Ngay tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Tinh thần chung, xuyên suốt là việc đưa các dự án luật vào Chương trình phải tính đến đặc thù hoạt động của Quốc hội, quỹ thời gian, nguồn lực, khối lượng công việc thực hiện tại mỗi kỳ họp Quốc hội; chú ý đến khả năng của các cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, bảo đảm nguyên tắc “không giao quá nhiều dự án cho một cơ quan”; đặc biệt coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng; chú trọng tính gối đầu của Chương trình để sắp xếp số lượng dự án cho phù hợp; không bổ sung dự án vào Chương trình ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội, trừ trường hợp thật sự cấp thiết hoặc là dự án triển khai thực hiện nhiệm vụ lập pháp được nêu trong đề án định hướng.
Thời gian qua, không ít chính sách pháp luật được đề xuất trong các dự án luật, nghị quyết còn chung chung, thiếu cụ thể, chưa rõ về nội dung quy định được thiết kế để cụ thể hóa chính sách và do vậy, đánh giá tác động chính sách cũng còn sơ sài, hình thức, không rõ định lượng. Nhiều hạn chế, bất cập vẫn tồn tại như: một số hồ sơ đề nghị xây dựng luật, nghị quyết chưa bảo đảm chất lượng, chưa đầy đủ theo quy định; việc gửi hồ sơ không ít trường hợp chưa bảo đảm thời gian theo quy định; vẫn còn tình trạng dự án đã được đưa vào Chương trình nhưng không chuẩn bị kịp để trình Quốc hội theo đúng kế hoạch. Những hạn chế này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu là do công tác tổ chức thực hiện chưa tốt.
Chương trình xây dựng pháp luật thường xuyên bị điều chỉnh cho thấy tính ổn định của chương trình chưa bền vững, trong khi đây được xem là gốc rễ thuộc quyền lập pháp của Quốc hội. Vì thế, các đại biểu đề nghị xem xét nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt luật hóa sáng kiến của Ðảng đoàn Quốc hội về chiến lược lập pháp, với tầm nhìn xa hơn, căn cơ hơn về xây dựng pháp luật. Nội dung quan trọng khác là cần lấy ý kiến rộng rãi nhân dân về các dự án luật mang tầm mức lớn, có tác động rộng, và quan điểm nhất quán, xuyên suốt là không đưa vào chương trình các dự án luật mà Quốc hội không tán thành.
Ðã có kỳ họp, 7 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến, 7 dự án trình Quốc hội cho thông qua, gây sức ép lớn cho các cơ quan thẩm tra. Sự thay đổi số lượng dự án luật trong chương trình là rất lớn phản ánh tính dự báo chưa cao. Trong khi đó, thời hạn trình dự án luật, nghị quyết cũng gấp gáp.
Ðại biểu Quốc hội và đông đảo cử tri, nhân dân mong muốn các cơ quan soạn thảo có giải pháp khắc phục triệt để những hạn chế nêu trên. Ðịnh hướng, kế hoạch, đề án về yêu cầu lập pháp của cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã được công bố sớm, rõ ràng, thời hạn các đề mục, nội dung yêu cầu cũng được nêu rất cụ thể. Ðó chính là yêu cầu, mục tiêu để các cơ quan trình chủ động đề xuất; chủ động triển khai, thực hiện bảo đảm chất lượng, không vì đáp ứng số lượng, thời hạn mà ảnh hưởng chất lượng lập pháp.