Mặc dù đã lùi xa gần nửa thế kỷ vào dĩ vãng, nhưng dư âm và hậu quả của cuộc chiến tranh xâm lược do Mỹ tiến hành trên đất nước Việt Nam 47 năm trước đây cũng như khí phách dân tộc Việt Nam vẫn còn ghi tạc. Những bài học lịch sử, những đánh giá, nhìn nhận, trong đó có báo chí từ cuộc chiến tranh đó cho đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị, bởi nó không chỉ lý giải về sự thất bại của cường bạo trước sức mạnh chính nghĩa, của khát vọng độc lập, tự do…
Báo chí đã lên tiếng…
Tội ác mà quân đội Mỹ đã gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam là không thể đong đếm. Chỉ đơn cử: Quân đội Mỹ đã trút xuống hai miền Nam, Bắc Việt Nam hàng triệu tấn bom đạn, lớn hơn bất cứ cuộc chiến tranh nào do Mỹ thực hiện trước đó. Trong vụ thảm sát ở Mỹ Lai (Quảng Ngãi), lính Mỹ đã giết hại hơn 500 người, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Vụ việc bị cố tình che đậy gần hai năm và chỉ sau khi báo chí điều tra ra, sự thật mới bị phơi bày.
Nhiều tờ báo ở Mỹ lúc đó bình luận: "Nước Mỹ và người Mỹ không thể không gánh nặng cảm giác tội lỗi và sự day dứt của lương tâm trước những gì diễn ra ở Mỹ Lai”.
Hay bằng B52, chỉ trong đêm 26/12/1972, toàn bộ 6 khối phố của Khâm Thiên bị phá huỷ, gần 2.000 ngôi nhà bị sập, trong đó có 534 căn nhà sập hoàn toàn. Bom B52 đã cướp đi 283 sinh mạng, trong đó có 40 cụ già, 91 phụ nữ, 55 trẻ em, làm bị thương 266 người. Nhiều gia đình không còn ai sống sót. Và báo chí toàn thế giới đã đưa tin, ngăn chặn bàn tay đẫm máu của nhà cầm quyền Mỹ.
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, có khoảng 58.000 lính Mỹ bị thiệt mạng, hơn 300.000 người lính khác bị tàn phế, mang trong mình thương tật và di chứng da cam/dioxin. Nước Mỹ đã tiêu tốn trên 900 tỷ USD cho cuộc chiến tranh (cả trực tiếp và gián tiếp), một cuộc chiến tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ mà không thu được một kết quả nào ngoài sự thất bại ê chề.
Điều đáng nói ở đây là mặc dù chiến tranh đã đi qua gần 50 năm, nhưng những mặc cảm tội lỗi, những lý giải về sự thất bại của quân đội Mỹ vẫn canh cánh trong lòng nước Mỹ. Lần đầu tiên, vào năm 1988, chính phủ Mỹ buộc phải thừa nhận có khoảng 50.000, tức là 15% trong số lính Mỹ tham chiến tại Việt Nam trở về vẫn còn bị rối loạn tâm thần nghiêm trọng. Một số do mặc cảm về những tội ác gây ra cho người dân Việt Nam, khi họ cầm súng bắn giết những con người vô tội, trong tay không một tấc sắt để tự vệ.
Hồi ký chiến tranh Việt Nam với những lời thú tội và sám hối thật lòng xuất hiện ở Mỹ đã được báo chí liên tục khai thác và công bố. Nhiều tờ báo ở Mỹ đánh giá, đối với những người Mỹ, việc phổ biến quyển nhật ký Đặng Thùy Trâm do cựu sĩ quan Hoa Kỳ Frederic Whitehurst từng tham chiến tại Việt Nam lưu giữ trong mấy chục năm qua, những cuộc hội ngộ đầy cảm động giữa ông và gia đình bác sĩ Đặng Thùy Trâm tại Hà Nội ''đã giúp khép lại một phần nào đó nỗi đau của một thế hệ người Mỹ mang trên mình vết thương chiến tranh''.
Báo chí quốc tế chỉ ra rằng: Bài học rút ra từ sự thất bại của Mỹ là “văn hóa súng đạn” phương Tây không thể khuất phục được “văn hóa truyền thống” phương Đông. Lịch sử chiến tranh đã chứng minh, sức mạnh của đồng tiền và bom đạn Mỹ không khuất phục được tinh thần yêu nước và truyền thống đoàn kết chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
Thế giới đã bước sang giai đoạn mới của lịch sử, trong đó, hòa bình, hợp tác và phát triển đã trở thành xu thế chủ yếu của thời đại; tư duy sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết các vấn đề quốc tế đã trở nên lỗi thời.
