Trước tiên, xin phép độc giả cho tôi giải thích chút ít về việc dùng từ Thủ đô gió ngàn mà không đưa vào ngoặc kép. Số là vào năm 2000, tôi - khi đó là Tổng biên tập Báo Thái Nguyên - về dự Hội nghị Văn nghệ tổ chức tại Hội trường Nhà khách Chinh phủ. Gặp nhà thơ Tố Hữu, tôi có hỏi về câu thơ “Bốn phương lồng lộng Thủ đô gió ngàn”. Ông giải thích: Văn nghệ sĩ đi theo kháng chiến thương nhớ Thủ đô Hà Nội vô cùng. Nay Thủ đô bị chiếm đóng, trên chiến khu Định Hóa có người đứng đầu đất nước đang ở thì đó là Thủ đô gió ngàn, thật thi vị và cũng giúp nguôi ngoai nỗi nhớ… Thành ra danh từ chỉ địa danh này đã mặc định.
Kỳ 1: Mười bẩy ngày Bác ở Vạn Phúc
Trong nhật ký của mình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Chính phủ kháng chiến Lê Văn Hiến nói đến việc cùng với chuẩn bị lâu dài cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ có nhắc và chúng ta đã chuyển lên Việt Bắc để tích trữ muối, không phải vài tấn mà tới 4 vạn tấn. Tôi thấy đây là chi tiết hay mà ít được nhắc tới và cũng muốn lúc nào đó tìm hiểu sâu.
Bác dời Phủ Chủ tịch tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 3/12/1946, vừa đi vừa làm việc và phải mất gần 170 ngày sau Người mới về đến Phủ Chủ tịch tại Thủ đô gió ngàn, cụ thể là đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên. Nhân 75 năm ngày Bác về đến Khau Tý (20/5/2022), tôi nghĩ cũng nên một lần đi lại để nhắc nhớ hành trình rvĩ đại của Bác và những cán bộ kháng chiến.…
Một ngày đầu tháng 5-2022, tôi trở về làng dệt lụa Vạn Phúc. Cách nay 75 năm, nơi này xa xôi lắm, dân cư thưa thớt, vắng vẻ. Còn nay Vạn Phúc nằm ngay giữa quận Hà Đông nhộn nhịp. Công tác bảo tồn bây giờ đã tốt nên Di tích Nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc vào tháng 12-1946 là địa chỉ gắn với sự kiện Bác viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, kêu gọi toàn thể dân tộc Việt Nam đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, mở đầu cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc được quan tâm tu bổ.
Ngôi nhà Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Hồ Chí Minh ở từ ngày 3 đến 19/12/1946, nguyên là của ông Nguyễn Văn Dương, đã dành toàn bộ gác hai để Bác cùng các đồng chí trong đoàn công tác ở và làm việc. Tại đây, ngày 18 và 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng, quyết định phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi cả nước, đề ra đường lối cơ bản của cuộc kháng chiến và thông qua “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” do chính Bác soạn thảo.
Đến năm 1975, ngôi nhà nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tháng 12-1946 tại Vạn Phúc được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia và bản gốc “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia ngày 01/10/2012.
Bản thảo gốc "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo.
Ngược dòng lịch sử, chúng ta thấy: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chấm dứt chế độ thực dân và phong kiến ở nước ta, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tuy vậy, đất nước ta lúc bấy giờ đứng trước hoàn cảnh thù trong, giặc ngoài. Đứng trước dã tâm xâm lược nước ta của thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với toàn Đảng và cả dân tộc sát cánh bên nhau, đưa ra nhiều kế sách nhằm hòa hoãn với quân Tưởng Giới Thạch và sau đó là Pháp để xây dựng và củng cố lực lượng như ký với thực dân Pháp Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946.
Nhưng với dã tâm xâm lược đất nước ta một lần nữa, cuối tháng 11-1946, quân Pháp đánh chiếm Hải Phòng, thị xã Lạng Sơn và Đà Nẵng. Tại Hà Nội, ngày 17/12/1946, chúng phá các công sự của quân dân Thủ đô ở phố Hàng Bún - Yên Ninh, gây đổ máu ở khu vực cầu Long Biên, Cửa Đông. Ngày 18/12/1946, tướng Louis Morlière gửi cho Chính phủ Việt Nam tối hậu thư đòi chiếm đóng Sở Tài chính, giải tán lực lượng tự vệ, bàn giao quyền kiểm soát an ninh ở Hà Nội. Quân Pháp đe dọa, nếu các yêu cầu trên không được thực hiện, chậm nhất sáng 20/12/1946, chúng sẽ hành động.
Để hiệu triệu toàn dân đứng lên chống Pháp và có đường lối chung chỉ đạo thực tiễn, Hồ Chủ tịch đã thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến… Vào lúc 20 giờ ngày 19/12/1946, tiếng đại bác từ Pháo đài Láng hiệu lệnh toàn quốc kháng chiến được phát ra, cuộc kháng chiến chống xâm lược bùng nổ trên phạm vi cả nước. Đêm 19/12/1946, Bác dời Vạn Phúc sau 17 ngày xử lý công việc, chặng đầu của hành trình đi kháng chiến là đây.
Sáng sớm ngày 20/12/1946, qua sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền đi cả nước với quyết tâm cao độ là đánh thắng giặc Pháp xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Tiếp nối hào khí của bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” thời Lý, “Hịch tướng sĩ” thời Trần, “Bình Ngô đại cáo” thời Lê Sơ,... Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là một áng hùng văn bất hủ, chứa đựng những giá trị và tư tưởng mang tính thời đại, là lời hịch động viên cả nước đứng lên chiến đấu bằng thái độ kiên định và dứt khoát. Lời kêu gọi còn là bản cương lĩnh kháng chiến có tính khái quát cao, chứa đựng những quan điểm về đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc và khẳng định niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.
76 mùa xuân đã đi qua, bây giờ Vạn Phúc nằm giữa trung tâm quận Hà Đông, vẫn giữ nghề dệt lụa nhưng đã ở một quy mô lớn, hiện đại hơn nhiều. Sản xuất gắn với thương mại, lụa Vạn Phúc đã đi rất xa, tới gần 100 quốc gia. Phường Vạn Phúc nổi tiếng là nơi có nhiều di tích cách mạng, kháng chiến, văn hoá và tín ngưỡng. Người dân Vạn Phúc vẫn giữ được những tập quán đẹp của một mảnh đất tầm tang canh cửi xưa: Dung dị trong nền văn hoá bản sắc, mềm mại như dải lụa dệt từ những sợi tơ mà con tằm đã rút ruột trả công cho người.
Trong câu chuyện với các lãnh đạo phường còn rất trẻ, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Văn Dự, Phó chủ tịch UBND phường phụ trách Văn hóa - Xã hội Đặng Quang Hải và cả những người dân, ở họ đều toát lên niềm tự hào về những đóng góp của quê hương cho đất nước… Anh Dự, anh Hải chia sẻ: Trên cơ sở quy hoạch đã có,Đảng bộ và nhân dân Vạn Phúc đã, đang và sẽ tiếp tục bảo tồn các giá trị đã có, xây dựng Vạn Phúc giầu mạnh…
(Còn nữa)