Sáng 27-1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.
Phát biểu ý kiến mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, dịp Tết Nguyên đán này, các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, vừa bảo đảm cho người dân an toàn, nghỉ Tết vui tươi, lành mạnh. Vấn đề đặt ra là phải sẵn sàng các biện pháp nếu tình hình xấu về dịch bệnh xảy ra trong dịp Tết. Vừa qua, Ban chỉ đạo đã phát động chiến dịch thần tốc tiêm chủng mùa Xuân năm 2022, để thực hiện mục tiêu hết tháng 1, trẻ em từ 12-17 tuổi, còn trong quý I từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi thứ 3, trừ các đối tượng chống chỉ định đang làm các thủ tục và tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Trên cơ sở đó mới có thể yên tâm mở cửa trở lại nền kinh tế.
Thủ tướng nhấn mạnh, Nghị quyết Trung ương và Quốc hội đã nhấn mạnh phải ưu tiên số 1 cho nhiệm vụ chống dịch, chống dịch hiệu quả thì mới yên tâm mở cửa trở lại tổng thể nền kinh tế. Do đó, cuộc họp này cần rút kinh nghiệm, định hướng thời gian tới, nhất là dịp nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày. Kinh nghiệm cho thấy đợt dịch lần thứ tư xảy ra vào dịp nghỉ lễ, do đó phải đề cao tinh thần cảnh giác, không lơ là chủ quan.
Theo Bộ Y tế, đến nay dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Tuy vậy, số mắc mới vẫn tiếp tục ghi nhận tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước với khoảng 15.000 ca mỗi ngày.
Việt Nam cũng đã ghi nhận 163 ca bệnh nhiễm biến thể Omicron, trong đó có 6 ca được phát hiện trong cộng đồng; nguy cơ Omicron lây lan trên diện rộng là rất cao.
Trong thời gian tới, với nhu cầu đi lại trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2022, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả biến chủng Omicron và thậm chí có thể sẽ có những biến thể mới khác ngoài Omicron.
Trong bối cảnh dần mở cửa các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế trở lại sẽ làm gia tăng số nhập viện tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt tác động đến các nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh nặng (người già, người có bệnh nền). Bộ Y tế thường xuyên trao đổi với WHO để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này, trên cơ sở đó đề xuất các phương án, biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả phù hợp với diễn biến tình hình dịch.
Sau hơn 3 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong kiểm soát tình hình dịch COVID-19, từng bước khôi phục thị trường lao động, xuất khẩu, thu hút đầu tư; công tác bảo đảm an ninh, trật tự xã hội tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả; công tác an sinh xã hội được tăng cường. Các địa phương và Bộ, ngành đã nghiêm túc tổ chức triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP; Nghị quyết đã tạo được khung pháp lý vững chắc giúp các địa phương ban hành và thực hiện các biện pháp hành chính và chuyên môn y tế phù hợp các cấp độ dịch trên địa bàn.
Đến nay, các địa phương từng bước mở cửa cho các hoạt động đi lại, giao thương, phục hồi sản xuất. Để bảo đảm đời sống dân sinh, phòng, chống dịch, Bộ Y tế đang rà soát, sửa đổi, cập nhật hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch tại Quyết định 4800/QĐ-BYT phù hợp với tình hình mới.
Toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch, được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Hiện có 975 xã, phường cấp độ 3-nguy cơ cao (chiếm 9,2% số xã, phường cả nước); 17 xã, phường cấp độ 4-nguy cơ rất cao (0,2%) tại 9 tỉnh, thành phố.
Tính đến ngày 26-1, Việt Nam đã tiếp nhận 211,9 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, phân bổ 194,2 triệu liều (còn khoảng 17,7 triệu liều đang tiến hành các thủ tục kiểm định chất lượng, xuất xưởng), tiêm được 178,8 triệu liều. Nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên có tỷ lệ tiêm mũi 1, 2, 3 tương ứng 100%, 95,7% và 22,3%; trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm mũi 1, 2 đạt tỷ lệ 95,2% và 86%.
Khu vực phía Bắc được phân bổ 80 triệu liều, tỷ lệ tiêm chủng đạt 93,7% số vaccine phân bổ. Miền Trung phân bổ 23,4 triệu liều, tỷ lệ tiêm chủng đạt 89,2% số vaccine phân bổ. Tây Nguyên phân bổ 8 triệu liều, tỷ lệ tiêm chủng đạt 93,4% số vaccine phân bổ. Miền Nam phân bổ 79,5 triệu liều, tỷ lệ tiêm chủng đạt 93,2% số vaccine phân bổ.
Trong tháng 1-2022, cả nước tiêm chủng được hơn 26,6 triệu liều vaccine (giảm hơn 2 triệu liều so với tháng 12-2021), chủ yếu là tiêm mũi 3 trong tháng vừa qua.