Tham luận tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) do Bộ Chính trị tổ chức hôm nay (30-6), nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam thay mặt những người làm báo cả nước khẳng định vai trò quan trọng của báo chí trong PCTNTC. Tại đây, quan điểm “báo chí xây dựng” một lần nữa được nêu ra để “đáp trả tình trạng lá cải hóa, giật gân câu view và định kiến tiêu cực ngày càng tăng trong báo chí hiện đại”…
Thời gia qua, báo chí đã tích cực đi đầu tham gia phát hiện các biểu hiện, hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tệ nạn xã hội. Đồng thời thông tin chính xác các vụ việc cho cơ quan chức năng.
Nhiều vụ việc do báo chí phát hiện đã được đưa ra ánh sáng, xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Điển hình như vụ Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang; vụ Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương…
Báo chí cũng đã phanh phui nhiều công trình, dự án gây thất thoát, lãng phí lớn tài sản của Nhà nước như: Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình, dự án Nhà máy sơ sợi Đình Vũ, dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên… Báo chí cũng góp phần chỉ ra nhiều cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, qua đó làm cơ sở giúp cơ quan chức năng và cuộc xử lý.
Bên cạnh đó, những vụ việc mà báo chí tham gia phản ánh còn có tác dụng tạo dư luận cần thiết thúc đẩy các cơ quan chức năng nhanh chóng đưa các vụ việc ra xử lý. Báo chí cũng góp phần vạch trần âm mưu của các thế lực thù địch nhằm xuyên tạc chủ trương của Đảng ta về công tác PCTNTC. Từ đó khẳng định, Đảng ta rất nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ đối với những hành vi tham nhũng, lãng phí và bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, lãng phí.
Nhà báo Lê Quốc Minh trong tham luận của mình ngoài chỉ rõ vai trò của báo chí đối với công cuộc PCTNTC đã đưa ra những xu hướng tiêu cực mà nhiều cơ quan báo chí mắc phải hiện nay. Đó là báo chí lá cải hóa, giật gân câu view, sai tôn chỉ, mục đích. Ông đưa ra thực tế: Một vụ tấn công chết người, một tai nạn đau thương, một vụ bắt giữ quan chức xảy ra, thế là báo chí đăng tải dồn dập mấy ngày liền. Tất nhiên những sự kiện đó là quan trọng, được nhiều người quan tâm, nhưng trong mấy ngày đó cũng diễn ra nhiều chuyện khác, cũng quan trọng không kém, ấy vậy mà lại ít được chú ý hơn. Ông còn thẳng thắn cho rằng: Cũng không sai nếu nói rằng chúng ta đang sống trong một xã hội bị ngộ độc về thông tin. Từ đó, ông khẳng định, Hội Nhà báo Việt Nam đang thúc đẩy quan điểm “báo chí mang tính xây dựng” theo chủ trương lấy xây để chống.
Báo chí xây dựng không đơn giản là cung cấp những tin tức tích cực - những câu chuyện xúc cảm, mang tính giải trí, tạo cảm giác tươi đẹp về một số chủ đề giới hạn trong cuộc sống. Tin bài theo quan điểm báo chí xây dựng đề cập đến cả những vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, tranh chấp thương mại, bóc trần những vụ tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…, có điều nó đều thực hiện theo cách thức khác với câu hỏi đặt ra là “vậy bây giờ có thể làm gì để có được một xã hội tốt đẹp hơn”. Thậm chí, báo chí phải giúp các cơ quan chức năng sớm phát hiện sai phạm khi còn ở quy mô nhỏ, ở cấp độ thấp.
Thông tin về đấu tranh PCTNTC phải hài hòa giữa xây và chống, trong đó xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Cần chú trọng thông tin tuyên truyền về những việc làm tốt, những điển hình tiên tiến tạo sức lan tỏa, tránh xu hướng đi quá sâu vào những vụ việc tiêu cực, thậm chí phản ánh sai lệch làm nhiễu thông tin, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội…