Cách mạng Tháng Mười - Cuộc cách mạng của lòng dân

08:17, 07/11/2021

Cách mạng Tháng Mười đã diễn ra cách đây hơn 100 năm nhưng tầm ảnh hưởng của nó vượt mọi không gian, thời gian, dẫn dắt các quốc gia trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Mười - cuộc cách mạng của lòng dân, là động lực và hình mẫu cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

“Ngôi sao chỉ đường” cho cách mạng Việt Nam

Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở đầu và là cột mốc đánh dấu thời đại mới trong lịch sử loài người, đó là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, thời đại làm chủ của người lao động và quần chúng cần lao, xây dựng một chế độ không còn áp bức, bóc lột vì hạnh phúc của đông đảo nhân dân. Chính vì vậy, trong quá trình tìm đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam, từ bài học của cuộc Cách mạng Tháng Mười, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định vai trò chỉ đường, dẫn lối của Cách mạng Tháng Mười đối với cách mạng Việt Nam, đối với việc thực hiện mục tiêu xây dựng chế độ vì hạnh phúc của nhân dân: “Kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười, những thành tựu của Liên Xô là ngôi sao chỉ đường cho chúng tôi trong sự nghiệp xây dựng một cuộc đời hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam”(1).

Cho dù sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Ðông Âu có làm chậm tiến trình đi lên chủ nghĩa xã hội trên thế giới nhưng không thể đảo ngược được xu thế đi lên chủ nghĩa xã hội ở phạm vi toàn cầu. Ðảng khẳng định theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người tất yếu sẽ đi lên chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, kiên định mục tiêu xây dựng một chế độ giải phóng con người khỏi mọi áp bức, bóc lột, kiên định xây dựng chế độ làm chủ của nhân dân ở nước ta không chỉ là nguyện vọng của nhân dân mà còn là xu thế tất yếu khách quan: “Trong bất kỳ điều kiện và tình huống nào, phải kiên quyết thực hiện đường lối đổi mới và mục tiêu đổi mới, kiên định và vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”(2).

Một trong 5 quan điểm chỉ đạo do Ðại hội XIII của Ðảng chỉ ra là: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác -  Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Ðảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Ðảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”(3). Vì vậy, kiên định mục tiêu này là kiên định con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðảng đã lựa chọn con đường Cách mạng Tháng Mười.

Cuộc cách mạng của lòng dân

Có sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng là rất cần thiết và quan trọng nhưng chưa đủ mà cần tập hợp, tổ chức và vận động được nhân dân ủng hộ và tham gia đường lối của Ðảng. Vì vậy, xây dựng được đội quân chính trị và vũ trang hùng hậu từ quần chúng nhân dân tham gia cách mạng, thực hiện các nhiệm vụ của cuộc cách mạng cũng là một bài học quan trọng làm nên thành công của Cách mạng Tháng Mười.

Xác định được tầm quan trọng của quần chúng nhân dân đối với sự thành công của cách mạng, Ðảng Bônsêvích xác định nhiệm vụ quan trọng nhất của toàn Ðảng lúc này là đấu tranh giành đa số giai cấp công nhân và quần chúng nhân dân, thành lập  đội quân chính trị đông đảo và đủ sức lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản, cô lập và đánh bại các đảng thỏa hiệp Mensêvích và xã hội cách mạng. Vì vậy, những người Bônsêvích đã kiên trì đi vào quần chúng công nhân và nhân dân để giáo dục, vận động và tập hợp quần chúng ủng hộ Ðảng và tích cực thực hiện khẩu hiệu của Ðảng. Ðảng nhận thức được rằng chỉ có thông qua đấu tranh, hoạt động cách mạng và tổ chức mới có thể giáo dục và tuyên truyền cho quần chúng.

Cách mạng Tháng Mười thành công vì nó là một cuộc cách mạng có tính chất nhân dân sâu sắc, là sự nổi dậy của đông đảo quần chúng dưới khẩu hiệu “công nông binh liên hiệp lại” không phân biệt đẳng cấp, tôn giáo hay thành phần dân tộc. Thành công của cách mạng là do: “Dưới ánh sáng của Luận cương, Ðảng Bônsêvích đã tập hợp đội ngũ toàn Ðảng, xây dựng thành công một đội quân chính trị ngày càng đông đảo và đủ sức đánh bại các thế lực chống đối, tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng 10”(4).

Lê-nin đã nhiều lần nhấn mạnh về sức mạnh của quần chúng, của việc tập hợp lực lượng đối với sự thành công của cách mạng: “Chúng ta đã giành được đa số trong giai cấp đứng làm đội tiền phong của cách mạng, đội tiền phong của nhân dân và có khả năng lôi cuốn quần chúng theo mình. Chúng ta đã giành được đa số trong nhân dân... Thắng lợi chắc chắn thuộc về chúng ta”(5); “Công nhân Nga có lẽ sẽ không thể giành được chính quyền từ tay giai cấp tư sản nếu không được cảm tình và tín nhiệm của những quần chúng bị áp bức ở miền ngoại vi nước Nga”(6).

Việt Nam đang gặt hái được nhiều thành công trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” vì chúng ta đã tin tưởng và đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga. Lê-nin từng khẳng định: “...Cái ngày vĩ đại ấy càng cách xa chúng ta, thì ý nghĩa của cuộc cách mạng vô sản ở Nga càng trở nên rõ rệt, chúng ta cũng càng suy nghĩ sâu về toàn bộ kinh nghiệm thực tiễn của công tác của chúng ta”(7). Những kinh nghiệm mà cuộc cách mạng này đã để lại cho Việt Nam: “Ði theo con đường do Lê-nin vĩ đại đã vạch ra, con đường của Cách mạng Tháng Mười, nhân dân Việt Nam đã giành được thắng lợi rất to lớn. Chính vì vậy mà mối tình gắn bó và lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam  đối với Cách mạng Tháng Mười vẻ vang, đối với Lê-nin vĩ đại... là vô cùng sâu sắc”(8).

 

(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T.11, tr.180

(2) Ðảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H, 2011,  tr. 21

(3) Ðảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, H, 2021, T.2, tr.324

(4) Lê-nin Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977,T. 3, tr.81

(5) Lê-nin Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, T. 34, tr.324

(6) Lê-nin, Stalin: Về cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười, Nxb Sự thật, H, 1967,tr. 230

(7) Lê nin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tập 44, tr.179

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 15, tr.397