Ngày 9/3, tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga, diễn ra cuộc gặp giữa Ban Công tác cộng đồng Đại sứ quán với lãnh đạo Hội người Việt Nam tại LB Nga, đại diện các hội, đoàn thành viên, các Hội đồng hương, ban liên lạc Hội người Việt Nam tại các tỉnh, thành phố tại LB Nga nhằm tìm hiểu, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tình hình hiện nay, nêu cao tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các hội đoàn cũng như phối hợp hỗ trợ đồng bào Việt Nam tại Ukraine sơ tán sang LB Nga.
Mở đầu buổi gặp mặt, Trưởng Ban Công tác cộng đồng, Tham tán Nguyễn Tùng Lâm cho biết, việc bảo hộ công dân, bảo đảm tính mạng người dân luôn là ưu tiên quan trọng hàng đầu của Đảng và nhà nước ta trong tình hình hiện nay. Hiện có khoảng hơn 3.000 đồng bào ta đã kịp thời sơ tán sang các nước láng giềng Ukraine, chủ yếu tập trung tại các nước phía tây.
Ông Lâm khẳng định, Nhà nước đã chỉ đạo, các cấp, ngành hữu quan cần tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho công dân sơ tán qua LB Nga.
Ông Lâm cũng thông tin về kết quả Đoàn công tác Đại sứ quán đi đón đồng bào sơ tán sang Nga từ Ukraine; cho rằng “mối quan hệ khó khăn” giữa Nga và Ukraine là những trở ngại chính, khiến bà con ta không dám sơ tán qua ngả đường LB Nga, mà dồn sang phía tây, bất chấp dòng người sơ tán về hướng này quá đông.
Đoàn công tác của Đại sứ quán đã chủ động kêu gọi người dân bằng mọi giá hãy sơ tán khỏi vùng chiến sự, qua hai điểm biên giới nối giữa Ukraine và Nga, gồm tỉnh Kharkov giáp với Belgorod (LB Nga) và Donetsk giáp với tỉnh Rostov trên sông Đông (LB Nga). Tổng cộng đoàn đã đón được 23 người, và con số này đang tiếp tục tăng lên.
Ông Lâm cũng thông tin, Đại sứ quán sẽ thu xếp để bà con có thể trở về nước trên chuyến bay sớm nhất, dự kiến vào ngày 12/3 tới.
Toàn cảnh cuộc họp. (Ảnh: QUẾ ANH)
Ông Đỗ Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại LB Nga, nhận định tình hình Nga hiện nay sẽ rất khó khăn và mang tính lâu dài.
Ông nói: “Đây không chỉ là sự va vấp giữa hai quốc gia từng là anh em, mà là sự xung đột giữa các nhóm quốc gia, các nhóm lợi ích khác nhau”; cho rằng trong tình hình này, người Việt Nam tại Nga cần hết sức bình tĩnh, để có những phương cách ứng xử phù hợp nhất. Ông Hoàng cho rằng: “Việc tranh luận ai đúng ai sai trong tình hình hiện nay trong cộng đồng, trên các diễn đàn xã hội là không cần thiết. Thay vào đó, chúng ta cần đoàn kết, tránh tham gia công việc nội bộ của hai nhà nước Nga và Ukraine”.
Ông Đỗ Xuân Hoàng cũng cho rằng, người Việt tại Nga cần có cách hành xử đúng mực, không nên tạo thêm áp lực, gây lo lắng cho người thân tại quê nhà về tình hình sở tại. Ông cũng đề nghị các ý kiến tại cuộc họp cần bám sát mục tiêu đề xuất giải pháp hữu ích, thích ứng tình hình sở tại hiện nay.
Ông Lê Quang Anh, Tham tán công sứ, Trưởng đại diện Bộ Công an tại Nga, cho rằng cuộc gặp gỡ lần này thể hiện tinh thần đoàn kết của người Việt tại Nga cũng như tinh thần sẻ chia, tương thân tương ái đối với cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine. Ông đánh giá cao sự chỉ đạo sát sao của Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Đặng Minh Khôi, khẩn trương nắm vững tâm tư nguyện vọng của bà con, từ đó kịp thời hướng dẫn và hỗ trợ cộng đồng vượt qua khó khăn hiện tại.
