“Như còn đâu đây bóng hình của Bác”

07:31, 20/05/2022

Những ngày tháng Năm lịch sử, cả nước tưng bừng cờ hoa, hân hoan kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, với cán bộ, Nhân dân tỉnh Thái Nguyên còn có một tháng Năm tự hào - ngày 20/5/1947, Người về đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc (Định Hóa) ở và làm việc, lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp. Đã 75 năm trôi qua, nhưng thời gian không phủ mờ, mà dấu ấn về sự kiện trọng đại ấy càng ngời sáng lòng người trên mọi miền đất nước.

Trên suốt dọc đường từ TP. Thái Nguyên về Thủ đô gió ngàn Định Hóa, lời thơ Tố Hữu năm nào cứ vọng ngân từ đáy lòng tôi: “Vui sao một sáng tháng Năm/Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ”. Hào sảng, tươi tắn và gần gụi, bởi lòng bao người mang tâm niệm: “Như còn đâu đây bóng hình của Bác”, một con người vĩ đại mà gần gũi, “Ung dung yên ngựa trên đường suối reo”.

Đi dưới tán rừng vầu, trời đầu Hạ chợt dịu lại một không khí mát lành. Từng bậc đá rêu phong dẫn đến “Phủ Chủ tịch” trên đồi Khau Tý cũng mềm lại, nên bao người về đây đều nhẹ đặt bước chân vì sợ làm mất giấc ngủ của Người. Anh Ma Văn Tâm, hướng dẫn viên văn hóa (Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa) cho biết: Trong thời gian từ ngày 20-5 đến ngày 11/10/1947, Người về ở mái lán Khau Tý trong sự đùm bọc, che chở, bảo vệ của đồng bào các dân tộc huyện Định Hóa.

Một ngôi nhà sàn đơn sơ bưng liếp nứa, mái lợp lá rừng mà chất chứa bao điều kỳ diệu. Tôi đứng lặng ở khoảng sân hẹp trước mái lán, nghe tiếng gió ngàn du dương, vỗ về và gợi lại hình ảnh năm xưa Người ngồi câu cá bên dòng nước Nạ Tra, để bật tứ cho bài thơ “Cảnh khuya”. Để những đêm không ngủ, bên ngọn đèn dầu, Người viết cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc” với bút danh X.Y.Z. Cuốn sách không chỉ có ý nghĩa trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, rèn luyện đạo đức, tác phong cho cán bộ, đảng viên trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quân đội hồi bấy giờ, mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Nhất là ở giai đoạn đất nước đổi mới, hội nhập phát triển, cuốn sách trở thành một cẩm nang, soi rọi, thẩm thấu, là "kim chỉ nam" về tư tưởng giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên tự soi, sửa mình mỗi ngày.

Vầng hoa dâm bụt Bác trồng bên mái lán đồi Khau Tý.

Cũng trong thời gian ở mái lán Khau Tý, Người quyết định lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh toàn quốc. Sau này trở thành ngày Thương binh - Liệt sĩ Việt Nam. Và Người đã chủ trì cuộc họp Ban Thường vụ Trung ương Đảng ban hành chỉ thị phá tan cuộc tấn công của giặc Pháp đánh lên căn cứ địa Việt Bắc.

Vẫn còn đây những dấu xưa - bóng đa cổ thụ, cây trám bùi và một cây nhừ cổ thụ tỏa bóng mát che chở cho mái lán bình yên. Đã bao năm trôi qua, nhưng trên khoảng sân nhỏ Người tập thể dục mỗi sáng vẫn còn đó những xà kép, xà đơn Bác hay dùng rèn luyện sức khỏe. Còn chếch bên mái lán là một vầng dâm bụt Người trồng bốn mùa đơm đỏ màu hoa. Tất cả như đang ở đâu đây có bóng Người cùng các anh cảnh vệ: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi đi lấy măng rừng; ngồi câu cá bên dòng suối.

