Hành trình về Thủ đô gió ngàn của Bác Hồ 75 năm trước (kỳ 3)

09:08, 18/05/2022

Kỳ 3: Làng Sảo - Nơi Bác ở đầu tiên khi trở lại Tuyên Quang  Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn cán bộ lặng lẽ rời xóm Đồi, xã Cổ Tiết (nay là xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, Phú Thọ) vào đêm 18/3/1947. Lúc này chiến sự đã lan rộng, ta chủ động rút để bảo toàn lực lượng. Việc chuẩn bị hậu cứ cho cuộc kháng chiến trường kỳ cũng đã cơ bản.

Với chỉ đạo nhanh chóng rút lực lượng lên ATK của Hồ Chủ tịch, cho đến đầu tháng 4-1947, việc dời chuyển các cơ quan Đảng và Chính phủ lên Việt Bắc đã hoàn thành. Quân và dân ta đã tập kết 40.000 tấn muối, khoảng 40.000 tấn máy móc, thiết bị, nguyên liệu sau này dùng để xây dựng được 57 cơ sở sản xuất quân giới phục vụ kháng chiến. Ta cũng đã di chuyển cả các máy in báo, in tiền, cơ sở vật chất của bệnh viện, trường học, đài phát thanh lên chiến khu an toàn. Bộ Tổng tham mưu chịu trách nhiệm phân chia các khu vực trong ATK cho các cơ quan Trung ương, Chính phủ, Chủ tịch phủ, Bộ Tổng chỉ huy…

Ngày 2/4/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng lãnh đạo các cơ quan kháng chiến đến thôn Làng Sảo thuộc xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Đây là nơi ở, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên chặng đường trở lại Việt Bắc lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Nhật ký của Bộ trưởng Bộ Tài chính Chính phủ kháng chiến Lê Văn Hiến có ghi: “Ngày 4/4/1946, tình hình vận chuyển muối ở Nho Quan lên Trung Hà gặp nhiều khó khăn, muối bị nghẽn ở Vân Đình rất nhiều… Ngày 7/4/1946, nhận thư Cụ (Bác Hồ - P.V) giục chuyên chở các cơ quan và máy móc phải cấp tốc hơn. Tình hình nghiêm trọng, quân Pháp có thể tấn công… Báo Pháp đưa tin: Quân Pháp do bị hạn chế ở mặt trận Madagascar nên việc mở rộng chiến dịch bao vây chính phủ Cụ Hồ rộng lớn không thành…”.

Làng Sảo xưa chỉ là một xóm nhỏ với hơn chục nóc nhà của đồng bào dân tộc Tày. Nơi này vốn chủ yếu là rừng rậm, nhưng có nhiều đường mòn đi lại thuận tiện đến nhiều nơi trong cả vùng ATK - Tân Trào (Tuyên Quang), sang Đại Từ, Định Hóa (Thái Nguyên). Theo các tài liệu ghi lại, những ngày đầu Bác Hồ ở và làm việc tại nhà ông Ma Văn Hiến. Đến cuối tháng 4-1947, Bác chuyển lên ở và làm việc tại căn lán nhỏ của gia đình bà Đinh Thị Tư ở cánh đồng Củ Đại, sát chân núi Lim.

Để đảm bảo an toàn, thuận tiện cho việc sinh hoạt và làm việc, nhân dân địa phương, các đồng chí cận vệ đã dựng một căn lán nhỏ trên đồi cách cánh đồng Củ Đại hơn 100m. Đầu tháng 5-1947, Bác Hồ chuyển đến ở và làm việc tại căn lán này.

Trong những ngày ở và làm việc tại đây, Hồ Chủ tịch đã chủ trì các phiên họp của Chính phủ, đặc biệt quan tâm đến công tác quốc phòng và tình hình chiến sự. Ngày 25/4/1947, Bác Hồ đã ký Sắc lệnh số 45/SL, thiết lập Tòa án binh tối cao và quy định thành phần, thẩm quyền của Tòa án này. Trong thời gian ở Làng Sảo, Bác Hồ cùng Thường vụ Trung ương Đảng tiếp tục hoàn chỉnh đường lối chiến lược của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Ở Làng Sảo, ngoài lán Bác Hồ còn có lán Bộ Tài chính, trụ sở Phủ Thủ tướng, nơi ở và làm việc của đồng chí Phạm Văn Đồng và một số cơ quan đóng trụ sở làm việc như Bộ Tư pháp, Kho cất giấu ngân khố quốc gia, báo Cứu quốc...

Ngày nay vị trí lán được xây dựng thành Di tích Bác Hồ ở Làng Sảo. Tại thôn Làng Sảo, ngoài điểm di tích chính còn có 12 bia đá ghi dấu những địa điểm đóng trú của các đồng chí lãnh đạo Đảng. Thôn Làng Sảo từ hơn chục ngôi nhà của đồng bào Tày cách đây 75 năm, giờ đã có 116 hộ. Làng Sảo, Hợp Thành hôm nay có nhiều đổi mới với những ngôi nhà mới khang trang, con đường bê tông trải dài từ đầu làng đến cuối xóm, chạy quanh những quả đồi cao, thấp. 

Năm 2021, Làng Sảo cùng với toàn xã Hợp Thành đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ông Biền, Trưởng thôn Làng Sảo bảo: Bà con trong thôn luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng xây nông thôn mới, nếp sống văn minh.

Đồng chí Hoàng Thế Mạnh, Chủ tịch UBND xã Hợp Thành cho biết: Bà con nhân dân Hợp Thành luôn tự hào về quê hương của mình…

Bất chợt, từ miền ký ức nào, tôi nhớ về mấy câu thơ của nhà thơ Nông Quốc Chấn: "Đến Sơn Dương, chẳng thấy sơn dương/Chỉ thấy gái trai bước trên đường/Ngăn suối,nước leo qua mấy núi/Bạt đồi lúa mọc xanh trên nương…” mà thấy trong lòng xốn xang khó tả.

(Còn nữa…)