Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư tưởng rèn “đạo đức cách mạng” cho cán bộ, đảng viên

17:06, 02/02/2022

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lấy đạo đức cách mạng làm nền tảng để giáo dục, bồi dưỡng tư cách cán bộ, đảng viên. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác luôn là tấm gương sáng, minh chứng sống động về thực hành đạo đức cách mạng, hết lòng phấn đấu hy sinh cho dân, cho nước. Trong những ngày tháng sống và làm việc tại ATK Định Hóa cách nay 75 năm, Người đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” mà trong đó có nhiều nội dung bàn về đạo đức cách mạng. Cùng với “Sửa đổi lối làm việc”, Người đã để lại nhiều tác phẩm giá trị về vấn đề này mà đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự, đã và đang là kim chỉ nam cho toàn Đảng nhằm đào tạo, rèn luyện cán bộ, đảng viên.

5 chữ vàng “gối đầu giường” cho cán bộ, đảng viên

Hồ Chủ tịch luôn coi đạo đức là nền tảng, khởi nguồn cho mọi thành công hay thất bại trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng. Bác từng viết: Cán bộ có tốt, việc gì cũng xong. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” mà Người dày công viết và sửa lại nhiều lần tại ATK Định Hóa thời kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp có đoạn: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Người đã cụ thể hóa đạo đức của cán bộ, đảng viên ở 5 chữ mà sau này cán bộ ta luôn coi đó là chữ Vàng để tự răn mình, sửa mình, nỗ lực học tập, làm theo, đó là: Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm.

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Nhân” nghĩa là thương yêu, chân thật, hết lòng hết sức giúp đỡ đồng chí, đồng bào. Do đó, những gì có hại cho Đảng, cho dân, cho nước thì phải kiên quyết chống. Cán bộ phải sẵn sàng chịu cực khổ trước mọi người và hưởng hạnh phúc sau thiên hạ. Trước oai quyền không hề sợ, trước khổ cực không e ngại và đặc biệt không ham hố giàu sang, phú quý. Do vậy, chữ “Nhân” theo Bác phải được đặt lên hàng đầu, cán bộ mà có nhân thì “việc gì là việc phải họ đều làm được”.

Chữ “Nghĩa” theo Bác chính là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không giấu giếm. Người đề cao lợi ích tập thể và mong muốn cán bộ phải xốc vác, không nề hà công việc, nhất là việc có lợi cho dân, cho nước. Trong “Sửa đổi lối làm việc”, Người viết: “Ngoài lợi ích của Đảng, không có lợi ích riêng phải lo toan. Lúc Đảng giao cho việc gì, thì bất kỳ to nhỏ, đều ra sức làm cẩn thận. Thấy việc phải thì làm, thấy việc phải thì nói. Không sợ người ta phê bình mình, mà phê bình người khác cũng luôn luôn đúng đắn”.

Với chữ “Trí”, Bác căn dặn cán bộ phải có đầu óc trong sạch, sáng suốt, không tư túi để rồi mù quáng, hành động sai trái. Có trí thì sẽ dễ thấm nhuần lý luận, dễ tìm ra phương hướng đúng đắn, biết xét người, xét việc. Đây là điều mà cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cần phải có để “biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng, biết vì Đảng mà cân nhắc người tốt, đề phòng người gian”.

Đối với cán bộ cách mạng, nhân, nghĩa, trí thôi chưa đủ mà theo Bác cần phải rèn luyện để có lòng dũng cảm, gan góc, gặp việc phải thì có gan làm, cực khổ khó khăn có gan chịu đựng. Đó chính là “Dũng”. Dũng còn được hiểu theo ý, trước những cám dỗ của vinh hoa, phú quý mà không màng. Và dũng ở cấp độ cao hơn là phải có gan “hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát”.

Cuối cùng, Bác muốn cán bộ phải chính trực, ngay thẳng, không tham tiền tài, địa vị, sung sướng cá nhân. Không nghe nịnh nọt, tâng bốc mà hành động sai trái, phải quang minh, chính đại. Nếu có ham thì chỉ một thứ ham đó là “ham học, ham làm, ham tiến bộ”. Đó chính là “Liêm”.

Vạch mặt chủ nghĩa cá nhân

Tư tưởng xuyên suốt của Bác là sống và làm việc vì tập thể, vì lợi ích của Đảng, Tổ quốc và đồng chí, đồng bào. Chủ nghĩa cá nhân là thứ mà Người luôn phê phán, đấu tranh, bài xích.

