Kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930-15/10/2022):
Tăng cường và đổi mới công tác dân vận, góp phần đắc lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

11:17, 14/10/2022

Đảng ta luôn xác định: Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta, là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân ta trong điều kiện hội nhập quốc tế càng đòi hỏi phát huy cao độ khối đoàn kết và sức mạnh toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại, thực hiện thành công công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đồng chí Dương Văn Tiến, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, tặng quà người dân tộc thiểu số, người có uy tín tiêu biểu của tỉnh năm 2022.
Đồng chí Dương Văn Tiến, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, tặng quà người dân tộc thiểu số, người có uy tín tiêu biểu của tỉnh năm 2022.

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Thấm nhuần và vận dụng những quan điểm, tư tưởng đó, các cấp ủy, tổ chức đảng trên địa bàn tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung công tác dân vận theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và đại hội đảng các cấp, gắn với việc thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới". Kịp thời sơ kết, tổng kết, kiểm tra, giám sát các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, mặt trận, đoàn thể. Phát huy vai trò công tác dân vận trong phòng, chống dịch COVID-19 và khôi phục, phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân; huy động các nguồn lực xã hội tham gia phòng, chống dịch, hệ thống dân vận đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả.

Chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận của chính quyền, đặc biệt là công tác cải cách hành chính, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương và tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, đã có những chuyển biến tích cực.

Năm 2021, Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của Thái Nguyên xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố, tăng 6 bậc so với năm 2020; Chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính (SIPAS) của tỉnh Thái Nguyên xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố, tăng 13 bậc so với năm 2020).

Công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với Nhân dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Nhân dân đạt được những kết quả quan trọng. Từ năm 2015 đến hết năm 2021, toàn tỉnh đã tổ chức được 1.836 hội nghị tiếp xúc, đối thoại định kỳ và đột xuất (trong đó, cấp tỉnh 10 cuộc, cấp huyện 172 cuộc, cấp xã 1.654 cuộc), với tổng số 94.268 lượt người tham gia. Tiếp nhận 15.732 ý kiến, kiến nghị. Tổng số ý kiến, kiến nghị đã được giải quyết là 15.500 ý kiến, kiến nghị (đạt 98,52%); đang giải quyết 218 ý kiến, kiến nghị (bằng 1,39%), chưa giải quyết 14 ý kiến, kiến nghị (bằng 0,09%).  

Các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc, tôn giáo được các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp, lực lượng vũ trang trong thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận đã có sự gắn bó chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã phối hợp với Công an tỉnh, Đại học Thái Nguyên, Tỉnh đoàn và các địa phương tổ chức 16 hội nghị tuyên truyền, vận động gần 20.000 lượt học sinh, sinh viên và người nhân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và đấu tranh với các “tà đạo”, tổ chức tự xưng.

Phong trào thi đua "Dân vận khéo" phát triển rộng khắp trong các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị với nhiều mô hình cụ thể, hiệu quả và trở thành phong trào chung của cả hệ thống chính trị. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, triển khai thực hiện các phong trào, các cuộc vận động đi vào chiều sâu, có sức lan toả; phát huy vai trò giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền…

Đến tháng 9-2022, toàn tỉnh có 2.157 mô hình Dân vận khéo trên các lĩnh vực: Kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Nhiều điển hình tập thể, cá nhân “Dân vận khéo” có tính lan tỏa cao trong cộng đồng góp phần thiết thực vào thực hiện nhiệm vụ chính trị chung, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng hạ tầng, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân.

Cùng với những kết quả của công tác dân vận, trong những năm vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Thái Nguyên đã khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế. Kinh tế - xã hội tiếp tục đà tăng trưởng, một số lĩnh vực có sự phát triển bứt phá; hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch hằng năm; quốc phòng, an ninh được đảm bảo; văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường; các chính sách xã hội được quan tâm đúng mức; diện mạo của tỉnh từ thành thị đến nông thôn có nhiều khởi sắc; đời sống của Nhân dân ngày càng được cải thiện; niềm tin của Nhân dân đối với Đảng ngày càng được nâng cao.

Một số kết quả nổi bật có thể kể đến như: Nhiệm kỳ 2015 - 2020 có 19/19 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX (14/19 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức); Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2016 -2020 là 11,1%/năm; Tổng thu ngân sách năm 2021 đạt 17.916 tỷ đồng, vượt 14,8% dự toán năm, thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố có số thu ngân sách cao nhất cả nước; Giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị hàng hóa xuất khẩu của tỉnh tiếp tục duy trì vị trí thứ 4/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; Thu ngân sách 9 tháng đầu năm 2022 đạt 11.988 tỷ đồng, bằng 17,1% dự toán; Chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp tăng 11,93% so với cùng kỳ; Giá trị xuất khẩu trên địa bàn đạt 25,08 tỷ USD, tăng 18,4%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 34 nghìn tỷ đồng, tăng 19,9%; Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 9 tháng năm 2022 đạt 39.869 nghìn tỷ đồng, tăng 18,38%...

Đặc biệt, công tác chuyển đổi số đang được các cấp ủy, chính quyền và toàn thể Nhân dân tích cực hưởng ứng thực hiện. Kết quả xếp hạng chuyển đổi số năm 2021, tỉnh Thái Nguyên đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố (trong đó, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành về chính quyền số; 5/63 tỉnh, thành về kinh tế số và 8/63 tỉnh, thành về xã hội số)…

Có thể khẳng định, trong những năm vừa qua, công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nghiêm túc, sâu rộng, thực sự đi vào đời sống xã hội và được các tầng lớp Nhân dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới; từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong thực thi công vụ; góp phần quan trọng vào việc phát huy dân chủ, tăng cường sự đồng thuận trong Nhân dân, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Phát huy truyền thống và thành tựu đạt được trong 92 năm qua, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, vào cuộc sống, thời gian tới công tác dân vận cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau:

1. Tăng cường quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng về vai trò của Nhân dân, dân vận và công tác dân vận. Đặc biệt là Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới"; Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị gắn với triển khai hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác dân vận.

2. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Cấp ủy, chính quyền các cấp nghiêm túc chấp hành quy định về công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân; cầu thị, lắng nghe và xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ những vấn đề cụ thể liên quan đến đời sống, sản xuất của Nhân dân. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên trong hệ thống chính trị thường xuyên sâu sát cơ sở, đánh giá và dự báo chính xác, kịp thời những diễn biến xã hội, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân để đề xuất giải pháp, chính sách kịp thời, phù hợp.

3. Tăng cường công tác dân vận của các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao đạo đức công vụ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động tiếp xúc cử tri, hoạt động giám sát, tiếp dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của Nhân dân. Đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm quyền công dân trong hoạt động tư pháp. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác dân vận của lực lượng vũ trang; xây dựng thế trận lòng dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân vững chắc.

4. Nâng cao hiệu quả thực hiện dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện; trọng tâm là nâng cao chất lượng thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa, thực hiện tốt vai trò “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt” để Nhân dân làm chủ; phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và các quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở phù hợp tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị, doanh nghiệp.

5. Phát huy vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, vận động Nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo”, các cuộc vận động, thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân. Đảm bảo sự lãnh đạo thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ…

Dương Văn Tiến, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ Thái Nguyên