Khơi thông “điểm nghẽn” để doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục phát triển

15:20, 24/03/2022

Ngày 24-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế - xã hội”.

Tham dự tại điểm cầu Thái Nguyên có các đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan và đại diện các DNNN, doanh nghiệp có vốn Nhà nước đang hoạt động trên địa bàn (ảnh).

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định vai trò to lớn của các DNNN trong ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước qua nhiều thời kỳ. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của các DNNN trong thời gian qua, chưa thể hiện được vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, hướng dẫn, thu hút, thúc đẩy các thành phần khác phát triển. Ngay sau Hội nghị này, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết với các nhiệm vụ và giải pháp để thúc đẩy đổi mới, nâng cao hiệu quả nhằm huy động nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế - xã hội.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2020, Việt Nam còn khoảng 500 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và gần 200 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, tập trung hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như: Quốc phòng - an ninh; nông - lâm nghiệp và công trình thủy lợi; hoạt động công ích như đô thị, chiếu sáng, cấp thoát nước... Trong thời gian 1 ngày, đại diện các bộ, ngành, địa phương và DNNN đã đóng góp nhiều ý kiến tham luận chỉ ra những hạn chế, tồn tại, phân tích nguyên nhân và đưa ra các giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN trong thời gian tới.

Đối với Thái Nguyên, thời điểm năm 1998, toàn tỉnh có 54 DNNN. Sau khi hoàn thành sắp xếp chuyển đổi, thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước thành công, đến nay, tỉnh đang quản lý 4 công ty TNHH MTV do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và 5 doanh nghiệp cổ phần có vốn Nhà nước (dưới 50% vốn điều lệ). Nhìn chung, các doanh nghiệp sau khi sắp xếp, chuyển đổi và thoái vốn đã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao trình độ quản lý cũng như chủ động trong việc đầu tư sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường... Vì vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn, nộp ngân sách Nhà nước đầy đủ và thu nhập của người lao động cũng được nâng lên…