Ngày 21-2, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 (khu vực miền Bắc). Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội; Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Trần Quang Phương.
Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì hội nghị tổng kết công tác Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Theo báo cáo tại hội nghị, trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cử tri đã bầu được: 3.721 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; 22.550 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện; 239.788 đại biểu Hội đồng nhân cấp xã. Đây là điều kiện cơ bản để Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 kiện toàn về tổ chức, bộ máy và cán bộ, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
Ngay sau khi có kết quả bầu cử Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026, Hội đồng nhân dân các cấp đã tổ chức kỳ họp thứ nhất. Ở một số địa phương, lãnh đạo Quốc hội và một số đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đến dự, chỉ đạo, gợi mở nhiều vấn đề để Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định công tác nhân sự, các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng-an ninh, thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép, với phương châm tính mạng của người dân là trên hết, không để ai bị bỏ lại phía sau. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã bầu được 177 đồng chí giữ chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân.
Công tác chuẩn bị tổ chức kỳ họp của Hội đồng nhân dân được chỉ đạo, thực hiện cơ bản chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã tổ chức từ 3 đến 6 kỳ họp. Phương thức điều hành kỳ họp có sự linh hoạt, sáng tạo, tổ chức kỳ họp trực tuyến hoặc kết hợp họp trực tuyến với trực tiếp, rút ngắn thời gian kỳ họp nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.
Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở một địa phương đã ban hành ít nhất là 35 nghị quyết, đặc biệt có địa phương ban hành tới 190 nghị quyết, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra. Đây là minh chứng rất rõ nét nhất cho hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Các hoạt động của Hội đồng nhân dân được thông tin kịp thời, được nhân dân và cử tri quan tâm theo dõi.
Hội đồng nhân dân đã thực hiện chức năng giám sát thông qua việc xem xét các báo cáo công tác của các cơ quan nhà nước ở địa phương; hoạt động chất vấn; các phiên giải trình; kết hợp khảo sát và xem xét báo cáo; tham gia cùng với các đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố khi giám sát tại địa phương.
Với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu đã làm rõ những vấn đề còn hạn chế, khó khăn, vướng mắc, rõ người, rõ việc, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm, đồng thời kiến nghị đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, “điểm nghẽn” đã chỉ ra. Nhờ vậy, kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri đạt kết quả cao (87,6%); phần lớn số vụ việc khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết ngay từ cấp cơ sở, qua đó nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VPQH
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động Hội đồng nhân dân
Năm 2022, để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, hai mục tiêu tổng quát được đề ra. Trước hết, Hội đồng nhân dân các cấp tiếp tục đổi mới về phương thức, cách thức tổ chức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động trên cơ sở cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết đảng bộ tỉnh, thành phố và pháp luật của nhà nước.
Triển khai có hiệu quả việc “nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026” để Hội đồng nhân dân thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.
Cùng với đó, Hội đồng nhân dân các cấp chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động 5 năm, hằng năm, nhất là định hướng chương trình xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân trong nhiệm kỳ, trên cơ sở đó ban hành Nghị quyết về chương trình xây dựng nghị quyết và giám sát hằng năm; đề xuất với cấp ủy các nhiệm vụ, giải pháp, góp phần quyết định vào sự phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh trong nhiệm kỳ và nhiều năm tiếp theo, khẳng định rõ nét hơn vị trí, vai trò của Hội đồng nhân dân trong thực tiễn.
Trên cơ sở các mục tiêu tổng quát, 3 phương hướng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân cũng được xác định, bao gồm: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, góp phần hoàn thiện thể chế cho sự phát triển của địa phương; đổi mới về chương trình xây dựng nghị quyết; đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá những thuận lợi, ưu điểm, kết quả nổi bật, những kinh nghiệm quý trong các lĩnh vực hoạt động của Hội đồng nhân dân. Đặc biệt là tính chủ động trong việc xây dựng Nghị quyết hằng năm và cho cả nhiệm kỳ, chương trình hành động thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp các tỉnh, thành phố và công tác đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy đối với hoạt động của HĐND.
Đồng thời, đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân. Phát huy hiệu quả, hiệu lực hoạt động của Hội đồng nhân dân, đồng thời góp phần tăng cường sự chỉ đạo, trách nhiệm hướng dẫn, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như sự gắn kết giữa các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Hội đồng nhân dân các cấp.