Cách đây 111 năm, với tinh thần yêu nước, thương dân sống trong cảnh lầm than, khổ cực dưới sự áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến và chứng kiến các phong trào yêu nước rơi vào khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành, đã ra đi tìm đường cứu nước, với một khát vọng cháy bỏng, một quyết tâm lớn, tìm ra con đường giải phóng dân tộc.
Ngày 5/6/1911, trên con tàu Amiran Latusơ Tơrêvin (Amiral Latouche Tréville), từ bến cảng Nhà Rồng (thành phố Sài Gòn), người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (bí danh Văn Ba) rời Tổ quốc bắt đầu cuộc hành trình lịch sử đi tìm đường cứu nước. Năm 1923, được hỏi về mục đích của chuyến đi này, Người đã trả lời nhà thơ, nhà báo Nga Ôxíp Manđenxtan: “…., lần đầu tiên tôi được nghe những từ Tự do, Bình đẳng, Bác ái... Người Pháp đã nói thế và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy...”.
Từ năm 1911 đến năm 1920, Người đã tận dụng mọi cơ hội để được đến nhiều nơi trên thế giới. Bước chân của Người đã từng in dấu trên nhiều nước thuộc các đại lục Âu, Á, Phi, Mỹ. Đến đâu Người cũng quan sát kỹ lưỡng, so sánh, nhận xét, đi sâu tìm hiểu cuộc sống của các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân lao động, để tìm hiểu sâu về nền văn hóa của các nước tư bản phát triển thời đó và thực chất của nền văn minh dựa trên chế độ người bóc lột người.
Đặc biệt, Người đã dừng chân khá lâu ở 3 nước đế quốc lớn nhất thời đó là Mỹ, Anh và Pháp. Trong những năm ở nước Mỹ và nước Pháp, Người dành nhiều thời gian tìm hiểu về các cuộc cách mạng nổi tiếng thế giới là cách mạng Mỹ (1776) với bản “Tuyên ngôn Độc lập” và cách mạng tư sản Pháp (1789) bản “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền”. Người rất khâm phục tinh thần cách mạng ở những nước này, nhưng nhận định: Không thể đi theo con đường của họ được.
Năm 1917, thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga đã ảnh hưởng rất lớn đến tình cảm và nhận thức của Người. Và tháng 7-1920, qua báo Nhân đạo (L'Humanité) Pháp, Người được đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I. Lênin. Bản Luận cương của V.I. Lênin như đã đem đến cho Người một nhãn quan chính trị mới.
Từ năm 1921 đến năm 1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân, phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và “Đường Kách mệnh”, đặc biệt là việc xuất bản tờ báo Thanh niên, ra số đầu tiên ngày 21/6/1925, Người đã chuẩn bị về đường lối chính trị để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong thời gian này, Người cũng tập trung cho việc chuẩn bị về tổ chức và cán bộ với việc lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1925), tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ và gửi đi học ở Liên Xô... Khi điều kiện thành lập Đảng đã chín muồi, ngày 3/2/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản ở Việt Nam (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn) đã nhất trí thành lập một đảng duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau 30 năm bôn ba nước ngoài, rời xa Tổ quốc, ngày 28/01/1941, Người về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, con đường duy nhất phải theo là con đường cách mạng dân tộc dân chủ do Đảng tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo đánh đổ đế quốc, thực dân, giành độc lập dân tộc.
Đón bắt kịp thời cơ, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội Quốc Dân từ ngày 16 đến ngày 17/8/1945 thống nhất ý chí toàn dân, quyết định Tổng khởi nghĩa, làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám 1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.
Tiếp tục con đường cách mạng giải phóng dân tộc, Người đã hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nêu cao truyền thống yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc, vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, giành thắng lợi vĩ đại trong 2 cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước.
Kỷ niệm 111 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2022) mỗi chúng ta càng thấy tầm vóc lớn lao và ý nghĩa lịch sử vĩ đại của sự kiện này. Chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc trên đất nước Việt Nam thân yêu hôm nay đã được bắt đầu và quyết định từ những ngày tháng “Người đi tìm hình của nước”.