Và… góc nhìn của báo chí
Chiến thắng ngày 30/4/1975 của Việt Nam đã làm chấn động địa cầu bởi đối thủ của Việt Nam lúc đó là cường quốc hùng mạnh nhất thế giới. Thời điểm đó và những năm sau này, nói về chiến thắng 30/4/1975, các báo nước ngoài đã dành nhiều bình luận.
Đơn cử: Hãng thông tấn AFP ngày 1/5/1975 viết: “Sự kiện 30/4 tại Việt Nam chính là sự kiện nổi bật nhất năm 1975. Không còn nghi ngờ gì nữa, sự kiện này sẽ có tác động lớn đối với khu vực và toàn thế giới trong tương lai gần”.
AFP cho rằng, chiến thắng năm 1975 của Việt Nam là dấu hiệu cho thấy nhân loại sẽ phải làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn chiến tranh. “Nếu phía Mỹ không bị tổn thương về mặt thể xác thì sự hủy hoại về mặt tâm lý phải gánh chịu không thể tính toán hết. Việt Nam là một cuộc chiến tranh đầu tiên mà Mỹ thất bại trong việc giành chiến thắng và đã đẩy nước Mỹ đến những phân rẽ cay đắng”. Đó là nhận xét của nhà sử học Nigl Cawthorne.
Tờ Thời báo New York công bố tập tài liệu mật ghi chép của Lầu Năm Góc, về chiến tranh Việt Nam với gần 70.000 trang. Điều này khiến người Mỹ hiểu rõ thực chất cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam là tàn bạo và vô nghĩa.
Thời báo Los Angeles viết: “Người Mỹ ra đi, Việt Nam Cộng hòa đầu hàng, nước Việt Nam đã được trả lại cho người Việt Nam”.
Báo Mặt trời Baltimore viết: “Chúng ta bị thương tổn và cảm thấy nhục, nhưng có lẽ chúng ta cũng đã chín chắn hơn lên một chút qua sự kiện chiến sự Sài Gòn – Gia Định”.
Năm 1975, Việt Nam bước ra khỏi cuộc chiến dai dẳng với tâm thế của người chiến thắng, nhưng trước mắt là bộn bề tàn dư. Đường sá, cầu cống, kênh đào bị bom phá hủy trầm trọng. Đồng ruộng đầy rẫy mìn. 5 triệu hecta rừng bị thiêu trụi bởi chất độc màu da cam. 2/3 số làng mạc ở miền Nam bị phá hủy… Không còn cách nào khác, người Việt Nam buộc phải tự vực dậy cứu lấy chính mình. Đó cũng là kết luận của một tờ báo Mỹ.
Bên cạnh những tờ báo lớn, hầu hết các chương trình thuộc 3 hệ thống truyền hình Mỹ tối 1/5/1975 đều dành cho những đoạn phim về cuộc di tản người Mỹ ra khỏi Sài Gòn ngày 29/4/1975 và các tin về giây phút cuối cùng của chế độ được gọi là Việt Nam Cộng hòa, cùng với việc ra đời một chế độ mới tại miền Nam Việt Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng ta đã gửi vào chiến trường cả nghìn nhà báo, nhà văn, nhạc sĩ. Có điều, nhà báo, văn nghệ sĩ của chúng ta đồng thời cũng là chiến sĩ cầm súng chống quân thù. Những tác phẩm văn học, âm nhạc, phóng sự báo chí, điện ảnh được thực hiện trong chiến tranh khốc liệt là những bản hùng ca ca ngợi cuộc sống và chiến đấu của bộ đội và nhân dân, thấm đượm chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cuộc chiến đấu chính nghĩa của chúng ta.
Những tiểu thuyết Gia đình má Bảy của Phan Tứ, Hòn Đất của Anh Đức, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu… hàng nghìn bài báo, phóng sự có giá trị đã góp phần vào thắng lợi cuối cùng. Góp vào chiến thắng 30/4/1975, đã có 511 nhà báo nằm lại chiến trường trở thành liệt sĩ…
Báo chí với góc nhìn nhân văn và những nhận định, đánh giá khách quan của tác giả trong và ngoài nước đã có vị trí trong lòng dân, góp phần tạc vào lịch sử những trang chói lọi.