Cách đây 91 năm, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, từ ngày 14 đến 31/10/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đã thông qua Luận cương Chính trị, Điều lệ Đảng và Án nghị quyết về: Công nhân vận động; Nông dân vận động; Cộng sản Thanh niên vận động; Phụ nữ vận động; Quân đội vận động; Vấn đề cứu tế và Hội phản đế đồng minh. Nghị quyết của Trung ương chỉ rõ: "Trong các đảng bộ (từ thành ủy và tỉnh ủy) phải tổ chức ra các ban chuyên môn về giới vận động".
Từ tháng 10-1930, hệ thống ban chuyên môn về các giới vận động của Đảng bao gồm: Công vận, nông vận, thanh vận, phụ vận, quân đội vận, Mặt trận Phản đế được ra đời làm nhiệm vụ tổ chức, tập hợp lực lượng, giáo dục, vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo Dân vận đăng trên Báo Sự thật số ra ngày 15/10/1949.
Tháng 10-1999, trên cơ sở đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã quyết định lấy ngày 15-10 hằng năm là Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và là “Ngày Dân vận của cả nước”.
Đảng ta luôn xác định: Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta, là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta trong điều kiện hội nhập quốc tế càng đòi hỏi phải phát huy cao độ khối đoàn kết và sức mạnh toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại, đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, thực hiện thành công công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Thấm nhuần và vận dụng những quan điểm, tư tưởng đó, những năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều chương trình, đề án, nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận của hệ thống chính trị. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Đề án số 05-ĐA/TU ngày 09/4/2021 về “Tăng cường công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025”; Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 14/7/2021 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Đồng thời, quan tâm chỉ đạo công tác dân vận chính quyền, công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo.
Đồng chí Dương Văn Tiến kiểm tra công tác phòng dịch, động viên, tặng quà cán bộ, chiến sỹ thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly y tế tập trung số 1 huyện Định Hóa.
Từ năm 2018 đến nay, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã phối hợp với Công an tỉnh, Đại học Thái Nguyên, Tỉnh đoàn và các địa phương tổ chức 17 hội nghị tuyên truyền, vận động gần 14.000 lượt học sinh, sinh viên và người nhân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và đấu tranh với các “tà đạo”, tổ chức tự xưng. Từ năm 2016 đến nay, Ban tham mưu triển khai hiệu quả việc tiếp xúc đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, trong đó cấp tỉnh tổ chức tổ chức được 12 cuộc, cấp huyện 158 cuộc và cấp xã được 900 cuộc. Nhờ đó, thời gian qua, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh được giữ vững, không có các “điểm nóng”, bức xúc lớn xảy ra, xã hội ổn định.
Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, hiện nay, tỉnh đang duy trì hoạt động của 1.947 mô hình “Dân vận khéo” trên 4 lĩnh vực (xây dựng hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh). Hệ thống dân vận cơ sở được củng cố và tăng cường, toàn tỉnh có 178 khối dân vận, 2.318 tổ dân vận hoạt động hiệu quả. Để ghi nhận những cố gắng của hệ thống dân vận, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Ban Dân vận Tỉnh ủy đúng vào dịp kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/2020).
Phát huy truyền thống và thành tựu đạt được trong 91 năm qua, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 vào cuộc sống, trong thời gian tới, công tác dân vận cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh việc quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng về vai trò của Nhân dân, dân vận và công tác dân vận. Đặc biệt là Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới"; Quyết định số 23-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị về ban hành "Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị" gắn với triển khai hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác dân vận.
Hai là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Cấp ủy, chính quyền các cấp nghiêm túc chấp hành các quy định về công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân; cầu thị, lắng nghe và xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ những vấn đề cụ thể liên quan đến đời sống, sản xuất của nhân dân.
Ba là, tăng cường công tác dân vận của các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao đạo đức công vụ; chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp xúc đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân.
Bốn là, nâng cao hiệu quả thực hiện dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện; trọng tâm là nâng cao chất lượng thực hiện Quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở. Tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa, thực hiện tốt vai trò “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt” để Nhân dân làm chủ; thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Năm là, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân. Đảm bảo sự lãnh đạo thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
Sáu là, tăng cường công tác dân vận trong phòng, chống dịch COVID-19. Phát huy vai trò của hệ thống dân vận các cấp bám sát cơ sở, địa bàn, nắm chắc tình hình nhân dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, bị mất việc, giãn việc để kịp thời chia sẻ, phối hợp hỗ trợ, tham mưu cho cấp ủy, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền giúp đỡ người dân, góp phần bảo đảm sức khỏe, an sinh xã hội, giữ vững ổn định, trật tự, an toàn xã hội.