Tại Hội thảo khoa học “Bác Hồ về An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên quyết định lịch sử mở ra thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến, kiến quốc” do Tỉnh ủy Thái Nguyên tổ chức ngày 20-5, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có bài phát biểu quan trọng làm sáng tỏ và sâu sắc hơn về hoạt động lãnh đạo của Bác, các cơ quan đầu não cách mạng Việt Nam tại ATK Định Hóa, Thái Nguyên. Báo Thái Nguyên trân trọng đăng tải bài phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy.
Thái Nguyên nằm ở vị trí trung tâm vùng Việt Bắc, gạch nối giữa đại ngàn Việt Bắc và vùng châu thổ sông Hồng; là cửa ngõ liên thông giữa vùng trung du, miền núi phía Bắc với vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thái Nguyên vừa đóng vai trò như một bức tường ngăn quân giặc từ phương Bắc tràn xuống cướp phá miền đồng bằng, vừa là điểm xuất phát để quân và dân ta triển khai lực lượng chống quân giặc xâm phạm ở miền biên giới. Vị trí chiến lược hết sức thuận lợi “tiến có thể đánh, lui có thể giữ”, đã đưa Thái Nguyên trở thành phên giậu vững chắc bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay, đồng thời gắn kết Thái Nguyên với sự phát triển của vùng Việt Bắc và cả nước.
Thái Nguyên là quê hương của nhiều danh nhân lịch sử, văn hóa như: Lý Bí tức Lý Nam Đế, vị hoàng đế đầu tiên của nước ta, người đã lãnh đạo nhân dân đứng lên khởi nghĩa, lập nên Nhà nước Vạn Xuân; Thượng tướng quân Lưu Nhân Chú là một trong những tướng quân chiến đấu rất tài trí và dũng mãnh “xông lên trước hãm trận, thu được toàn thắng nổi tiếng một thời”; Dương Tự Minh - Thủ lĩnh phủ Phú Lương thời nhà Lý, đã cầm quân dẹp giặc, bảo vệ vững chắc vùng biên viễn phía Bắc quốc gia Đại Việt…
Thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng, nhân dân Thái Nguyên đã tham gia, hưởng ứng nhiều cuộc khởi nghĩa, trong đó, đặc biệt phải kể đến Khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917 do Trịnh Văn Cấn và Lương Ngọc Quyến lãnh đạo. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử cận đại Việt Nam, một cuộc khởi nghĩa thắng lợi, giải phóng được 01 tỉnh lị, tuyên bố nền độc lập, đặt ra Quốc hiệu là Đại Hùng, Quốc kỳ nền vàng 5 ngôi sao đỏ… Sau 6 tháng chiến đấu, khởi nghĩa Thái Nguyên thất bại, nhưng tinh thần quật khởi của những người tham gia cuộc khởi nghĩa đã cổ vũ mạnh mẽ nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục vững bước trên con đường đấu tranh chống xâm lược, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Cuối năm 1936, cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên được thành lập, góp phần tập hợp, động viên quần chúng tham gia các phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Trong thời kì vận động Cách mạng Tháng Tám (1939 - 1945), Thái Nguyên là tỉnh thuộc địa bàn Khu Giải phóng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), các huyện: Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên) cùng với các huyện: Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) và Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn) trở thành An toàn khu (ATK) Trung ương; trong đó các huyện: Định Hóa, Sơn Dương, Yên Sơn và Chợ Đồn là trung tâm ATK - “Thủ đô kháng chiến” của cả nước.
Tại ATK Định Hóa - Thái Nguyên, Bác Hồ đã cùng Trung ương Đảng họp bàn và quyết định nhiều chủ trương quan trọng, đặc biệt là quyết định mở chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950 và chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đưa cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc đi đến thắng lợi sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, mở ra giai đoạn cách mạng mới cho dân tộc.
Lịch sử cách mạng đã trao cho Thái Nguyên sứ mệnh to lớn. Nhân dân ATK Thái Nguyên đã làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng cao cả, bảo vệ an toàn Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ, góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi. Đặc biệt, ATK Định Hóa - Thái Nguyên là nơi đặt đại bản doanh của Trung ương Đảng, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quân đội, Mặt trận Liên Việt (nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) ở và làm việc trong thời kỳ kháng chiến. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Định Hóa là ATK tuyệt mật nhằm đảm bảo an toàn và ổn định để các đồng chí lãnh đạo chủ chốt lúc bấy giờ làm việc ít phải di chuyển”. Như vậy, cùng với Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên trở thành “Thủ đô gió ngàn” - Thủ đô của đất nước trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, trong đó Thái Nguyên giữ vị trí đặc biệt quan trọng, vị trí trung tâm của “Thủ đô kháng chiến”.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, tại Thái Nguyên đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh và công cuộc xây dựng nền Cộng hoà dân chủ: Tháng 10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh X.Y.Z đã hoàn thành tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”; tháng 6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi Thi đua ái quốc; Bác Hồ ký sắc lệnh và chủ trì lễ thụ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. ATK Thái Nguyên là nơi tổ chức công bố lấy ngày 27/7 hằng năm là Ngày Thương binh - Liệt sĩ; là nơi đầu tiên thể nghiệm chính sách thuế nông nghiệp (tháng 5/1951) của Chính phủ, thí điểm cải cách ruộng đất, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân…
Phát huy truyền thống lịch sử, quê hương cách mạng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên luôn đoàn kết, phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, tăng cường xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, quốc phòng, an ninh ổn định, hoạt động của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, 25 năm tái lập tỉnh, từ một tỉnh nghèo, chậm phát triển, Thái Nguyên đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh đứng đầu của khu vực trung du miền núi Bắc Bộ. Thái Nguyên luôn nỗ lực phát huy vị trí, thế mạnh của tỉnh là trung tâm kinh tế, công nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo của vùng và đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, góp phần vào sự phát triển chung của vùng và cả nước.
