Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng”. Tham nhũng không những gây thiệt hại về kinh tế mà còn làm suy thoái đạo đức, lối sống của không ít cán bộ, công chức, làm xói mòn lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, với chế độ. Thấm nhuần tư tưởng của Người, Đảng ta đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng. Những kết quả quan trọng đạt được của cả nước nói chung, trong đó có tỉnh Thái Nguyên về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã tạo hiệu ứng tích cực, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, Tỉnh uỷ Thái Nguyên đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo; tái lập Ban Nội chính Tỉnh uỷ (năm 2013) với chức năng là cơ quan tham mưu cho Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng và tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ, nhất là công tác phát hiện, xử lý vụ việc tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò của công tác phòng, chống tham nhũng được nâng lên.
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý là Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng quy chế làm việc, trong đó quy định Thường trực Tỉnh uỷ chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng. Bí thư Tỉnh uỷ trực tiếp nắm và chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng.
Bí thư cấp uỷ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, quyết liệt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện nghiêm túc Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm người đứng đầu cấp uỷ trong tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý phản ánh, kiến nghị của dân.
Nội dung thanh tra, kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng cũng được đưa vào Chương trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025; chương trình kiểm tra, giám sát toàn khoá; chương trình công tác trọng tâm phòng, chống tham nhũng hàng năm của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.
Trên cơ sở quyết tâm và chỉ đạo của Tỉnh uỷ, cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền các cấp đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống tham nhũng và mang lại hiệu quả tích cực. Cụ thể là thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động. UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị chủ động rà soát, bổ sung, sửa đổi, ban hành văn bản và công khai kết quả thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, nhất là trong lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước, tài sản công, đầu tư xây dựng… Thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp và văn hoá công vụ; định kỳ chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức; cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt.
Triển khai Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ, Thái Nguyên là địa phương sớm thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập lần đầu, đạt tỷ lệ 100% về số cơ quan, tổ chức, đơn vị và người phải kê khai.
Cán bộ Thanh tra tỉnh tiếp nhận, kiểm tra các bản kê khai tài sản, thu nhập của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Ảnh tư liệu
Ban Nội chính Tỉnh uỷ thực hiện chuyên đề: “Nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và tham mưu xử lý các vụ án tham nhũng, các hành vi “tham nhũng vặt” xảy ra trên địa bàn” giai đoạn 2019-2020; chuyên đề “Phát hiện và tham mưu cho cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng; chủ động tham mưu, đề xuất xử lý các vấn đề phức tạp, nổi cộm về an ninh trật tự trên địa bàn”, do Ban Nội chính Trung ương triển khai.
Chỉ tính riêng trong năm 2021, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã phối hợp tổ chức 969 lớp tuyên tuyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho hơn 47.000 lượt người là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định công khai, minh bạch tại 142 cơ quan, đơn vị; 80 cuộc kiểm tra về thực hiện chế độ, định mức tiêu chuẩn; định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thực hành Luật Phòng, chống tham nhũng đối với 461 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức.
Qua công tác kiểm tra, giám sát, các cấp uỷ, tổ chức đảng phát hiện 1 trường hợp vi phạm về tham nhũng, tiêu cực. Cơ quan chức năng khởi tố 6 vụ/10 bị can; mở rộng điều tra 3 vụ khởi tố năm 2020; truy tố 8 vụ/12 bị cáo; xét xử sơ thẩm 4 vụ/7 bị cáo về tham nhũng, tiêu cực. Phát hiện, thu hồi tiền và tài sản tham nhũng trị giá 450 triệu đồng.
Thực hiện Kế luận của Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII, mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Nguyên đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh là Trưởng ban.
Tại Hội nghị ra mắt Ban Chỉ đạo, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh: Nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo là chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở địa phương.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo sẽ trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp; dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ mong muốn hoạt động của Ban Chỉ đạo sẽ tạo sự lan tỏa trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, Nhân dân về tinh thần ngăn chặn, đẩy lùi và chủ động tấn công, xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tiễn, với sự thống nhất, đồng bộ và chỉ đạo quyết liệt của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự vào cuộc của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và sự ủng hộ, tham gia của đông đảo quần chúng Nhân dân, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực; góp phần giữ vững ổn định chính trị và bồi đắp niềm tin của nhân dân với Đảng.