Thực tế cho thấy các biện pháp trừng phạt rất quyết liệt hiện nay khiến đồng nội tệ Nga mất giá tới 40% chỉ trong một thời gian ngắn như hiện nay. Điều này không chỉ liên quan nền kinh tế Nga, mà còn tác động không nhỏ công việc kinh doanh của các doanh nghiệp và các tiểu thương Việt Nam tại Nga. Tình hình này đòi hỏi cộng đồng luôn giữ vững truyền thống đoàn kết, và chia sẻ đùm bọc lẫn nhau, cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Phát biểu tại cuộc gặp, ông Lê Công Niệm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam tại LB Nga cho biết cá nhân ông đã trải qua bốn cuộc khủng hoảng lớn tại Nga, trong các năm 1998 (khủng hoảng kinh tế Nga), 2008 (khủng hoảng kinh tế toàn cầu), 2014 (khủng hoảng tại Ukraine dẫn đến đồng nội tệ Nga mất giá đáng kể), và cuộc khủng hoảng hiện nay. Theo ông, ba cuộc khủng hoảng trước chỉ thuần túy về kinh tế, trong khi cuộc khủng hoảng lần này còn mang tính chính trị, quân sự. Nước Nga phải đối mặt các biện pháp trừng phạt vô cùng khắc nghiệt và chưa từng có. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp, người dân Việt Nam làm ăn và sinh sống tại Nga sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Ông cho rằng, cùng với thời gian tình hình sẽ còn khó khăn hơn nữa, khi thực tế cho thấy kịch bản chiến sự chớp nhoáng sẽ khó khả thi. Ông Niệm cho rằng cộng đồng người Việt cần thích nghi các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, cần xác định tinh thần “chiến đấu lâu dài”, những người làm công ăn lương tại Nga có thể sẽ phải rời bỏ sở tại về nước… Ông cho rằng, Đại sứ quán và các cơ quan hữu quan trong nước cần chuẩn bị phương án, giải quyết nhu cầu hồi hương của người Việt tại Nga có thể gia tăng trong thời gian tới.
Phát biểu từ đầu cầu Saint Petersburg, ông Đào Đại Hải, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại cố đô phương Bắc Nga cho rằng tình hình sở tại liên tục thay đổi, những biện pháp thắt chặt của sở tại trong các giao dịch ngoại hối cho thấy các doanh nghiệp cũng như cộng đồng có thể gặp nhiều khó khăn trong thanh toán, giao dịch tiền tệ… Ông cho biết cộng đồng người Việt tại Saint Petersburg chủ yếu là buôn bán nhỏ, sẽ gặp khó khăn lớn khi tỷ giá đồng nội tệ và đồng đô la chênh lệch quá xa. Ông Hải cho rằng cần tuân thủ luật pháp sở tại, và giữ vững đoàn kết, chờ đợi và mong mỏi cuộc khủng hoảng hiện nay sớm kết thúc.
Đại diện Hội người Việt Nam tại Voronezh, Phó Chủ tịch Hội Vũ Huy Lan thông tin vẫn tiếp tục đón thêm được bà con từ Ukraine sơ tán sang, và cho biết bà con ta từ Ukraine rất cảm động và gửi lời cảm ơn sự quan tâm của Đảng, các cấp chính quyền, của đồng bào ta dành cho họ trong lúc hoạn nạn khó khăn hiện nay.
Phát biểu từ đầu cầu TP Krasnodar, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Krasnodar Đỗ Minh Chánh khẳng định Hội luôn sát sao để bà con, đặc biệt là các cháu thanh thiếu niên tuyệt đối không tham gia các hoạt động chính trị của người dân địa phương. Ông Lâm cũng thông tin với đầu cầu Krasnodar về việc bà con ta từ Ukraine có thể sơ tán qua tỉnh miền Nam này của LB Nga vào ngày 12/3 và đề nghị cộng đồng Krasnodar hỗ trợ.
Cộng đồng người Việt tại Kazan cũng thông tin về những khó khăn phát sinh, tuy nhiên trước mắt bà con ta, trong đó có các em sinh viên, đều động viên nhau bình tĩnh, hỗ trợ nhau cùng vượt qua khó khăn.
Chị Phạm Vân Anh, đại diện một doanh nghiệp Việt Nam tại Nga cho rằng cần có một tổ tư vấn để kịp thời giải đáp những lo lắng, hoảng loạn có thể phát sinh trong cộng đồng, liên quan tình hình chiến sự tại Ukraine, trong đó có tâm lý lo ngại chồng, con, (đối với những người có hai quốc tịch), có thể bị gọi nhập ngũ…
Kết thúc cuộc họp, sau hơn 20 ý kiến đóng góp, Trưởng Ban Công tác cộng đồng, Tham tán Nguyễn Tùng Lâm một lần nữa lưu ý các hội đoàn để bà con ta tuyệt đối không tham gia các hoạt động chính trị tại sở tại. Ông cũng khẳng định Ban Công tác cộng đồng Đại sứ quán luôn lắng nghe ý kiến của bà con để kịp thời đáp ứng tâm tư nguyện vọng, tạo điều kiện để bà con yên tâm sinh sống, làm ăn. Ông khẳng định sẽ kiến nghị, tư vấn các cấp chính quyền trong nước về nhu cầu có thể tăng cao trong thời gian tới, mong muốn được về quê hương sinh sống, tránh những ảnh hưởng do tình hình sở tại Nga khó khăn hơn trước.