Trong bài báo “Đạo đức cách mạng” đăng trên Tạp chí Học tập năm 1958 với bút danh Trần Lực, Bác viết: “Chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Mà ai cũng biết rằng xuống dốc thì dễ hơn lên dốc. Vì thế mà càng nguy hiểm”. Bác coi chủ nghĩa cá nhân là kẻ địch thứ ba trong 3 kẻ địch nguy hiểm cần loại trừ, đứng đầu là chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc, thứ hai là thói quen và truyền thống lạc hậu. Bác cũng khẳng định, đạo đức cách mạng trái ngược hoàn toàn với chủ nghĩa cá nhân.

Người lý giải, đạo đức cách mạng chính là: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình…

Trong nhiều tác phẩm về bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường lấy hai mệnh đề đạo đức cách mạng và chủ nghĩa cá nhân để so sánh.

Người muốn cán bộ cách mạng phải hiểu rõ ngọn ngành ý nghĩa của các mệnh đề để phát huy những phẩm chất tốt đẹp của đạo đức cách mạng và loại bỏ chủ nghĩa cá nhân. Người viết: Vì chưa rửa gột sạch chủ nghĩa cá nhân, cho nên có đảng viên còn “kể công” với Đảng. Có ít nhiều thành tích, thì họ muốn Đảng “cảm ơn” họ. Họ đòi ưu đãi, họ đòi danh dự và địa vị. Họ đòi hưởng thụ. Nếu không thoả mãn yêu cầu của họ thì họ oán trách Đảng, cho rằng họ “không có tiền đồ”, họ “bị hy sinh”. Rồi dần dần họ xa rời Đảng, thậm chí phá hoại chính sách và kỷ luật của Đảng.

Trong bài viết “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” đăng trên báo Nhân Dân ngày 3/2/1969, Bác vạch rõ: Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh (...). Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm...

Tóm lại, do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm. Trong “Sửa đổi lối làm việc”, Người cho rằng, chủ nghĩa cá nhân như là một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm. Ví dụ như bệnh tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật, hẹp hòi, địa phương...

Nâng cao đạo đức cách mạng - khó mấy cũng làm

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Đảng ta không phải trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra. Vì vậy, tuy nói chung, thì đảng viên phần nhiều là những phần tử tốt, nhưng vẫn còn một số chưa bỏ hết những thói xấu tự tư tự lợi, kiêu ngạo xa hoa… Bác căn dặn, mỗi cán bộ, đảng viên phải thật thà tự xét mình và đồng chí mình, tự sửa chữa và giúp sửa chữa lẫn nhau. Thang thuốc hay nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình. Người cũng yêu cầu: Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ.

Suốt chiều dài lịch sử xây dựng và phát triển đất nước kể từ khi có Đảng, trong Đảng luôn xuất hiện những “con sâu mọt” làm vấy bẩn sự trong sạch của tổ chức Đảng. Không ít cán bộ, đảng viên đã suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hoá. Tình trạng tham ô, tham nhũng, tiêu cực và vi phạm pháp luật của cán bộ, đảng viên vẫn xuất hiện, gây bức xúc dư luận, trong đó có cả cán bộ cấp cao của Đảng.

Thấm nhuần Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, trong suốt thời gian từ khi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới đến nay, Đảng ta chủ trương đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn đảng. Từ Hội nghị Trung ương 3 (khóa VII) năm 1992, Đảng ta đã bàn về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng; Hội nghị Trung ương 6 lần 2 (khóa VIII) năm 1999 cũng bàn đến "Một số vấn đề cơ bản và cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay". Và hai nhiệm kỳ vừa qua, ngay từ đầu mỗi nhiệm kỳ, Đảng ta tiếp tục bàn và ban hành những nghị quyết, kết luận, quy định hết sức quan trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, lần sau sâu sắc, toàn diện và cụ thể, rõ ràng hơn lần trước.

Mặc dù biết vấn đề chỉnh đốn Đảng, nâng cao đạo đức cách mạng, chống quan liêu, tham ô, tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ không hề đơn giản, một sớm một chiều, nhưng không thể không làm mà phải làm thường xuyên, liên tục, có hiệu quả.

Người đứng đầu Đảng ta hiện nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng ̣(đầu tháng 12/2021), đã khẳng định: Đảng ta phải tiếp tục nâng cao hơn nữa bản lĩnh và trí tuệ, thực sự "là đạo đức, là văn minh"; chúng ta phải nỗ lực hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng ta và hệ thống chính trị nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, đủ sức để lãnh đạo xây dựng, phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn, trong đó có việc phát huy những tác động tích cực, khắc phục những tác động tiêu cực, mặt trái của kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập quốc tế.