CN, 12/01/2025, 03:5

Chủ tịch nước chủ trì hội nghị góp ý vào Dự thảo Đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền

05:45, 06/06/2022

Ngày 6-6, tại Quảng Ninh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" đã chủ trì Hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc vào Dự thảo Đề án.

Tham dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Cùng dự có đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc nhấn mạnh tại hội nghị này, trên cơ sở các dự thảo tài liệu Đề án đã gửi, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận vào ba nội dung quan trọng là: Ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thời gian qua; quan điểm, mục tiêu, đột phá, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; Những vấn đề quan trọng, còn có ý kiến khác nhau liên quan nhiều đến địa phương, như: mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; đổi mới cơ chế phân cấp, phân quyền; kiểm soát quyền lực nhà nước trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam...

Tại Hội nghị, Tổ Biên tập đã báo cáo tóm tắt về tiến độ xây dựng Đề án, ngay sau khi được thành lập, từ tháng 5-2021 đến nay, Ban Chỉ đạo đã khẩn trương tổ chức chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án: Xây dựng kế hoạch; phân công các cơ quan nghiên cứu, xây dựng 27 báo cáo Chuyên đề, thành lập Tổ Biên tập, Nhóm Biên tập xây dựng Đề án làm việc tập trung, giao Ban Nội chính Trung ương làm cơ quan thường trực, giúp Ban Chỉ đạo điều phối hoạt động của các cơ quan, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công; đã tổ chức thành công 3 hội thảo quốc gia, 6 cuộc tọa đàm chuyên sâu; huy động hơn 600 lượt đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học pháp lý hàng đầu của đất nước, cán bộ làm công tác thực tiễn có kinh nghiệm, tâm huyết tham gia trao đổi, thảo luận, góp ý cho việc xây dựng Đề án.

Các ý kiến góp ý của đại biểu tại các hội thảo, tọa đàm đã bám sát Cương lĩnh của Đảng; Hiến pháp của đất nước qua các thời kỳ; các Nghị quyết của Trung ương, nhất là Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Tổ Biên tập cũng xây dựng dự thảo tài liệu Đề án và tổ chức 2 Phiên họp để cho ý kiến. Về cơ bản, dự thảo Đề án qua các lần tiếp thu, chỉnh sửa đã đạt được sự đồng thuận cao của các thành viên Ban Chỉ đạo. Bên cạnh đó, vẫn còn một số vấn đề mới, quan trọng, còn có ý kiến khác nhau cần tiếp tục nghiên cứu, thảo luận để đi đến thống nhất.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Dự thảo Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc và trách nhiệm. Hội thảo này là lần đầu tiên Ban Chỉ đạo đưa Dự thảo Đề án lấy ý kiến của các địa phương; có sự tham dự của lãnh đạo 28 tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương. 

Chủ tịch nước đánh giá, các ý kiến đóng góp tại hội thảo thể hiện sự tâm huyết, sát sao đối với nội dung Đề án; trong đó có nhiều ý tưởng mới, đóng góp vào quan điểm, mục tiêu, đột phá, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chủ tịch nước cho rằng, các ý kiến tại hội nghị thể hiện sự thống nhất với Dự thảo Đề án; nhìn nhận Dự thảo Đề án được xây dựng công phu, nghiêm túc, bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp 2013; đồng thời bày tỏ sự cấp thiết xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhiều ý kiến đề cập đến vấn đề phân cấp giao quyền gắn với quản lý thống nhất; gắn liền với kiểm tra, giám sát.

Chủ tịch nước cũng đánh giá cao các đại biểu đóng góp ý kiến về vấn đề tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; làm rõ hơn các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; trong định hướng phát triển bền vững thì cần quan tâm đến cả các tỉnh nghèo, khó khăn.

Chủ tịch nước cho rằng, những vấn đề được nêu ra tại hội nghị lần này xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong công tác của cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị tại địa phương; phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng ta lãnh đạo.

"Đây là những đóng góp rất quý báu, tạo thêm động lực, quyết tâm để lãnh đạo Đảng, Nhà nước chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quan trọng này. Các đồng chí đều tin tưởng Trung ương, Bộ Chính trị sẽ có một đề án tốt, có Nghị quyết khoa học, tạo điều kiện cho đất nước phát triển mạnh mẽ hơn, tầm nhìn xa đến năm 2045", Chủ tịch nước nêu rõ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã quán triệt một số chủ trương, định hướng quan trọng của Đảng, Nhà nước ta về việc xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có vấn đề nâng cao nhận thức, quan điểm chỉ đạo, lộ trình thực hiện và một số nhiệm vụ của Đề án.

Chủ tịch nước yêu cầu tỉnh ủy, thành ủy các địa phương, sau hội nghị này, tiếp tục nghiên cứu Dự thảo Đề án và góp ý bằng văn bản cho Ban Chỉ đạo. Tổ Biên tập tiếp thu các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Đề án.