Hành trình về Thủ đô gió ngàn của Bác Hồ 75 năm trước (kỳ 2)

09:48, 17/05/2022

Kỳ 2: Xóm Đồi và 8 người được Bác đặt tên Trong nhật ký của mình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Chính phủ kháng chiến Lê Văn Hiến ghi: “Một ngày giữa tháng 11-1946, tình hình giữa ta và Pháp vô cùng căng thẳng. Bác Hồ cho gọi gấp đồng chí Nguyễn Lương Bằng và tôi lên, hỏi: Các chú xem nếu chiến tranh xẩy ra thì vấn đề tài chính, hậu cần có thể chịu đựng được bao lâu? Tôi trả lời cố gắng trì hoãn độ 1 tháng để chuyển máy móc, vật tư lên Việt Bắc…” Trên thực tế, đến ngày 19/12/2946, chúng ta đã thực hiện được khá nhiều việc, trong đó có việc chuẩn bị ATK (An toàn khu) nơi núi rừng Việt Bắc.

Trong bài báo trước, chúng tôi đã giới thiệu về Vạn Phúc - nơi Bác ở và làm việc từ ngày 3-19/12/1946, trong đó có việc Người viết và đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Từ ngày 20/12/1946, để bảo đảm an ninh, Bác di chuyển nhiều địa điểm thuộc hữu ngạn sông Hồng. Những ngày ấy, công việc vô cùng bộn bề. Hà Nội đang ngày đêm lửa cháy ngút trời. Quân dân Thủ đô đang “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Nhật ký Bộ trưởng Lê Văn Hiến viết: "Ngày 24/12/1946 - Hà Đông, họp Hội đồng Chính phủ, sau khi nghe báo cáo của Hồ Chủ tịch, Bộ Ngoại Giao, Quốc Phòng, ai nấy đều tán thành kháng chiến đến cùng để giành lại nền độc lập hoàn toàn cho dân tộc. Trong một gian phòng kín, bốn bề im ắng, dưới ánh sáng nhỏ của ngọn đèn dầu, sau lời tuyên bố quyết chiến của Bác Hồ, tất cả nắm tay giơ lên, biểu dương tất cả ý chí của một dân tộc. Có mặt tại phiên họp: Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Tôn Đức Thắng, Phan Anh, Bùi Bằng Đoàn, Trần Đăng Khoa, Vũ Đình Hoè, Nguyễn Văn Tạo, Hoàng Hữu Nam, Hoàng Minh Giám, Lê Văn Hiến…Cuộc họp đến 1 giờ sáng, lúc này lửa cháy rực trời phía Hà Nội…”

Ba phần tư thế kỷ đã qua, hôm nay chúng tôi đi lại trên những con đường xưa ấy. Chùa Thầy, chùa Bối Khê, rồi chùa Tây Phương đây! Xứ Đoài mây vẫn trắng thế… Thị xã Sơn Tây với thành cũ, dấu xưa bên cạnh những đại lộ với cao ốc hiện đại; những cái tên địa danh xã thơ mộng: Trung Sơn Trầm, Trạch Mỹ Lộc… Những nơi ấy đều là địa chỉ của những nẻo đường kháng chiến. Đây nữa vẫn thấy những đôi mắt người Sơn Tây nhưng không u uẩn như dạo ấy mà ánh lên niềm tự hào, hạnh phúc…

Tôi bồi hồi bên bờ sông Hồng, nơi có cây cầu Trung Hà. Tại nơi đây, đêm 4/3/1947, Bác cùng Chính phủ đã vượt sông, sang tả ngạn sông Hồng để lên Căn cứ địa Việt Bắc. Cảm xúc dâng trào, tôi nhìn dòng sông đỏ nặng phù sa, cuồn cuộn chảy về xuôi, chợt nhớ những câu thơ nao lòng: “Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm/Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? và “Chuyện bao đời sông biết cả/Đời sông cứ trẻ mãi không già…

Thành phố Việt Trì bây giờ hiện đại, văn minh, núi Nghĩa Linh đất Tổ vua Hùng vẫn còn lưu giữ những câu chuyện từ thời kháng chiến. Đây là một chặng dừng chân của Bác và Chính phủ trên đường lên Chiến khu… Cách đây 75 năm, từ ngày 4 đến 18/3/1947, trên đường lên chiến khu Việt Bắc lãnh đạo kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã dừng chân, ở và làm việc 15 ngày tại xóm Đồi, xã Cổ Tiết (nay là xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, Phú Thọ).

