Từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, then chốt, có ý nghĩa quyết định. Từ đó làm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh; làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng nâng cao phẩm chất, năng lực, trở thành lực lượng có khả năng lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Ngay từ những ngày đầu sau khi thành lập, Đảng ta đã nhấn mạnh việc cần phải “phát triển và củng cố Đảng”, đã tổ chức nhiều lớp huấn luyện đảng viên và cán bộ đảng, tăng cường phát triển đảng viên mới; thi hành kỷ luật đối với các đảng viên phạm lỗi nặng, khai trừ thành phần hủ hóa, thoái lui, kịp thời sửa những sai lầm “tả khuynh”.
Đặc biệt, năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, trong đó nêu rõ: “Ngay từ bây giờ, các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa, và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế, Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công.”
Trong thời kỳ kháng chiến, Đảng đã phát động cuộc “Chỉnh Đảng, chỉnh Quân”, phong trào “Ba xây, ba chống” nhằm củng cố đội ngũ của Đảng lãnh đạo nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc. Nhờ đó, Đảng đã lãnh đạo toàn dân giành độc lập, tự do, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Bước vào thời kỳ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN trên phạm vi cả nước, Đảng đã có nhiều chủ trương, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo đáp ứng yêu cầu lãnh đạo đất nước. Đã thực hiện nghiêm túc việc sửa sai trong cải cách ruộng đất. Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế - xã hội thời kỳ những năm đầu thập niên 80 thế kỷ XX, Đại hội VI của Đảng đã tập trung vào nhiệm vụ: Nâng cao phẩm chất cách mạng của cán bộ, đảng viên; đổi mới đội ngũ cán bộ, kiện toàn các cơ quan lãnh đạo và quản lý; đổi mới phong cách làm việc, giữ vững các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt trong Đảng...
Sau khi Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu tan rã, tình hình thế giới biến động phức tạp, Đảng ta đã xác định xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp bách, có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đối với vận mệnh của chế độ ta và Đảng ta.
Hội nghị Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII đã ban hành Nghị quyết về “Một số vấn đề cơ bản cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”, xác định rõ nhiệm vụ: Tăng cường sự thống nhất trong Đảng về nhận thức, ý chí và hành động, kiên trì đẩy lùi bốn nguy cơ; tập trung chỉ đạo chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tự phê bình và phê bình trong Đảng. Toàn Đảng tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Kể từ Đại hội VIII của Đảng đến nay, trong mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng ta đều đề ra những nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, với nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ, triển khai tổ chức thực hiện tích cực, nghiêm túc với quyết tâm chính trị cao; đã ban hành quy định rõ những điều đảng viên không được làm, quy định về chống chạy chức, chạy quyền, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, quy định về giữ mối liên hệ giữa đảng viên với nơi cư trú, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát với quan điểm không có vùng cấm.
Chính vì luôn tự đổi mới, tự chỉnh đốn, trên cơ sở nắm vững và vận dụng sáng tạo những nguyên lý, quan điểm cơ bản, phương pháp duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và kinh nghiệm thực tiễn ở trong nước và quốc tế, xử lý tốt các mối quan hệ cơ bản, chú trọng xây dựng và lãnh đạo thực hiện cương lĩnh chính trị phù hợp với điều kiện, yêu cầu của từng thời kỳ, giai đoạn cách mạng mà Đảng đã lãnh đạo đất nước ta giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay...”
Để tăng cường hơn nữa nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới, sau Đại hội XIII của Đảng, Hội nghị Trung ương 4 đã ban hành Kết luận số 21-KL/TW “về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Kết luận số 21-KL/TW không chỉ đề cập đến xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả xây dựng hệ thống chính trị, làm rõ hơn những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", "tiêu cực" sát hợp tình hình mới; nhấn mạnh nguy cơ phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường XHCN, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng... của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đồng thời nhấn mạnh các giải pháp về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu có lý tưởng cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; kịp thời miễn nhiệm, cho từ chức, thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín thấp, mắc sai phạm; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm cán bộ vi phạm; tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên…
Để triển khai có hiệu quả Kết luận số 21-KL/TW, các cấp ủy Đảng cần tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; nắm vững và triển khai quyết liệt các nhiệm vụ giải pháp về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, đạo đức trong sáng, đủ năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng; chú trọng kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống. Tăng cường phối hợp giữa kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác giám sát của các cơ quan dân cử, giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; nâng cao chất lượng công tác dân vận của Đảng, củng cố mối quan hệ máu thịt giữa đảng và nhân dân, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tập trung vào những khu vực dễ nảy sinh tiêu cực…