc Trung Bộ.

Tổ đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên tham gia phiên thảo luận trực tuyến hôm nay (27-10).

Đối với các chính sách, chế độ BHXH và BHYT, các đại biểu tập trung thảo luận về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/Quốc hội khóa XIII về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong 2 năm 2019-2020.

Các đại biểu cho rằng, kết quả thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHYT đã góp phần không nhỏ vào việc thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về an sinh xã hội…

Tuy vậy, một số đại biểu nêu ý kiến: Cần thiết xem xét, quy định mức đóng và thời gian đóng BHXH tự nguyện linh hoạt hơn, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đã và đang tác động nặng nề đến nền kinh tế; có thêm chính sách hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp đóng BHXH tự nguyện; tăng cường chế tài xử lý các đơn vị, doanh nghiệp chậm nộp hoặc trốn đóng BHXH cho người lao động.

Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm có những chính sách hỗ trợ BHYT tốt hơn cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc thiểu số nhằm góp phần tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT.

Sau phát biểu của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế đã giải trình, làm rõ những vấn đề trong thẩm quyền trách nhiệm.