Khắc ghi lời dạy của Người (*)

09:41, 13/05/2022

Cuối năm 1936, cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên ở Thái Nguyên được thành lập ở xã La Bằng (Đại Từ). Từ đây, phong trào đấu tranh của nhân dân Thái Nguyên hòa vào cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong suốt thời kỳ hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt cho nhân dân các dân tộc Thái Nguyên. Và, đồng bào các dân tộc Thái Nguyên luôn khắc ghi và thực hiện tốt lời dạy của Người.

Sau ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19/12/1946), thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã phát huy truyền thống đoàn kết, đấu tranh chống âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch, giữ vững chính quyền dân chủ nhân dân, tích cực xây dựng lực lượng mọi mặt để chuẩn bị đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.

Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã đóng góp hàng chục vạn ngày công, hàng vạn mét vải, hàng vạn mét khối gỗ, hàng chục vạn cây tre, nứa, lá cọ… để góp phần đào hầm, xây dựng lán trại, kho tàng, công xưởng...

Tại các vùng ATK, đồng bào các dân tộc đã xác định việc phòng gian, bảo mật, bảo vệ các cơ quan Trung ương đóng tại địa phương là trách nhiệm của mình. Mọi người dân, từ cụ già đến em nhỏ, đều tự giác thực hiện triệt để khẩu hiệu “ba không”. Với phong trào “Toàn dân đóng góp lương thực, thực phẩm”, đồng thời vận động quyên góp “Hũ gạo nuôi quân”, nhiều nơi, nhân dân ủng hộ ruộng đất, trâu, bò, nông cụ... cho các cơ quan, xí nghiệp, các đơn vị bộ đội tăng gia tự túc.

Hưởng ứng lời kêu gọi và theo gương Bác Hồ, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh Thái Nguyên đã có những hành động thiết thực giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Ở các địa phương trong tỉnh, Hội Mẹ chiến sĩ được thành lập và có nhiều hoạt động thiết thực. Các bà, các mẹ vận động chị em đóng góp kinh phí, bông, vải; may, vá quần áo, chăn màn ủng hộ bộ đội, giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ.

Bà Bá Huy ở xã Lục Ba (Đại Từ) là một trong những tấm gương tiêu biểu về việc giúp đỡ thương binh. Bà đã ủng hộ Trại An dưỡng số 1 (cơ sở điều trị, nuôi dưỡng thương binh của Bộ Thương binh và Xã hội được thành lập tháng 7-1947 tại xã Lục Ba) 10 gian nhà gỗ lợp lá cọ và dụng cụ sinh hoạt gồm giường, chiếu, chăn, màn... đủ dùng cho 50 thương binh. Ngoài ra, bà còn ủng hộ thương binh 3 tấn thóc, 3 mẫu ruộng, 1 con trâu và một số nông cụ khác để anh em tăng gia sản xuất, cải thiện cuộc sống. Bà tích cực vận động chị em trong xã đến giặt quần áo, nấu cơm nước giúp đỡ thương binh. Việc làm của bà đã được Bác Hồ viết thư khen ngợi và nêu gương cho mọi người học tập.

Cải cách ruộng đất, từ ngày 25/4/1954, bắt đầu thực hiện đợt 1 ở 47 xã thuộc các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Bình, Phổ Yên (Thái Nguyên) và 6 xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đến đầu tháng 9-1954, đợt 1 cải cách ruộng đất kết thúc. Chúng ta đã tịch thu, trưng thu, trưng mua của địa chủ 24.000 mẫu ruộng, 798 ngôi nhà, 139 tấn thóc, đem chia cho 868 hộ nông dân nghèo; các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể được chấn chỉnh, củng cố...

Thắng lợi của cuộc cải cách ruộng đất đợt 1 ở Thái Nguyên đã nhanh chóng vang dội khắp nơi, góp phần cổ vũ các tầng lớp nhân dân lao động cả nước hăng hái sản xuất, đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến và động viên cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang ở ngoài mặt trận hăng hái tiến lên giết giặc, lập công.

Tại Hội nghị Tổng kết cải cách ruộng đất đợt 1 (ngày 12/9/1954) tại Thái Nguyên, Bác Hồ đến nói chuyện với cán bộ dự Hội nghị. Người khẳng định: “Trong công tác giảm tô và cải cách ruộng đất, về việc chấp hành chính sách, có một số cán bộ làm rất tốt; nhưng cũng có một số làm sai. Giảm tô và cải cách ruộng đất phải nắm vững đường lối chính sách, phải nhận rõ lực lượng chính của ta ở đâu, phải biết dựa vào bần, cố nông, đoàn kết trung nông. Cho nên Trung ương và Chính phủ luôn nêu ra: cần phải đoàn kết nông dân lao động. Nếu biết đoàn kết nông dân lao động thì việc gì làm cũng có kết quả tốt; nếu không biết đoàn kết nông dân lao động thì công việc sẽ không chạy, kéo dài thời gian mà kết quả không tốt”. Thắng lợi của cải cách ruộng đất đã tiếp thêm sức mạnh cho chiến sĩ ta ngoài mặt trận…

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tình cảm đặc biệt và luôn quan tâm dìu dắt, khích lệ cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên phát huy tinh thần yêu nước, hăng hái tiến lên làm tròn nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ.

Người đi thăm nhiều nơi trong tỉnh, tiếp xúc với đồng bào các dân tộc, thuộc đủ các tầng lớp, các giới, các lứa tuổi... Bác đã viết hàng chục bức thư gửi cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc tỉnh nhà. Bác căn dặn đảng viên phải luôn xung phong gương mẫu, đồng bào đoàn kết; Bác nhắc nhở tiết kiệm, trồng cây, bảo vệ rừng... Bức thư nào của Bác cũng chứa chan tình đời, tình người, ân cần, đằm thắm, thiết tha.

Tình cảm đó của Bác đã thấm sâu vào mỗi con tim, khối óc của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên và đồng bào các dân tộc Thái Nguyên luôn khắc ghi lời dạy của Người.

(*) Đầu đề do Toà soạn đặt.