Đề nghị làm rõ nguyên nhân, giải pháp khắc phục về một số bất cập, hạn chế

18:57, 23/10/2021

Chiều nay (23-10), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã nghe các báo cáo liên quan đến lĩnh vực tư pháp và tiến hành thảo luận trực tuyến nội dung này. Chủ trì tại điểm cầu của Tổ ĐBQH Thái Nguyên là đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh (ảnh).

Các báo cáo được trình bày gồm: Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021; Báo cáo công tác năm 2021 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Báo cáo công tác năm 2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Báo cáo về công tác thi hành án năm 2021; Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; Tờ trình dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến và các báo cáo thẩm tra đối với từng nội dung báo cáo này.

Có 36 đại biểu đăng ký tham gia thảo luận trực tuyến. Trong buổi chiều hôm nay, đã có một số đại biểu tham gia thảo luận. Đây là phiên thảo luận trực tuyến đầu tiên tại Kỳ họp này.

Về cơ bản, các đại biểu thống nhất với với các nội dung nêu trong các báo cáo. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng đề nghị làm rõ thêm những nội dung, như: Mặc dù về tổng thể chung, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm giảm, nhưng một số loại tội phạm nghiêm trọng lại gia tăng. Đề nghị Chính phủ cần có đánh giá cụ thể hơn về hiệu quả của công tác phòng ngừa với các loại tội phạm này, các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và giải pháp trong thời gian tới? Xử lý nghiêm những đối tượng tham nhũng lợi dụng công tác an sinh xã hội và tình hình dịch COVID-19 để trục lợi.

Theo báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021, số cuộc thanh tra hành chính, chuyên ngành năm nay giảm so với năm 2020, nhưng số vụ, mức độ vi phạm về kinh tế lại tăng đáng kể; việc thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án kinh tế lại chỉ là 5% trên tổng số tài sản cần thu hồi, giảm mạnh so với năm 2020; nhiều tồn tại lặp lại và kéo dài nhiều năm, một số vấn đề tồn tại trong báo cáo thẩm tra nêu lên từ những năm trước nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến rõ rệt (như việc lót tay trong giải quyết công việc), việc giải quyết khiếu nại, tố cáo rất lớn nhưng việc xử lý chủ yếu vẫn là hành chính, kỷ luật mà ít có kiến nghị xử lý hình sự… Đề nghị Chính phủ trong lần báo cáo sau cần phân tích, có số liệu so sánh với năm trước, từ đó xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan, đánh giá kết quả đạt được thực chất hơn, qua đó có những giải pháp phù hợp, khắc phục tối đa những hạn chế đã được chỉ ra trong báo cáo.

Đối với dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, các đại biểu  đồng tình, thống nhất cao, bởi việc này không chỉ là xu hướng tất yếu của thế giới, mà cũng rất cần thiết trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong nhiều tỉnh, thành hiện nay. Tuy nhiên, việc triển khai các bước cần có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, để đảm bảo các quy định về quyền con người và các quy định pháp luật liên quan khác...

Trong chương trình làm việc ngày mai (24-10), các đại biểu tiếp tục thảo luận về các nội dung nêu trên. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.