Năm 2021, trong điều kiện kinh tế thế giới suy giảm, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,51%, cao gấp 2,5 lần bình quân chung của cả nước; tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân đầu người đạt trên 95 triệu đồng/người, tăng 6,4 triệu đồng/người so với năm 2020; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 844 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7%, đứng thứ 4 cả nước; giá trị xuất khẩu đạt gần 29 tỷ USD, tăng 17,9%, tiếp tục duy trì thứ hạng 4/63 tỉnh, thành phố; tổng thu ngân sách Nhà nước đạt gần 18.000 tỷ đồng, vượt 46,2% (vượt 5.700 tỷ đồng) so với Trung ương giao, tỉnh Thái Nguyên thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố có số thu ngân sách cao nhất cả nước.
Tỉnh Thái Nguyên có 3 thành phố, 6 huyện, trong đó 2 huyện đã đặt mục tiêu phấn đấu cơ bản đạt tiêu chuẩn thị xã vào năm 2025. Tỷ lệ đô thị hóa của Thái Nguyên hiện đạt gần 40%, cao nhất trong các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Công tác thu hút đầu tư được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực, với quan điểm của tỉnh là “Thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của tỉnh”, Thái Nguyên tiếp tục là điểm đến hấp dẫn trong thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài. Vừa qua, Tập đoàn Samsung đã quyết định đầu tư thêm 920 triệu USD vào Dự án Samsung điện cơ tại Khu công nghiệp Yên Bình, nâng tổng mức đầu tư dự án sau điều chỉnh lên 2,27 tỷ USD, góp phần nâng tổng mức đầu tư các dự án FDI (169 dự án) đến nay trên địa bàn tỉnh lên 9,68 tỷ USD.
Một trong những thành tựu nổi bật của Thái Nguyên trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là thực hiện chuyển đổi số. Xác định, chuyển đổi số là “chìa khóa” thành công giúp Thái Nguyên đi trước, đón đầu những thời cơ, thuận lợi mới trong phát triển kinh tế - xã hội, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngày 31/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số, đưa Thái Nguyên trở thành một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước ban hành Nghị quyết về vấn đề này; đồng thời lấy ngày 31/12 hằng năm là Ngày chuyển đổi số của tỉnh. Với mục tiêu phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc, đến năm 2025, thuộc tốp 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Đến nay, sau hơn 01 năm triển khai thực hiện Nghị quyết về Chuyển đổi số đã mang lại hiệu quả thiết thực trên cả 3 lĩnh vực Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số và có tác động toàn diện đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Điển hình như: Đã cung cấp 100% thủ tục hành chính mức độ 4 trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh (hoàn thành từ tháng 5/2021, vượt 08 tháng so với kế hoạch); thành lập Trung tâm Điều hành thông minh của tỉnh; chính thức khai trương mạng 5G; triển khai các ứng dụng nhằm phát triển chính quyền số, xã hội số như: “C-ThaiNguyen”, “ThaiNguyen ID”, Sổ tay Đảng viên điện tử... Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số (trong đó chính quyền số đứng thứ 03/63).
Chuyển đổi số thành công sẽ giúp Thái Nguyên phát huy được hết những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong phát triển công nghiệp đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch kèm theo là phát triển về hệ thống thương mại, dịch vụ, giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… góp phần tạo ra giá trị tăng trưởng mới, thúc đẩy kinh tế, xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Một minh chứng rất rõ ràng là nhờ chuyển đổi số nhanh và hiệu quả kết hợp với sự lãnh đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng và chính quyền các đơn vị mà thời gian vừa qua Thái Nguyên đã vững vàng trong kiểm soát dịch bệnh COVID-19, quản lý các khu cách ly, quản lý người ra vào tỉnh, di biến động nhân khẩu rất hiệu quả, giúp Thái Nguyên hoàn thành được mục tiêu kép, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế, vừa kiểm soát tốt dịch bệnh.
Hội thảo khoa học “Bác Hồ về An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên - Quyết định lịch sử mở ra thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến, kiến quốc” lần này nhằm làm sáng tỏ và sâu sắc hơn về hoạt động lãnh đạo của Bác, các cơ quan đầu não cách mạng Việt Nam ở căn cứ địa Việt Bắc; rút ra những bài học lịch sử để làm nền tảng, kim chỉ nam cho quá trình phát triển quê hương cách mạng trong công cuộc đổi mới hiện nay và cụ thể hóa Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Chúng tôi tin tưởng rằng, kết quả Hội thảo sẽ là động lực to lớn, tiếp nối truyền thống quê hương cách mạng, chiến khu Việt Bắc năm xưa và những thế mạnh, tiềm năng của mình, Thái Nguyên đang và sẽ tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới, phát triển, hướng tới mục tiêu “Trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030” mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc và ngày càng phát triển.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên, tôi xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của đồng chí GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; sự ủng hộ, tạo điều kiện, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Trung ương; sự tham gia nhiệt tình, tâm huyết và đầy trách nhiệm của các nhà khoa học; lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thành phố Hà Nội; các vị đại biểu, khách quý và phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, địa phương. Sự tham gia của quý vị đại biểu, khách quý là nguồn động viên, cổ vũ to lớn đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Thái Nguyên phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
(*) Tiêu đề do Tòa soạn đặt.