Chiều 3-3, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội tổ chức Hội nghị thẩm tra báo cáo của Chính phủ về đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 đến năm 2020 và kế hoạch triển khai Dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Dự Hội nghị tại điểm cầu Chính phủ có các đồng chí: Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội; Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.
Dự tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Đặng Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.
Tại Hội nghị, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 đến năm 2020 và kế hoạch triển khai Dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo. Theo đó, Dự án đường Hồ Chí Minh có tổng chiều dài toàn tuyến 3.183km, trong đó tuyến chính dài 2.499km, nhánh phía Tây dài 684km. Dự án được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành các dự án thành phần, thông toàn tuyến từ Pắc Pó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô 2 làn xe; sau năm 2020 phải nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Đến nay, Dự án đã hoàn thành 2.362km/2.744km, đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang triển khai đầu tư 211km; còn lại khoảng 171 km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện.
Đối với Thái Nguyên, Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh có chiều dài khoảng 32km, với điểm đầu tại xã Yên Ninh (Phú Lương), giáp ranh với huyện Chợ Mới (Bắc Kạn); điểm cuối tại đèo Muồng (Định Hóa), giáp ranh tỉnh Tuyên Quang, có tổng mức toàn dự án 2.726 tỷ đồng. Đến nay, đoạn Chợ Mới - Chợ Chu (Định Hóa) đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2018 với chiều dài hơn 17km, rút ngắn về khoảng cách và thời gian lưu thông giữa các địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn.
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải nêu rõ, tuyến đường Hồ Chí Minh sau khi đưa vào khai thác, sử dụng đã có sức lan tỏa lớn, tạo động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh cho tỉnh Thái Nguyên, đặc biệt là tại An toàn khu Định Hóa, địa danh có ý nghĩa lớn về mặt lịch sử cách mạng. Việc Trung ương tiếp tục thực hiện đầu tư Dự án đường Hồ Chí Minh sẽ có ý nghĩa quan trọng đưa huyện Định Hóa về đích nông thôn mới. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, sớm bố trí kinh phí để thực hiện giai đoạn 2 của Dự án đoạn từ Chợ Chu đến ngã ba Trung Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Thái Nguyên cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải trong quá trình triển khai thực hiện Dự án giai đoạn tiếp theo, đảm bảo chất lượng, tiến độ và tuân thủ theo quy định pháp luật.
Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến tham luận, phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đơn vị liên quan tập trung nguồn lực thông tuyến 2 làn xe toàn bộ Dự án đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 66/2013/QH13 của Quốc hội; đề nghị các đơn vị liên quan tiếp thu ý kiến của các đại biểu, đánh giá tổng thể báo cáo để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong tháng 3-2022.