Lắng nghe chuyện kể về Người

09:03, 15/05/2022

Ngay sau Ngày toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ rời Thủ đô chuyển lên Căn cứ địa Việt Bắc. Những nghệ sĩ, trí thức yêu nước đã góp phần làm nên thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 đã nguyện một lòng đi theo Người lên chiến khu. 2/3 thế kỷ đã trôi qua, hôm nay nhắc lại những câu chuyện của các nghệ sĩ, trí thức từng kể về những tháng ngày được sống và làm việc gần Bác lại thấy lòng rưng rưng…

Một trong những nghệ sĩ từng vẽ chân dung Bác Hồ ở Định Hoá là hoạ sĩ Phan Kế An. Hoạ sĩ Phan Kế An (1923 -2018), là một trong những cây đại thụ của nền hội họa Việt Nam thế kỷ XX. Ông sinh tại Sơn Tây (Hà Nội), là con của cụ Phan Kế Toại (Khâm sai đại thần của Chính phủ Trần Trọng Kim, sau Cách mạng Tháng Tám giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Họa sĩ Phan Kế An từng là sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương, một trong những thành viên đầu tiên của Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Trong hồi ký của mình, họa sĩ Phan Kế An đã từng chia sẻ: Trong thời kỳ chống thực dân Pháp ở Việt Bắc, tờ Sự Thật là tờ báo lớn nhất của Đảng. Năm 1948, họa sĩ được Tổng Biên tập Trường Chinh gọi lên và giao nhiệm vụ vẽ chân dung Bác Hồ để đăng báo. Nhận nhiệm vụ, họa sĩ xách thuốc vẽ, giấy bút lên đường. Đi ngựa theo đường mòn qua Ðèo De, lên Khuôn Tát, Ðịnh Hóa (Thái Nguyên), qua trạm giao liên, được hướng dẫn đường đến gặp Bác. Lần đầu được tiếp xúc với Bác, họa sĩ Phan Kế An vô cùng xúc động vì lối sống giản dị, ân cần, quan tâm sâu sắc tới người khác của Bác.

Họa sĩ nhớ lại, trong một lần chơi bóng chuyền với Bác và mọi người. Quả bóng lăn xuống chân đồi, ông định chạy theo thì Bác ngăn lại và bảo: “An không thấy nứa nhọn lởm chởm thế kia à? Ðừng chạy, nguy hiểm lắm”. Sự ân cần của vị Chủ tịch nước gần gũi như tình cha con làm họa sĩ cảm động và nhớ mãi.

Hai tuần tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng ý nghĩa, biết bao bài học sâu sắc mà họa sĩ đã học được từ Người. Sự giản dị trong bữa ăn, lối sống; sự ân cần quan tâm đến từng việc nhỏ; giờ giấc, kỷ luật trong lao động…. đó là những gì mà người họa sĩ- chiến sĩ cảm nhận được sâu sắc khi ở bên Người. Hơn 20 bức tốc họa và ký họa về Người là hơn 20 cảm nhận, yêu kính đối với Bác.

Trong số hơn 20 tác phẩm này, bức ký họa đơn sơ bằng bút sắt đã được Bác cũng như Ban Biên tập chọn đăng trên Báo Sự Thật (tiền thân của Báo Nhân Dân), tháng 12-1948. Cũng từ lần đó, trong sự nghiệp hội họa của họa sĩ Phan Kế An, chủ đề Bác Hồ như mạch nguồn chảy mãi. Dù sau này không được gặp Bác, chỉ vẽ Bác qua trí tưởng tượng với nhiều chất liệu, khổ giấy… khác nhau nhưng tất cả những bức vẽ đều tạc chân dung Người bằng trái tim và tình cảm rất mực kính yêu của người họa sĩ may mắn được gặp Bác.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Năng An (1916-2004), người chụp tấm ảnh nổi tiếng “Bác Hồ tại mặt trận Đông Khê”, phụ trách Ban Nhiếp ảnh tại Văn phòng Bộ Tổng tư lệnh và Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị từ năm 1947 đến kết thúc kháng chiến chống Pháp, nhiều năm được đi theo Bác chụp ảnh tư liệu từng kể: Có lần mới lên Việt Bắc, ông chụp ảnh chân dung Bác rồi tự khen: Trông Bác trong ảnh giống như một ông tiên. Bác nhìn nhà nhiếp ảnh, cười rồi nói: “Ảnh ông Tiên thì không phải là ảnh Bác! Ảnh người, trước hết là phải thực”. Một bài học sâu sắc cho nghệ sĩ nhiếp ảnh về tính chân thật của ảnh tư liệu!.

Nhà làm phim tài liệu Nguyễn Thế Đoàn, tác giả của những thước phim về sinh hoạt hàng ngày của Hồ Chủ tịch ở ATK, như đoạn phim Bác Hồ cởi trần tắm suối, giặt áo, vắt khô rồi phơi trên cái sào nhỏ vác về nhà; đoạn phim Bác đánh bóng chuyền cùng anh em trong cơ quan, gần cây đa; đoạn phim Bác “biểu diễn” thái cực quyền trong bộ áo bà ba, vật ngã một đối thủ, rất thực và sinh động… Trước khi quay, Nguyễn Thế Đoàn đề nghị Bác mặc đẹp để những thước phim này gửi vào miền Nam cho đồng bào cùng xem. Bác không chấp nhận đề nghị đó. Người nói: “Bác như thế nào các chú cứ thế mà quay”. Nhờ vậy mà ngày nay chúng ta được xem những thước phim rất thực về Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc.

Riêng Tiến sĩ, Luật sư Phan Anh, người được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời giao trọng trách Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã có nhiều ấn tượng sâu sắc về Bác. Luật sư Phan Anh đã kể rằng: Kháng chiến toàn quốc, anh em chúng tôi chuyển lên chiến khu Việt Bắc. Hai tiếng “chiến khu” đối với người trí thức lúc đó chứa nhiều bí ẩn… Buổi gặp mặt đầu tiên giữa Bác Hồ với các nhân sĩ trí thức là thành viên Hội đồng Chính phủ tại Việt Bắc diễn ra trong một cái đình nhỏ bằng gỗ, không có đèn, chỉ có đống lửa đốt sáng giữa sân. Mọi người vui mừng nhận ra Bác đầu trùm khăn, ung dung đi ngựa tới. Giọng Bác ấm áp, thân tình đã củng cố tinh thần quyết tâm vượt gian khổ, kháng chiến đến cùng của người nghe.

Đặc biệt, Luật sư Phan Anh cho biết chỉ sau một ngày sống ở rừng núi chiến khu, ông nhận được món quà tinh thần của Bác. Đó là bài thơ Cảnh rừng Việt Bắc. Đây chính là lời nhắn gửi, động viên tinh thần vượt khó để kháng chiến trường kỳ, vừa sâu sắc vừa tinh tế: …Non xanh nước biếc tha hồ dạo/ Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say/ Kháng chiến thành công ta trở lại/ Trăng xưa, hạc cũ với xuân này. Luật sư Phan Anh từng thổ lộ: Nỗi lo của chúng tôi trong quãng đường đầu của kháng chiến dần tiêu tan và niềm vui nẩy nở trong cuộc sống mới.

Hôm nay nhắc lại những câu chuyện về Người với tấm lòng bao dung và tình thương yêu, quan tâm đối với các nhân sĩ trí thức, chúng ta càng thêm kính yêu vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc. Chính lòng bao dung và tình thương yêu ấy đã khích lệ toàn dân, toàn quân ta phát huy hết tài năng cống hiến cho đất nước.

(*) Đầu đề do Toà soạn đặt.