553 đại biểu đại diện cho 27.448 hội viên nhà báo cả nước sẽ về dự Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam với chủ đề “Đoàn kết-Kỷ cương-Đổi mới-Sáng tạo-Phát triển”, diễn ra trong các ngày 29-31/12 tại Hà Nội.
Chiều 23-12, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức họp báo thông tin về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025. Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì họp báo.
Công tác chuẩn bị đã hoàn tất cả về nội dung, nhân sự và văn kiện
Tại họp báo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi thông tin cho biết, Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam dự kiến diễn ra trong 2,5 ngày. Trong khuôn khổ Đại hội sẽ diễn ra Hội nghị đảng viên và phiên trù bị Đại hội XI, được tổ chức tại hội trường Nhà khách La Thành; phiên chính thức Đại hội XI diễn ra tại Hội trường Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô.
Đại hội vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự và chỉ đạo Đại hội. Đại hội có sự tham dự của lãnh đạo các Bộ, Ban ngành ở Trung ương và 553 đại biểu đại diện cho 27.448 hội viên, sinh hoạt trong 288 đơn vị cấp Hội, 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 20 Liên Chi hội, 205 Chi hội trực thuộc Trung ương Hội.
Cùng tham dự Đại hội có các đồng chí nguyên Lãnh đạo Hội qua các thời kỳ; các đồng chí Trưởng, Phó các ban, đơn vị Cơ quan Trung ương Hội và một số đồng chí nguyên Trưởng ban, đơn vị Cơ quan Trung ương Hội đã nghỉ hưu; đại diện lãnh đạo một số cơ quan báo, đài và các cấp Hội Nhà báo; phóng viên, nhà báo tới dự, đưa tin về Đại hội.
Theo ông Hồ Quang Lợi, Đại hội lần thứ XI có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Hội Nhà báo Việt Nam; đánh giá, tổng kết các hoạt động báo chí và hoạt động của Hội trong 5 năm qua; đánh giá việc thực hiện những chủ trương, nhiệm vụ về công tác báo chí nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới; Thông qua Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 và Điều lệ Hội (sửa đổi, bổ sung); xác định phương hướng, nhiệm vụ quan trọng cho nhiệm kỳ XI; bầu Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI (nhiệm kỳ 2020-2025).
Ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh, với phương châm “Đoàn kết-Kỷ cương-Đổi mới-Sáng tạo-Phát triển”, Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, sẽ định hướng cho các cấp Hội Nhà báo Việt Nam và đội ngũ những người làm báo cả nước tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí Cách mạng Việt Nam, chung sức đồng lòng, ra sức phấn đấu xây dựng nền báo chí Cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tính chiến đấu, nhân văn, vì lợi ích của đất nước và nhân dân, vì đất nước hùng cường, thịnh vượng.
Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam kêu gọi các cấp hội, đội ngũ những người làm báo cả nước phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí Cách mạng Việt Nam, tăng cường đoàn kết, phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, chủ động, năng động sáng tạo, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, khó khăn, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu mà Đại hội lần thứ XI đã đề ra, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước, sự tin yêu của nhân dân.
Giữ vững đạo đức làm nghề và lý tưởng làm nghề
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Nhân Dân, ông Hồ Quang Lợi cho biết, công tác chuẩn bị cho Đại hội XI được tiến hành từ năm 2019 và cả năm 2020. Đến năm 2021, do tình hình của dịch, thời gian tổ chức Đại hội đã phải điều chỉnh nhiều lần, đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam vui mừng thông báo công tác chuẩn bị cho Đại hội đã được hoàn tất, cả về nội dung, công tác nhân sự cũng như văn kiện đều được chuẩn bị chu đáo, bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-19.
Phóng viên đặt câu hỏi tại họp báo.
Về một số thành tựu của nhiệm kỳ 2015-2020, ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh, nhiệm kỳ qua Hội Nhà báo Việt Nam các cấp luôn đề cao tinh thần đổi mới sáng tạo, hướng mạnh về cơ sở với những hoạt động thiết thực nhất. Trong đó, đặc biệt coi trọng vấn đề đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho hội viên nhà báo.
“Nhiệm kỳ qua đã tổ chức được 514 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho hơn 21.000 lượt hội viên nhà báo, đặc biệt chú trọng việc trang bị, nâng cao các kỹ năng hiện đại, năng lực công nghệ của hội viên nhà báo”, ông Lợi cho biết.
Bên cạnh đó, theo ông Hồ Quang Lợi, nhiệm kỳ qua Hội Nhà báo Việt Nam đã thực hiện tốt việc hỗ trợ các tác phẩm báo chí chất lượng cao, tổ chức thành công Giải báo chí quốc gia hằng năm, và các hoạt động nghiệp vụ khác. Trong đó, sáng kiến nâng cấp Hội báo Xuân tổ chức 5 năm một lần thành hoạt động Hội báo toàn quốc tổ chức thường niên, đã trở thành sinh hoạt thường niên rất có ý nghĩa của công chúng và giới báo chí cả nước.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ qua, Hội luôn đề cao việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp của hội viên, nhà báo, luôn coi đây là mục tiêu trọng tâm và đặc biệt quan tâm bảo vệ quyền lợi của đội ngũ người làm báo Việt Nam trong thực hiện Quy hoạch báo chí; xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam nằm trong hệ thống bảo tàng quốc gia, trở thành “ngôi nhà chung” lưu giữ truyền thống của giới báo chí cả nước.
“Thành tựu quan trọng và nổi bật nhất trong nhiệm kỳ vừa qua đó là báo chí cả nước đã thực hiện tốt các hoạt động xã hội, nhất là trong đại dịch, các nhà báo đã thể hiện trái tim nhân ái trong thực hiện nghĩa vụ trách nhiệm của mình”, ông Hồ Quang Lợi khẳng định.
Về phương hướng nhiệm kỳ tới, ông Hồ Quang Lợi bày tỏ mong muốn báo chí cả nước đề cao tính nhân văn, “giàu tính chiến đấu nhưng phải nhân văn gắn với xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, tiếp tục đặt trọng tâm vào việc nâng cao trình độ nghiệp vụ của hội viên nhà báo trong bối cảnh chuyển đổi số; tăng cường đổi mới sáng tạo; giữ vững đạo đức làm nghề và lý tưởng làm nghề - là nền tảng, là cốt lõi của hoạt động báo chí; giải quyết tốt vấn đề kinh tế báo chí và nguồn thu của các cơ quan báo chí.