Đa số ý kiến đại biểu phát biểu đều đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch; ghi nhận những cách làm sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh và duy trì hiệu quả các hoạt động phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống nhân dân.
Trong phiên thảo luận tại Hội trường sáng 8-11, các ý kiến đại biểu Quốc hội đều cho rằng việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 có nhiều khó khăn, thách thức phải đối mặt, trong đó lớn nhất là đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, đời sống của nhân dân và tình hình sản xuất, kinh doanh.
Trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ đã nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành, cùng các bộ, ngành, địa phương thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch, vừa duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống nhân dân. Đến nay, tình hình dịch bệnh ở nước ta cơ bản được kiểm soát, các hoạt động kinh tế đang dần được phục hồi trong trạng thái bình thường mới trên tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn, ứng phó hiệu quả với dịch bệnh.
Điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch là phù hợp và cần thiết
Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng, trong khó khăn do đại dịch, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đất nước ta không hề bị tê liệt, chia rẽ mà lại càng nung nấu ý chí vượt qua khó khăn, thách thức để vươn lên; tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết dân tộc ngày càng được củng cố và tăng cường.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (Hà Nam).
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cũng cho rằng, kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, nước ta đã trải qua 4 làn sóng của dịch với nhiều cung bậc cảm xúc, mức độ ảnh hưởng khác nhau. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã chỉ đạo điều hành quyết liệt trong công tác phòng chống dịch với những cách làm sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh, thực hiện mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết, gắn liền với đó là duy trì hiệu quả các hoạt động phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống nhân dân.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đánh giá các biện pháp phòng chống dịch được Chính phủ chỉ đạo thời gian qua là hợp lý, phù hợp với từng giai đoạn, diễn biến cụ thể của dịch bệnh, qua đó đã huy động được sự vào cuộc, sự đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trong kiểm soát dịch bệnh, duy trì phát triển kinh tế-xã hội.
Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa (Nam Định).
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cũng cho rằng Chính phủ chuyển trạng thái chống dịch sang thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát linh hoạt hiệu quả dịch bệnh là cần thiết, phù hợp với bối cảnh tình hình thực tế, song phải hết sức tránh tâm lý chủ quan, lơ là, coi thường dịch bệnh, phải luôn đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; cùng với các giải pháp phòng chống dịch bệnh, nâng cao tỷ lệ bao phủ vaccine, cần hết sức quan tâm xây dựng kịch bản phục hồi, tái cơ cấu kinh tế ở các ngành, lĩnh vực trong trạng thái bình thường mới hiện nay.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) đánh giá báo cáo kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 của Chính phủ rất đầy đủ, số liệu khá rõ ràng. Đặc biệt, Chính phủ đã không né tránh, nhìn thẳng vào những vấn đề hạn chế, tồn tại để có các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
"Sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 là rất linh hoạt và sáng tạo, sát hợp và phù hợp với tình hình dịch bệnh nhất là việc Chính phủ đã chuyển hướng chiến lược từ zezo COVID sang thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh", đại biểu Thịnh ghi nhận.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên làm việc.
"Nhìn thẳng vào sự thật" để có các giải pháp khắc phục
Ghi nhận kết quả thời gian qua, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đề nghị Chính phủ thời gian tới tiếp tục rà soát, "phải có cơ chế, chính sách linh hoạt, tập trung đầu tư cho y tế cơ sở". Mỗi người dân phải có ý thức bảo vệ sức khoẻ của chính mình, không phụ thuộc, phó mặc cho chính quyền, mỗi người dân cần được tuyên truyền, ràng buộc trách nhiệm pháp lý...
Đại biểu Thắng cũng yêu cầu Chính phủ cần tiếp tục xây dựng giải pháp phòng chống dịch "phải bền vững, lâu dài", cần rà soát, đánh giá đầy đủ, xây dựng nhóm chính sách mới để cho nhân dân chủ động phòng chống dịch.
"Tư duy mới là không lơ là chủ quan, thích ứng với tình hình mới, phòng chống dịch bảo đảm phát triển kinh tế bền vững, cuộc chiến chống dịch vừa qua như thử lửa, cần quyết tâm chuyển hướng, cách làm mới để nơi đó nhân dân phải ở vị trí trung tâm, cùng với Chính phủ tự bảo vệ sức khoẻ cho chính bản thân mình", đại biểu Thắng nêu ý kiến.
Mặc dù đánh giá cao việc Chính phủ đã chuyển hướng chiến lược phù hợp từ zero COVID sang thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) cũng cho rằng thực tế chống dịch thời gian qua đã bộc lộ điểm yếu của y tế dự phòng về nguồn lực và trang thiết bị.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang).
Số trung tâm y tế tự phòng cấp tỉnh làm được xét nghiệm PCR rất ít; phần lớn tuyến huyện chưa làm được xét nghiệm PCR, dẫn đến tốc độ xét nghiệm chậm, ảnh hưởng tốc độ chống dịch. Vì vậy, đại biểu Thịnh đề xuất Chính phủ đầu tư nhiều hơn cho y tế dự phòng cơ sở, với phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh".
Để công tác chống dịch thời gian tới hiệu quả hơn, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (T.P Hồ Chính Minh) cho rằng cần nhìn thẳng vào "những mất mát" trong thời gian qua để rút kinh nghiệm.
Theo đại biểu Lan, cần xem lại thực trạng y tế cơ sở, bởi "đây không phải lần đầu tiên nói" vấn đề này. Nhiều địa phương chưa thực hiện đúng chủ trương là dành 30% ngân sách cho y tế dự phòng. Số địa phương thực hiện được điều này là "đếm trên đầu ngón tay". Bên cạnh đó, số ngân sách dành cho công tác này cũng chưa đáng kể so với nhu cầu của người dân.
Do đó, đại biểu Lan đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế có những chính sách cụ thể để nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng cấp cơ sở.