Xác định đây là niềm vinh dự lớn lao và cũng là trách nhiệm to lớn đối với Đảng bộ và Nhân dân Phú Thọ, đồng bào Tam Nông đã đón tiếp, bảo vệ an toàn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Chính phủ trên đường lên chiến khu Việt Bắc.

Trải qua thời gian, nơi đây đã trở thành Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nơi Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân trong toàn huyện thường tổ chức dâng hương, báo công trong mỗi sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, địa phương. Tài liệu được lưu giữ tại Khu lưu niệm xóm Đồi còn ghi rõ thế này: “Sáng sớm ngày 4/3/1947, Bác cùng các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Chính phủ đi từ Trung Hà (Sơn Tây) lên đồn điền Ba Triệu, xóm Ghềnh ở tại nhà cụ Nguyễn Liên - Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Phú Thọ, là bố đẻ của đồng chí Nguyễn Trung - Chủ nhiệm Huyện bộ Việt Minh Tam Nông. Để giữ bí mật, gia đình cụ Liên đã đến ở nhờ nhà khác, nhường toàn bộ ngôi nhà cho khách. Bác ăn, nghỉ và làm việc ở gian chái nhà kho, kề bên nhà chính, còn các đồng chí cùng đi thì ăn, nghỉ và làm việc ở nhà trên. Tuy đi đường mệt nhưng Bác chỉ nghỉ một lúc rồi bắt tay vào làm việc ngay. Tối ngày đó, Bác cùng các đồng chí phục vụ chuyển lên xóm Đồi cách xóm Ghềnh khoảng 2km. Xóm Đồi rất thưa nhà, vườn cây rậm, khuất nẻo. Chủ nhà là ông Hoàng Văn Nguyện, là bố vợ của đồng chí Đỗ Văn Mô - Bí thư Huyện ủy kiêm Phó Chủ nhiệm Huyện bộ Việt Minh Tam Nông. Ngôi nhà lợp lá cọ 5 gian rộng rãi, nền cao, vườn rộng, có nhiều cây cổ thụ và lối vào kín đáo.

Trong thời gian ở đây, với bí danh là Xuân, Bác Hồ đã làm việc rất nhiều. Người cũng đã cho công bố một số tài liệu như: Mười vấn đề cần thiết trong kháng chiến; Thư gửi đồng bào hậu phương, nhắc đồng bào giúp đỡ người tản cư; Thư gửi Giám mục Lê Hữu Từ; Thư gửi đồng bào toàn quốc sau trận Pháp tấn công vào Hà Nội; ký sắc lệnh số 298 ngày 16/3/1947 về việc thành lập Ngoại thương cục; thư gửi Bộ Nội vụ nhắc nhở việc củng cố các Ủy ban Hành chính… Do phải giữ bí mật, không tiếp xúc trực tiếp với cán bộ và nhân dân địa phương, tại đây, Người đã đặt tên cho các đồng chí giúp việc là “Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi”.

Điều đó thể hiện rõ ý nguyện và quyết tâm của Người cũng như của nhân dân Việt Nam. Để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Bác và các cơ quan Trung ương, Ban bảo vệ đã bố trí một Trung đội bộ đội chủ lực do anh hùng Nguyễn Quốc Trị làm Trung đội trưởng. Trung đội này vừa làm nhiệm vụ canh gác bên ngoài vừa phối hợp với dân quân địa phương phòng gian bảo mật. Tối ngày 18/3/1947, sau khi họp Hội đồng Chính phủ xong, Bác và một số cán bộ cùng đoàn di chuyển tiếp sau 15 ngày ở và làm việc tại đây…"

Nơi Bác Hồ về ở và làm việc tại xóm Đồi luôn được đầu tư, tôn tạo, gìn giữ cho muôn đời sau.

(Còn nữa...)