Cụ Ma Đình Bài, gần 90 tuổi, nhà ở chân đồi Khau Tý, kể: Hồi bấy giờ, dân cư thưa vắng, khu này chỉ có mấy nóc nhà, nhưng được Bác Hồ tin tưởng, lựa chọn làm điểm dừng chân đầu tiên khi về Định Hóa. Mấy đứa trẻ chúng tôi đi chăn trâu vẫn thấy Bác cùng các chú cán bộ đi lại trên đường mòn lên, xuống khu đồi này.

Kề chân đồi Người ở là xóm Bản Quyên. Từ bao đời, người Bản Quyên lựa thế đồi núi mà dựng làng sinh kế, nên hầu hết các nếp nhà sàn đều dựa lưng vào núi, cửa nhà hướng về đồi Khau Tý. Ông Phùng Văn Đăng, Chủ tịch UBND xã Điềm Mặc, phấn chấn: Bởi “Cảnh đẹp nơi đây khó hững hờ”, nên tỉnh đã đầu tư xây dựng xóm Bản Quyên trở thành điểm du lịch cộng đồng. Với ý tưởng khi du khách về thăm di tích “Phủ Chủ tịch” trên đồi Khau Tý, có thời gian nghỉ ngơi, tìm hiểu về những nét đẹp văn hóa dân gian của đồng bào các dân tộc thủ đô gió ngàn Định Hóa.

Còn bà Ma Thị Lan, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Then, đàn Tính xóm Bản Quyên, tự hào: Vốn liếng làm du lịch của người Bản Quyên là những ngôi nhà sàn cổ, hát then, đàn tính, cảnh quan đồi Khau Tý, lòng người chân thành, hiếu khách.

Trong kháng chiến, người Điềm Mặc tham gia giúp đỡ, bảo vệ cách mạng. Ngày đất nước giành lại hòa bình, người Điềm Mặc cùng chung vai góp sức xây dựng quê hương. Dù kinh tế chưa hết khó khăn, nhưng người dân Điềm Mặc lòng ắp đầy niềm tự hào vì sinh ra, trưởng thành trên quê hương được Bác Hồ, Trung ương Đảng lựa chọn làm điểm dừng chân đầu tiên khi về Thủ đô gió ngàn Định Hóa lãnh đạo kháng chiến.

Vinh dự, thiêng liêng lắm, nên mỗi lần trở lại vùng đất này, tôi lại nhớ đến lời nói của cụ Ma Đình Đạt, xóm Bản Quyên: Đây là vùng đất mang trên nó một quá khứ vinh quang. Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp đã tin dân, về ở để lãnh đạo kháng chiến… Cụ Đạt qua đời năm 2001. Trước khi thanh thản rũ bỏ mọi vương vấn hồng trần, cụ tự nguyện hiến 663m2 đất ở đồi Khau Tý cho Nhà nước xây dựng di tích. Theo gương cụ, các hộ dân trong vùng có đất liên quan đều tự nguyện hiến tặng đất cho Nhà nước xây dựng, tôn tạo di tích.

Trong 9 năm làm “nên thiên sử vàng”, trên quê hương Định Hóa, Người đã chuyển qua nhiều chỗ ở khác nhau. Từ đồi Khau Tý vào rừng Khuôn Tát, ra đồi Tỉn Keo… Ở đâu Người cũng ban hành các quyết định quan trọng liên quan đến vận mệnh đất nước. Nhưng nơi được nhiều chính khách quốc tế biết đến là mái lán Tỉn Keo. Bởi mái lán đơn sơ ấy đã che chở, chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng, khởi đầu cho một chiến dịch đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi bán đảo Đông Dương, trong đó có Việt Nam... Ân tình sâu nặng với Thủ đô gió ngàn, nên từ sau ngày hòa bình lập lại năm 1954 đến năm 1964, Người 7 lần trở lại thăm Thái Nguyên. Người động viên cán bộ, nhân dân đoàn kết, ra sức phấn đấu “làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc”.

Vâng lời Người, các thế hệ cán bộ, nhân dân Thái Nguyên luôn đồng thuận, cùng ra sức xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp, cùng cả nước “sánh vai với cường quốc năm châu”.