Xác định công tác tuyên truyền miệng có vai trò quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, huyện Đồng Hỷ luôn quan tâm củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên (BCV, TTV) của huyện đảm bảo về số lượng và chất lượng. Đồng thời phát huy tốt vai trò của các BCV, TTV để đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân.
Đồng chí Triệu Văn Lũy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đồng Hỷ cho biết: Toàn huyện có 3 BCV cấp tỉnh, 30 BCV cấp huyện, cấp cơ sở có ban tuyên giáo đảng ủy các xã, thị trấn với số lượng mỗi đơn vị từ 5 đến 9 người. Để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã hướng dẫn các chi, đảng bộ cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội lựa chọn cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng; có kinh nghiệm thực tiễn và năng lực tuyên truyền tốt để xây dựng đội ngũ BCV, TTV.
Để kịp thời cập nhật các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và địa phương cho BCV, TTV, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đồng Hỷ tổ chức các hội nghị báo cáo viên định kỳ, định hướng nội dung tuyên truyền và cung cấp kịp thời các tài liệu, tư liệu, như: Bản tin nội bộ, đề cương tuyên truyền... cho đội ngũ này.
Huyện cũng tổ chức các hội thi BCV, TTV giỏi nhằm tạo cơ hội để BCV, TTV trao đổi, học tập kinh nghiệm, kỹ năng tuyên truyền miệng; giúp nâng cao nhận thức cho BCV, TTV về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng.
Bản thân mỗi BCV, TTV cũng luôn có ý thức tự học tập, nâng cao trình độ hiểu biết, kỹ năng để tuyên truyền được đúng, trúng, hay; đồng thời làm tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng với dân, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân.
Điểm nổi bật trong công tác tuyên truyền miệng trên địa bàn huyện Đồng Hỷ trong thời gian qua là chú trọng đổi mới về nội dung, phương thức tuyên truyền theo hướng bám sát thực tiễn, phù hợp với trình độ nhận thức của từng đối tượng.
Lực lượng làm công tác tuyên truyền miệng đã dành nhiều thời gian thông tin về những sự kiện chính trị quan trọng trong nước và quốc tế, những vấn đề mà xã hội quan tâm.
Nội dung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tế, qua đó thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Nhiều BCV, TTV đã thay đổi hình thức tuyên truyền một chiều từ trên xuống bằng hình thức đối thoại, lắng nghe ý kiến phản hồi của cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm nắm bắt tâm tư, dư luận xã hội, từ đó kịp thời giải đáp những băn khoăn, thắc mắc, góp phần định hướng tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Điển hình như ở xã Văn Lăng, mặc dù là xã đặc biệt khó khăn nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động, tình hình phát triển kinh tế, an ninh trật tự trên địa bàn xã đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Đồng chí Ngô Thị Nhị, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Văn Lăng, cho biết: Địa phương có xuất phát điểm thấp, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 70%, bà con chủ yếu làm nương rẫy nên đời sống còn nhiều khó khăn. Để từng bước nâng cao đời sống cho người dân, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền địa phương, đội ngũ BCV, TTV của xã gồm 9 đồng chí luôn làm tốt vai trò chủ lực trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; chú trọng bám sát cơ sở, tuyên truyền mọi lúc mọi nơi, tranh thủ những người có uy tín và các già làng, trưởng bản để tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương…
Để công tác tuyên truyền miệng phát huy hiệu quả hơn nữa, Huyện ủy Đồng Hỷ sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng theo phương châm hướng về cơ sở, tăng cường nắm bắt dư luận xã hội, bố trí những người có kiến thức, khả năng truyền đạt tốt tham gia vào đội ngũ BCV, TTV.