Ngày 18-12, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì Phiên họp lần thứ 14 của Ban Chỉ đạo, cho ý kiến vào Đề án “Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo cử nhân luật” do Ban Cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào chuẩn bị.
Cùng dự phiên họp có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Chỉ đạo: Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an. Phiên họp còn có sự tham dự của các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan.
Về Đề án “Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo cử nhân luật” do Ban Cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo trình, đây là Đề án được hoàn thiện theo Chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo tại phiên họp thứ 12. Đề án nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật thông qua tăng cường các giải pháp kiểm soát chất lượng; tạo nền tảng cho việc nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo chuyên sâu về hành nghề luật, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Mục tiêu đến năm 2026 có 100% chương trình đào tạo cử nhân thuộc nhóm ngành pháp luật đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề xuất 6 nhóm giải pháp thực hiện các mục tiêu, trong đó coi đào tạo cử nhân luật là một ngành đặc biệt và cần có bộ tiêu chí khắt khe để tuyển đầu vào, đầu ra, điều kiện bắt buộc về cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ giảng dạy…
Sau khi nghe các thành viên dự họp nêu ý kiến, phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đề án “Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo luật” có ý nghĩa lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Do đó Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp thu ý kiến, tiếp tục bổ sung Đề án, trong đó cần đưa ra được các giải pháp đột phá nâng cao chất lượng đào tạo luật trong cả hệ thống các cơ sở đào tạo lĩnh vực này mà trước hết là tập trung cho hai trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật T.P Hồ Chí Minh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần triển khai kiên quyết hơn một số biện pháp, thí dụ như đóng cửa các cơ sở đào tạo không đạt yêu cầu về số lượng giáo viên cơ hữu, số lượng sinh viên, giáo trình giáo án, cơ sở vật chất… Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ban hành bộ tiêu chí để nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật. Một nội dung quan trọng là đối với sinh viên luật phải đẩy mạnh giáo dục tư tưởng, quan điểm lập trường, trong đó có việc bảo vệ quyền con người, bảo vệ Đảng, chế độ và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân.
Yêu cầu trong quý I/2022 Đề án phải được phê duyệt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hoàn thiện dự thảo Đề án, Bộ Tư pháp thẩm tra và trình cơ quan có thẩm quyền xem xét phê duyệt.
Đánh giá kết quả thực hiện chương trình công tác năm 2021 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận xét, Ban Chỉ đạo đã hoàn thành các nhiệm vụ đề ra. Công tác cải cách tư pháp đã đóng góp quan trọng vào tổng thể các chương trình, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước đề ra; tiếp tục thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị về công tác tư pháp; đẩy mạnh xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngoài ra, các cơ quan tư pháp cũng đã có nhiều đóng góp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Về nhiệm vụ năm 2022, ngoài 11 chương trình Ban Nội chính Trung ương, Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo đã xây dựng, Chủ tịch nước yêu cầu tập trung vào một số nhiệm vụ quan trọng như dành nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của hệ thống các cơ quan tư pháp; tiếp tục dành thời gian đóng góp và hoàn thành dự thảo Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”…