Sáng 26-10, các đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV tiếp tục thảo luận và tranh luận trực tuyến đối với Dự án Luật Cảnh sát cơ động. Đây là một trong 5 dự án luật được xem xét cho ý kiến tại kỳ họp lần này.
Tại Phiên thảo luận, đã có 26 đại biểu tham gia phát biểu thảo luận và 7 đại biểu tham gia tranh luận. Các đại biểu đều cho rằng, việc xây dựng Luật Cảnh sát cơ động là rất cần thiết, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho Cảnh sát cơ động thực hiện tốt nhiệm vụ theo yêu cầu của thực tiễn đặt ra, bảo đảm lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Dự thảo Luật phù hợp với Hiến pháp, cơ bản đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng: Để bao quát, toàn diện hơn, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ những quy định mới của dự thảo Luật so với pháp luật hiện hành để tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật và bảo đảm thuận lợi trong tổ chức thực hiện khi Luật được ban hành; cần nghiên cứu quy định cụ thể các trường hợp sử dụng và phạm vi hoạt động của Cảnh sát cơ động để hạn chế tình trạng luật khung, luật ống, tránh chồng chéo với quy định của pháp luật có liên quan; đồng thời cũng là cơ sở để xác định rõ được nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động, thẩm quyền điều động, trường hợp điều động, quy mô điều động Cảnh sát cơ động…
Cùng với đó, các đại biểu đề nghị cần xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp trong thực thi nhiệm vụ của các lực lượng; xác định cụ thể những trường hợp cấp bách Cảnh sát cơ động được huy động người, phương tiện, thiết bị; bảo đảm hoạt động của Cảnh sát cơ động theo đúng quy định tại điểm e, khoản 2, Điều 24 của Luật Quốc phòng về nguyên tắc và trường hợp sử dụng lực lượng vũ trang, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để Cảnh sát cơ động hoàn thành nhiệm vụ…
Sau khi nghe các đại biểu thảo luận, tranh luận, Bộ trưởng Bộ Công an - cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật đã tiếp thu, giải trình và làm rõ những vấn đề mà các đại biểu đã nêu.
Chiều cùng ngày, các đại biểu tiếp tục thảo luận trực tuyến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.