Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể (KTTT) và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, được tổ chức tại Hà Nội vào sáng 15-2. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Dự Hội nghị tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng đại diện một số sở, ban, ngành, HTX tiêu biểu của tỉnh (ảnh).
Theo báo cáo tại Hội nghị, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, cùng với quá trình đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực KTTT đã trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau và có sự chuyển biến từ mô hình HTX kém hiệu quả sang mô hình HTX tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Ngoài ra, Luật HTX năm 2012 là khung pháp lý cơ bản giúp cho hoạt động của các HTX chuyển biến cả về chất và lượng.
Tính đến cuối năm 2021, cả nước có trên 27.000 HTX, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2001; các HTX thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động. Doanh thu, lợi nhuận của HTX tăng dần qua các năm; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX tăng từ 44,6 triệu đồng/người/năm lên 52,8 triệu đồng/người/năm…
Đối với tỉnh Thái Nguyên, ngay sau khi Nghị quyết số 13-NQ/TW được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai cụ thể hóa Nghị quyết; phê duyệt, tổ chức thực hiện các chương trình, đề án phát triển KTTT qua các giai đoạn với nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với KTTT, HTX. Tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho các HTX đến nay là 192.866 tỷ đồng…
Tại Hội nghị, một số bộ, ngành, địa phương, các HTX tiêu biểu cũng đã trình bày tham luận về kết quả, những vấn đề phát sinh khi thực hiện Nghị quyết số 13 NQ/TW và thi hành Luật HTX 2012. Cụ thể: Hiệu quả của Luật HTX chưa cao nên đóng góp vào GDP của nền kinh tế còn thấp; số lượng thành viên HTX bị sụt giảm đáng kể; khả năng huy động vốn của HTX rất hạn chế...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển HTX, KTTT phù hợp với tình hình mới, thực tiễn của Việt Nam; tiếp tục vận dụng sáng tạo khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ số trong chuyển đổi nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực hợp pháp để hợp tác phát triển KTTT, nhất là hợp tác công tư.
Thủ tướng đề nghị cần xây dựng mô hình quản trị KTTT, HTX điển hình kết hợp với mô hình KTTT, HTX truyền thống, phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế trong nước và quốc tế; tạo sự cạnh tranh lành mạnh gắn với mở rộng thị trường xây dựng thương hiệu sản phẩm; tăng cường liên doanh liên kết phát triển sản phẩm KTTT, HTX theo chuỗi xây dựng vùng nguyên liệu hợp lý với điều kiện quy mô thị trường theo giai đoạn; nâng cao năng lực trình độ của cán bộ, quản lý HTX, KTTT…