Không để “đốm lửa nhỏ” lan thành “đám cháy to”

07:33, 22/04/2022

Xác định tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh thường xuyên quan tâm nâng cao hiệu quả hoạt động này, góp phần giải quyết dứt điểm những tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ, không để phát sinh thành vụ việc phức tạp.

Thực hiện Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”, các địa phương trong tỉnh tiếp tục củng cố, kiện toàn, duy trì hoạt động của tổ hòa giải, nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, đặc biệt là chất lượng đội ngũ hòa giải viên. Hiện, Thái Nguyên có gần 2.340 tổ hòa giải, với gần 16.380 hòa giải viên, trong đó, 250 người có trình độ chuyên môn luật. Năm 2021, các tổ hòa giải đã tiếp nhận trên 1.320 vụ việc, hòa giải thành công gần 740 vụ việc (đạt tỷ lệ 55,7%). 

Ở các địa phương, mỗi tổ hòa giải có 8-10 hòa giải viên, là những người uy tín, tương đối am hiểu pháp luật, có khả năng vận động, thuyết phục. Tổ trưởng tổ hòa giải thường là trưởng xóm, tổ trưởng tổ dân phố hoặc bí thư chi bộ; thành viên tổ hòa giải gồm đại diện các hội, đoàn thể: Phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh, nông dân… Nhờ đó, các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong khu dân cư đều được phát hiện và hòa giải kịp thời. Những vụ việc hòa giải không thành đều được chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tránh tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài.

Lấy ví dụ tại Phú Lương, địa phương có tỷ lệ hòa giải thành công các vụ việc cao so với những huyện, thành khác trong tỉnh, công tác hòa giải ở cơ sở được các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc, có sự chỉ đạo, phối hợp của chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và sự ủng hộ của nhân dân. Năm 2021, 247 tổ hòa giải trên địa bàn huyện Phú Lương với gần 1.900 hòa giải viên vừa được kiện toàn, đảm bảo 100% xóm, phố, tiểu khu có tổ hòa giải. 100% các tổ trưởng tổ hòa giải được tham gia tập huấn, tiếp cận văn bản pháp luật liên quan đến nghiệp vụ hòa giải. Các tổ đã tham gia hòa giải 81 vụ, trong đó số vụ thành công là 57 (đạt tỷ lệ trên 70%, cao hơn tỷ lệ trung bình của tỉnh gần 15%).

Bà Trần Thị Yến, thành viên Tổ hòa giải ở cơ sở xóm Tân Bình 2, xã Vô Tranh (Phú Lương), cho biết: Thời gian qua, trong xóm có 6 vụ mâu thuẫn, tổ hòa giải đã hòa giải thành 5 vụ, 1 vụ chuyển lên cấp xã. Trong quá trình hòa giải, chúng tôi lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân cũng như gắn kết tình làng nghĩa xóm.

Tương tự, thời gian qua, TP. Thái Nguyên đặc biệt quan tâm đến việc kiện toàn các tổ hòa giải ở cơ sở. Hiện, toàn thành phố có trên 400 tổ hòa giải, với hơn 2.600 hòa giải viên. Là địa bàn có nhiều dự án, công trình trọng điểm nên việc xảy ra các mâu thuẫn, tranh chấp liên quan đến đất đai ở thành phố tương đối lớn. Bởi vậy, nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở, TP. Thái Nguyên đã cấp phát nhiều tài liệu, thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ hòa giải cho cán bộ, công chức cấp xã và tổ trưởng, tổ phó, hòa giải viên các tổ hòa giải ở cơ sở.

Riêng năm 2021, toàn thành phố có trên 2.100 người đã được tập huấn nghiệp vụ (đạt tỷ lệ gần 81%, vượt gần 6% so với kế hoạch). Các tổ hòa giải tiếp tục được rà soát, kiện toàn, đã tiếp nhận hơn 300 vụ việc, hòa giải thành công trên 160 vụ. Một số phường, xã làm tốt công tác hòa giải (tỷ lệ hòa giải thành công từ 80-100%) như: Tân Long, Hoàng Văn Thụ, Phan Đình Phùng, Trung Thành…

Từ hoạt động hiệu quả của các tổ hòa giải ở cơ sở đã góp phần tháo gỡ được số lượng lớn các vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong cộng đồng, không để “đốm lửa nhỏ” lan thành “đám cháy to”. Qua đó, góp phần giữ gìn tình làng nghĩa xóm, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội tại địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hòa giải ở cơ sở vẫn còn có một số hạn chế. Đó là tỷ lệ hòa giải ở một số địa phương chưa cao, thậm chí có đơn vị xã, phường 1 năm không hòa giải thành công vụ, việc nào. Nguyên nhân là do một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức sâu sắc tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác này nên mặc định coi đây là nhiệm vụ của riêng ngành Tư pháp. Bên cạnh đó, hòa giải viên ở các khu dân cư còn không ít người có trình độ, kỹ năng, điều kiện cập nhật kiến thức pháp luật chưa đầy đủ nên gặp khó khăn trong việc vận dụng pháp luật vào công tác hòa giải. Đây là những vấn đề cần được cấp ủy, chính quyền và ngành Tư pháp tiếp tục quan tâm chỉ đạo để thực hiện trong thời gian tới.