Hành trình về Thủ đô gió ngàn của Bác Hồ 75 năm trước (kỳ 4)

08:49, 19/05/2022

Kỳ 4: Khau Tý - Nơi dừng chân đầu tiên của Bác tại Thái Nguyên  Chúng ta đã đi qua 3 địa danh tiêu biểu trong hành trình về lại ATK Việt Bắc để lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của Bác Hồ, từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947 là: Làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông), Cổ Tiết (Phú Thọ) và Hợp Thành (Tuyên Quang). Ngày 20/5/1947, Bác về đến đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc, huyện Định Hoá (Thái Nguyên), nơi được chọn xây dựng trụ sở của Chủ tịch nước…

Như chúng ta đã biết, Bác Hồ đã dự liệu tình hình và ngay từ tháng 10-1946, Người cử đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trưởng Ban Tài chính Trung ương Đảng trở lại Việt Bắc chuẩn bị hậu cứ. Một số địa điểm của Định Hoá (Thái Nguyên) và Chợ Đồn (Bắc Kạn) được chọn là căn cứ tuyệt mật của Trung ương Đảng và Chính phủ trong trường hợp phải rời Hà Nội. Tháng 11-1946, Bác quyết định thành lập Đội công tác đặc biệt do đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách và ngay lập tức họ đã lên Việt Bắc. Đội đã quyết định chọn Định Hoá, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên); Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hoá (Tuyên Quang); Chợ Đồn (Bắc Kạn) làm nơi xây dựng ATK Trung ương. Trong đó Thái Nguyên là trung tâm của ATK….

Về nơi làm việc của Bác, Người yêu cầu: “Trên có núi, dưới có sông/Có đất ta trồng, có bãi ta chơi/Tiện đường sang Bộ Tổng/Thuận lối tới Trung ương/Nhà thoáng gió, kín mái/Gần dân, không gần đường…”

Đồi Khau Tý (Điềm Mặc) – nơi Bác ở và làm việc đầu tiên tại ATK Định Hóa thoả mãn các yêu cầu trên. Đồi Khau Tý rộng khoảng 2,3ha, tiếp nối với vài ba quả đồi rừng, nằm hẻo lánh bên cánh đồng Thẩm Doọc, Nà Lạng, Nà Tra. Đồi cao cách mặt ruộng chừng 10 đến 15m, xanh ngát vàu, cọ, có suối Đình chảy quanh. Từ đây có đường mòn ra Quảng Nạp đi Phú Minh, huyện Đại Từ hoặc ra Chợ Chu ngược lên huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), vượt đèo De, núi Hồng sang Tân Trào (Tuyên Quang), một nơi địa lợi nhân hòa, “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” thuận tiện cho việc bảo vệ và liên lạc trong căn cứ địa Việt Bắc và đi toàn quốc.

Ngày 20/5/1947 Bác Hồ cùng 8 chiến sĩ bảo vệ, giúp việc: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi do Người đặt tên bên Phú Thọ, vừa để giữ bí mật vừa là khẩu hiệu sống thể hiện “Quyết tâm kháng chiến của chúng ta” về đến Khau Tý. Tại “Phủ Chủ tịch” đầu tiên tại đồi Khau Tý, căn nhà sàn của Bác được ngăn đôi, có cửa vào đằng trước qua ba bậc cầu thang và cửa thoát phía sau, một bên Bác ở và làm việc, một bên cho bộ phận bảo vệ giúp việc.

Gần cơ quan Phủ Chủ tịch có nơi ở và làm việc của Tổng bí thư Trường Chinh, đồng chí Lê Văn Lương và Văn phòng Trung ương Đảng. Ở xóm bên Phụng Hiển có Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cùng Văn phòng Bộ Quốc phòng; Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Bộ Tổng tham mưu ở xóm Khẩu Tràng, sau sang xóm Bản Quyên; Quyền Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng, Chủ nhiệm Tổng bộ Việt Minh Hoàng Quốc Việt và đồng chí Xuân Thủy cùng Báo Cứu quốc ở xóm Roòng Khoa; điện ảnh và nhiếp ảnh ở đồi cọ Bản Bắc…

Ở Khau Tý, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì nhiều cuộc họp Ban Thường vụ Trung ương Đảng, thường xuyên có mặt đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ và Võ Nguyên Giáp. Cũng tại đây, Bác đã hoàn thiện, cho in và phát hành cuốn “Sửa đổi lối làm việc”- tài liệu rèn luyện Đảng ta, cuốn sách mà đến nay còn nguyên giá trị thời sự.

Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến Thái Nguyên ngày 20/5/1947 tại Điềm Mặc, Định Hoá và rời Thủ đô gió ngàn ngày 12/10/1954 tại căn cứ Đầm Mua, xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ, sau khi Bác viết “Gửi đồng bào và bộ đội nhân Ngày tiếp quản Thủ đô Hà Nội". Trong 9 năm ở ATK Việt Bắc, Bác cùng Bộ Chính trị đưa ra nhiều quyết sách lịch sử và lãnh đạo cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng, đúng như Người từng nói: “Cách mệnh đã do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”. Đó là lời tiên đoán và khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi đồng bào Việt Bắc vài tháng sau ngày Toàn quốc kháng chiến. Thực tế cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta đã chứng minh nhận định của Bác là đúng đắn... 

Tôi xin được kết thúc bài ghi chép tại 4 địa chỉ đỏ trong hành trình tác nghiệp đi lại con đường của Bác về chiến khu 75 năm trước bằng câu nói của Chủ tịch UBND xã Điềm Mặc Phùng Văn Đăng: Cán bộ và Nhân dân Điềm Mặc nguyện đoàn kết, xây dựng cuộc sống hạnh phúc, ấm no là món quà báo công với Bác,chúc mừng sinh nhật Bác mỗi độ tháng 5 về.