Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đã ký ban hành Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
Quy định gồm 6 Chương, 34 Điều, quy định mục đích, yêu cầu, nguyên tắc, nội dung, trách nhiệm, thẩm quyền trong quản lý cán bộ và nguyên tắc, trách nhiệm, thẩm quyền, tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục, quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử; tái cử, chỉ định, điều động và biệt phái cán bộ. Quy định áp dụng đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.
Quy định nhằm tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu quả công tác quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Quy định nêu rõ nguyên tắc: Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể quyết định, đồng thời phát huy đầy đủ trách nhiệm cá nhân, trước hết là người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ.
Về phân cấp quản lý cán bộ, Quy định nêu rõ nội dung quản lý, trách nhiệm và quyết định đối với cán bộ: Ban Chấp hành Trung ương Đảng thực hiện định hướng và quyết định những chủ trương, vấn đề hệ trọng về công tác cán bộ và cán bộ theo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trực tiếp quyết định một số nội dung trong công tác cán bộ; phân công, phân cấp cho các cấp ủy, tổ chức đảng quyết định một số nội dung đối với các chức danh lãnh đạo thuộc diện Trung ương quản lý và các chức danh cán bộ khác; ủy quyền cho Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư quyết định một số khâu, nội dung trong công tác cán bộ. Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ công tác, sinh hoạt đảng ở địa phương, cơ quan, đơn vị, trong đó có cán bộ thuộc diện cấp trên quản lý và chịu trách nhiệm trước cấp có thẩm quyền về phạm vi được phân cấp, ủy quyền trong quản lý cán bộ. Trường hợp một người đồng thời đảm nhiệm nhiều chức vụ thuộc thẩm quyền quản lý của các cấp khác nhau thì cấp quản lý chức vụ cao nhất xem xét, quyết định. Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát, lấy phiếu tín nhiệm theo quy định; xem xét, quyết định hoặc đề nghị khen thưởng, kỷ luật; thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội; cho từ chức, miễn nhiệm đối với cán bộ được phân cấp quản lý hoặc trong phạm vi được phân công phụ trách…
Quy định cũng nêu cụ thể nội dung trách nhiệm quản lý cán bộ và quyền hạn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; của các cấp ủy trực thuộc Trung ương (gồm: các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương); của Ban cán sự đảng Chính phủ; Đảng đoàn Quốc hội; ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các hội ở Trung ương; Ban Tổ chức Trung ương; Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Ban Tuyên giáo Trung ương; Ban Dân vận Trung ương; Ban Kinh tế Trung ương; Ban Nội chính Trung ương; Ban Đối ngoại Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng.
Về việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, Quy định nêu rõ: Cấp ủy, tổ chức đảng và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị xem xét, quyết định bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo thẩm quyền; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, phát huy đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm của từng thành viên và người đứng đầu. Căn cứ tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất, đạo đức, năng lực, sở trường và uy tín của cán bộ; đồng thời, xuất phát từ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Bảo đảm sự ổn định, kế thừa và phát triển liên tục của đội ngũ cán bộ; nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc. Không bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, điều động, phong, thăng quân hàm đối với cán bộ, đảng viên đang bị xem xét, xử lý kỷ luật… Thời hạn bổ nhiệm giữ chức vụ là 5 năm (60 tháng) đối với các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị và doanh nghiệp nhà nước; dưới 5 năm áp dụng đối với một số chức vụ đặc thù theo quy định riêng. Thời hạn giữ chức vụ bầu cử theo nhiệm kỳ của tổ chức đó. Về quy trình bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử, đối với nguồn nhân sự tại chỗ, quy trình gồm 5 bước; đối với nhân sự điều động, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử từ nguồn cán bộ ở nơi khác, quy trình gồm 3 bước. Đối với tổ chức có đặc thù, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, tổng thể và liên thông...
Về việc bổ nhiệm lại, giới thiệu tái cử, Quy định nêu rõ, chậm nhất 90 ngày trước ngày hết thời hạn bổ nhiệm, cấp có thẩm quyền phải thông báo để cán bộ chuẩn bị thủ tục bổ nhiệm lại theo quy định. Cán bộ sau khi được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vì một trong các lý do: Sức khỏe không bảo đảm; uy tín giảm sút; không hoàn thành nhiệm vụ; vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật của Nhà nước,... thì cấp có thẩm quyền quyết định việc thay thế, cho thôi giữ chức, miễn nhiệm, từ chức, cách chức, không chờ hết thời hạn giữ chức vụ, hết nhiệm kỳ công tác. Cấp nào ra quyết định bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử thì cấp đó thực hiện việc bổ nhiệm lại, giới thiệu tái cử. Những trường hợp không đủ điều kiện bổ nhiệm lại thì phải báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Việc bổ nhiệm lại đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý còn từ 2 năm công tác trở lên thì phải thực hiện quy trình bổ nhiệm lại theo quy định; trường hợp còn dưới 2 năm công tác thì người đứng đầu và tập thể lãnh đạo thảo luận, xem xét, nếu cán bộ còn sức khỏe, uy tín, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, biểu quyết (bằng phiếu kín), báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định kéo dài thời hạn giữ chức vụ cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu mà không phải thực hiện quy trình bổ nhiệm lại. Cán bộ không được bổ nhiệm lại, giới thiệu tái cử thì cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc bố trí công tác khác theo nguyên tắc không được bố trí chức vụ tương đương hoặc cao hơn.
Đối với việc điều động, biệt phái cán bộ, phải căn cứ vào yêu cầu công tác, phẩm chất, năng lực, sở trường, uy tín và khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cán bộ nhằm phát huy, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ; góp phần khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ trong từng địa phương, cơ quan, đơn vị; bảo đảm sự ổn định và phát triển của đội ngũ cán bộ. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và cá nhân cán bộ phải chấp hành quyết định điều động, biệt phái cán bộ của cấp có thẩm quyền. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện để cán bộ được điều động, biệt phái sớm ổn định công tác và sinh hoạt. Cán bộ được điều động, biệt phái đến những vùng khó khăn như miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được ưu tiên giải quyết trước thời hạn một số chế độ, chính sách…
Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quy định số 105-QĐ/TW, ngày 19/12/2017 của Bộ Chính trị.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin